Những “tiểu xảo” giúp bạn mở rộng được giới hạn “nỗi sợ hãi” của chính mình

Những “tiểu xảo” giúp bạn mở rộng được giới hạn “nỗi sợ hãi” của chính mình
HHT - Bạn thường lo sợ đến run tay trước khi đi thi hoặc sợ việc đi máy bay? Bí quyết không phải là “đừng sợ nữa”, mà thừa nhận những gì khiến bạn lo sợ. Sau đó, bạn có thể mở rộng những giới hạn của mình. “Tiểu xảo” là đây:

Tự kể một câu chuyện

Nếu có điều gì đó khiến bạn lo sợ, hãy thử nói hoặc nghĩ về nó mà không kèm theo cảm xúc, như kiểu bạn đang miêu tả một bức ảnh bình thường vậy: “Máy bay chuẩn bị cất cánh. Đai an toàn của cô gái đó đã được thắt chặt. Cô ấy đang cầm một cuốn sách”.

Những “tiểu xảo” giúp bạn mở rộng được giới hạn “nỗi sợ hãi” của chính mình ảnh 1

Trong một nghiên cứu ở ĐH Columbia, khi mọi người được cho xem những bức ảnh đáng sợ, rồi sau đó kể về chúng như một người quan sát không liên quan (như thể đang đọc lời thoại cho một câu chuyện), thì vùng não nơi “khởi đầu” những nỗi sợ hãi lại yên lặng, không hoạt động, trong khi những vùng não có liên quan tới khả năng tự kiểm soát lại được khuấy động.

Thở từ bụng

Việc này được gọi là thở từ cơ hoành. Nó rất dễ mà lại rất hiệu quả: Bạn chỉ cần hít thở chậm từ vùng bụng dưới và thầm đếm đến 4, ngừng lại trong khi đếm đến 4 nữa, rồi từ từ thở ra trong khi thầm đếm tiếp đến 4. Lặp lại trong vài phút.

Bài tập này khiến bạn tập trung vào cơ thể thay vì vào cái đầu của mình, khiến bạn sao lãng khỏi những suy nghĩ lo sợ và hướng sự chú ý của bạn vào hiện tại. Ngoài ra, như vậy thì máu cũng sẽ chảy đến các cơ nhiều hơn, giúp cơ thể bạn sẵn sàng đối diện với bất kỳ điều gì trước mắt.

Những “tiểu xảo” giúp bạn mở rộng được giới hạn “nỗi sợ hãi” của chính mình ảnh 2

Siết chặt và thả ra

Bạn có thể chuyển từ trạng thái căng thẳng sang bình tĩnh bằng cách tập thư giãn cơ: Làm căng và thả lỏng từng nhóm cơ một. Hãy bắt đầu với bàn chân của bạn và dịch chuyển dần lên phía trên, kết thúc bằng nhóm cơ ở mắt. Như vậy, bạn sẽ thả lỏng được các cơ, đồng thời cũng xoa dịu được đầu óc mình. Và bạn có thể thấy rằng điều tưởng chừng như một cuộc khủng hoảng tồi tệ có thể chỉ là một cái ổ gà trong cuộc sống mà thôi!

Thừa nhận nỗi lo sợ

Nói ra nỗi lo sợ của bạn sẽ giúp kích hoạt vùng não dành cho nhiều lý trí và ít cảm xúc hơn – một nghiên cứu ở ĐH California (Los Angeles) đã khẳng định như vậy. Khi các tình nguyện viên được cho xem những bức ảnh đáng sợ, thì việc quét não cho thấy vùng não khởi động nỗi sợ hãi bắt đầu hoạt động. Nhưng khi các chủ thể này miêu tả bằng lời nói to, rõ ràng về các cảm xúc của họ khi xem những hình ảnh đó (ví dụ: “Xem bức ảnh các bệnh nhân bị tai nạn khiến tôi rất sợ và mệt mỏi”), thì những vùng não điều khiển lý trí logic trong não lại tăng cường hoạt động, khiến các chủ thể cảm thấy bình tĩnh hơn.

Những “tiểu xảo” giúp bạn mở rộng được giới hạn “nỗi sợ hãi” của chính mình ảnh 3

“Bẻ ngoặt” cả suy nghĩ lẫn từ vựng của bạn

Dù điều khiến bạn lo sợ là gì, thì nếu bạn có thể nhìn nó theo cách khác, nghĩ về nó như một thử thách lý thú thay vì một chuyện kinh khủng, thì bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và có thể đương đầu được tốt hơn.

Ví dụ, một bài kiểm tra điểm thấp có thể là cơ hội cho bạn ôn tập lại kỹ hơn phần kiến thức chưa hiểu, khiến bạn nắm vững hơn cho kỳ thi cuối năm; hay một lần trái tim tan vỡ có thể là một cơ hội để bạn sống độc lập hơn và sau này gặp một người phù hợp với bạn hơn… Sao cũng được, chỉ cần nghĩ khác đi là bạn đã thấy cuộc sống khác đi rồi!

TEAMIRI

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm