Năm 2018 đã chính thức khép lại với bức tranh âm nhạc đầy màu sắc trẻ trung, năng động đến từ những nghệ sĩ trẻ, cùng hàng loạt ca khúc với cái tên vô cùng “lạ” như HongKong1, Người lạ ơi, Cùng anh, Cô gái m52,…
Có thể thấy trong năm vừa qua, các nghệ sĩ tân binh lại là nhân tố thu hút sự quan tâm, chú ý từ khán giả nhiều hơn so với các ca sĩ vốn quen thuộc trước đó. Những cái tên như Nguyễn Trọng Tài, Đạt G, Orange, Tùng Viu,… đều trở thành những từ khóa “hot” trên mạng xã hội.
“Một nốt nhạc cũng không biết”
Hầu hết những nghệ sĩ trẻ ra mắt trong năm vừa qua đều là những người không được đào tạo hay theo học âm nhạc một cách bài bản. Nói cách khác, họ đều là những người “không chuyên” về lĩnh vực này.
Nguyễn Trọng Tài - tác giả của bản hit HongKong1 đã từng chia sẻ mình không hề được đào tạo chuyên sâu về âm nhạc. Chàng trai trẻ này sáng tác và hát chỉ vì tình yêu cháy bỏng với âm nhạc.
Trọng Tài từng bị gia đình phản đối gay gắt chuyện theo đuổi con đường nghệ thuật, sau đó phải theo học tại một trường kinh tế. Đối với nam ca sĩ trẻ này, âm nhạc là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, thậm chí “không có âm nhạc thì không sống được.”
Sau khi ca khúc HongKong1 chính thức ra mắt bản audio, nhiều người cho rằng đây sẽ là bước để Trọng Tài tiến vào showbiz. Nhưng đáp lại tất cả, Trọng Tài cho biết việc ra mắt bản audio không hề có mục đích nào khác ngoài việc gửi tới cho khán giả sản phẩm âm nhạc chất lượng, hoàn chỉnh nhất.
MV Hongkong 1 - Nguyễn Trọng Tài x San Ji x Double X
Một cái tên cũng vô cùng mới trong 2018 chính là Tùng Viu - tác giả của Cô gái m52. Ngay sau khi ra mắt, ca khúc với giai điệu tươi vui này đã lập tức gây sốt trên mạng xã hội. Thế nhưng, chính tác giả này cũng thừa nhận mình “một nốt nhạc cũng không biết”.
“Mọi ca khúc tôi đều thực hiện dựa trên cảm hứng và cảm nhận của bản thân. Riêng với Cô gái m52, tôi thực hiện trong khoảng 2 ngày. Tôi chỉ nắm được những điều cơ bản để làm nên một ca khúc như hợp âm, gam… còn cách hát thuận tự nhiên, hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận” - Tùng Viu “bộc bạch”.
Việc sáng tác ra bài Cô gái m52 chỉ là sự ngẫu nhiên của Tùng Viu. Anh chàng sinh năm 1995 này viết ca khúc để tặng cho bạn gái. Trước đó, Tùng Viu cũng từng chắp bút gần 30 ca khúc, nhưng chỉ để tặng cho bạn bè. Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của bài hát cũng khiến chính tác giả phải bất ngờ.
MV Lyric Cô gái m52 - HuyR ft Tùng Viu.
Cùng anh là một ca khúc cũng đạt được thành tích đáng nể, trong đó tiêu biểu là thu về hơn 200 triệu lượt nghe sau gần 1 năm ra mắt. Thành công cùng độ “phủ sóng” của bài hát khiến cho nhiều khán giả nghĩ tác giả của nó nhất định là một người chuyên nghiệp. Thế nhưng tất cả lại trái ngược hoàn toàn.
Ngọc Dolil - người sáng tác và thể hiện Cùng anh là một cô gái sinh năm 1997 hiện đang theo học ngành Truyền thông tại TP.HCM. Tác giả trẻ này cũng hoàn toàn không được đào tạo về âm nhạc trước đó. Ngọc Dolil bắt đầu tự mày mò làm quen với âm nhạc vào năm lớp 11. Khi ấy, việc viết nhạc với chủ nhân bản hit bắt đầu bằng cách ghi âm giai điệu nảy sinh trong đầu vào điện thoại, sau đó nhờ bạn bè làm nhạc.
Sau thành công của Cùng anh, Ngọc Dolil cũng có những chia sẻ thẳng thắn: "Tôi sẽ sắp xếp thời gian để học chuyên sâu về âm nhạc. Tôi không muốn bị mang tiếng là nhạc sĩ mà nốt nhạc cũng không biết.”
Cùng anh - Ngọc Doli.
Không học thanh nhạc cũng viết được nhạc?
Cả 3 tác giả trẻ trên đều là những “tay ngang”, không có kiến thức chuyên sâu về âm nhạc trước đó, nhưng những ca khúc do họ sáng tác lại có được thành công lớn. Minh chứng là những vị trí cao nhất BXH, đồng thời là những con số hàng trăm triệu lượt nghe. Tuy vậy, sự thành công đến sớm của những nghệ sĩ trẻ lại đặt ra câu hỏi: Vì sao không học thanh nhạc cũng viết được nhạc?
Đối với nhiều trường hợp khác, các ca sĩ, không riêng gì Việt Nam mà trên toàn thế giới đều phải rèn luyện khả năng thanh nhạc rất kỹ càng mới có thể bước lên sân khấu. Thậm chí, có những người được đào tạo âm nhạc bài bản nhưng đi hát nhiều năm vẫn không thể tạo hit.
Câu hỏi trên đã được chính những nghệ sĩ trẻ trả lời. Họ cũng tự ý thức được rằng mình không có kiến thức âm nhạc và không hề trốn tránh việc đó. Họ vẫn tự thừa nhận với người hâm mộ về khả năng thanh nhạc có hạn của mình. Nhưng họ luôn khẳng định đam mê của mình để khán giả thấy được sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ để đem tới sản phẩm chất lượng.
Với Nguyễn Trọng Tài, đó là những sự cố gắng miệt mài hoàn thiện HongKong1 đến nỗi bị ốm nặng vẫn gắng gượng quay hình. Với Tùng Viu, đó là sự khiêm tốn khi được khen về bài hit. Còn Ngọc Dolil, cô ca sĩ trẻ này nói mình sẽ đi học thanh nhạc để chứng minh bản thân với khán giả.
Bên cạnh những nỗ lực hay khả năng, thì điều làm nên thành công cho những ca khúc mới chính là cá tính, màu sắc riêng của tác giả, ca sĩ.
HongKong1, Cùng anh, Cô gái m52 hay những ca khúc mới được ra mắt trong 2018 đều có những màu sắc rất riêng biệt. Sự mới lạ nằm ở phần ca từ phá cách, cái tên cũng “chẳng giống ai”, giai điệu cũng không trùng với bài hát mainstream nào trước đó. Đặc biệt, phần ca từ của mỗi bài hát đều là những câu chuyện riêng mà các nghệ sĩ trẻ gửi gắm. Các giải thưởng âm nhạc cũng đã dần nhìn nhận đúng đắn về những gương mặt tay ngang này. Mới nhất, các tác giả không chuyên kể trên đã được đề cử giải thưởng âm nhạc Zing Music Awards 2018. Qua đó có thể thấy màu sắc âm nhạc cá nhân đang ngày càng được thể hiện rõ hơn trong đường đua V-Pop.
Nhạc sĩ Dương Cầm cũng từng nói: “Trong âm nhạc, ở một số trường hợp, kinh nghiệm và kỹ thuật chưa hẳn đã tạo ra những bản nhạc xuất sắc. Đôi khi kinh nghiệm và kỹ thuật vốn có lại trở thành tấm ngăn làm hạn chế sức sáng tạo.”
Câu nói trên hoàn toàn đúng với những trường hợp của các nghệ sĩ trẻ có bản hit trong 2018. Hơn bao giờ hết, âm nhạc không có giới hạn, cũng không cần phải gò ép vào một khuôn khổ nhất định nào đó. Sự sáng tạo, màu sắc cá nhân chính là điều mà khán giả luôn thích thú, đó cũng chính là điều mà làng nhạc Việt cần để bổ sung vào bức tranh âm nhạc vốn không quá nổi bật trong năm qua.
Tuy vậy, các nghệ sĩ trẻ cũng không thể ngủ quên trên chiến thắng, bởi họ mới chỉ được xem là thành công ở một sản phẩm. Khán giả mong chờ nhiều hơn vào họ ở những sự thể hiện tiếp theo đó, như vậy mới có thể chứng mình rằng: Không có kiến thức thanh nhạc vẫn hoàn toàn sống cùng âm nhạc được.