Ấn tượng trong tập phát sóng mới có thể kể đến màn chào sân của Hà Văn Hiệp với tiết mục đồng diễn múa côn trước khi bước vào phần thử thách. Văn Hiệp là giáo viên Thể chất ở một trường Đại học. Trước khi trở thành thầy giáo Vovinam, anh từng là vận động viên chuyên nghiệp, nhưng đúng vào lúc tương lai đang rộng mở thì Hiệp bị chấn thương nặng ở tay. Bằng ý chí bền bỉ, Văn Hiệp tiếp tục gắn bó với võ thuật bằng việc giảng dạy bộ môn Vovinam. Hiện nay, Văn Hiệp là một trong những cao thủ côn nhị khúc tại Việt Nam.
Với thử thách Chiến binh bền bỉ - cấp độ Thách thức giới hạn, trên sân khấu xuất hiện 20 người hỗ trợ, trong đó có 12 người cầm que diêm trên tay và 8 người ngậm que diêm trong miệng. Thử thách dành cho Văn Hiệp là trong vòng 2 phút, anh phải dùng côn nhị khúc lần lượt đánh trúng vào 20 que diêm để thắp lên lửa ở từng que diêm.
Độ chính xác được đo khi lửa được bật lên và que diêm không được rơi xuống đất. Thắp được 15/20 que diêm, thử thách thành công. Nếu côn đánh trúng người hỗ trợ dù chỉ 1 lần, thử thách thất bại. Như vậy trung bình khoảng 6 giây để đánh côn thắp sáng 1 que diêm. Mục tiêu nhỏ như que diêm đòi hỏi mỗi đường côn khi đánh ra phải được canh chuẩn xác nhất. Liệu Hà Văn Hiệp có vượt qua cấp độ Thách thức giới hạn?
Cũng trong tập 7, sân khấu Siêu Thử Thách chào đón thêm một tiết mục thử thách liên quan đến năng lực thính giác là thử thách Đôi tai siêu đẳng của Đỗ Nguyễn Anh Thư - nữ sinh viên Nhạc viện TP.HCM. Từ khi chào đời, Anh Thư đã không nhìn thấy ánh sáng, nhưng trời đã ban cho cô đôi tai siêu đẳng với thính lực tuyệt vời. Với sự đồng hành của mẹ, Anh Thư đã trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên và duy nhất của khoa Piano Nhạc viện TP.HCM.
Thử thách chờ đón Anh Thư ở cấp độ Thách thức giới hạn như sau: Trên sân khấu xuất hiện 19 em bé. Giám khảo sẽ chọn 1 em bé bất kỳ để đọc 1 bài thơ để Anh Thư nghe chất giọng của em bé (tạm gọi là giọng đọc mục tiêu). Sau đó, giám khảo sẽ chọn ra 19 trong số 30 bài thơ cho 19 em bé đồng loạt đọc cùng lúc trong khoảng thời gian quy định là 45 giây.
Anh Thư sẽ được nghe 2 lần và nhiệm vụ của cô là tìm được tìm được giọng đọc mục tiêu bằng cách tìm đúng nội dung bài thơ mà em bé đọc. Là ông bố 3 con, giám khảo Xuân Bắc cho biết ở nhà anh chỉ nghe 3 âm thanh “chí choé” của 3 đứa con là đã đủ đau đầu, nhưng ở đây Anh Thư phải nghe âm thanh của 19 bé cùng đọc cùng lúc thì quả là “khó dã man”.
Vừa nghe qua mô tả thử thách này, Đức Phúc đã thảng thốt: “Khó vô cùng! Em nghĩ rằng mình nhìn thế này không khéo là mình còn quên bé đó (giọng đọc mục tiêu) là bé nào. Thứ nhất là giọng của các bé đã khác nhau rồi, chưa kể là các bé còn đọc theo từng cảm xúc với bài thơ đó nữa. Em không thể tưởng tượng nổi, khó quá!”.
Giám khảo Dương Anh Vũ nhận định: “Bạn ấy phải thực hiện cùng 1 lúc các bước: ghi nhớ giọng đọc, tách âm. Vấn đề tách âm đó yêu cầu bạn phải chống lại 18 âm khác đang gây nhiễu - điều này mang tính chất rất dị biệt”.
Đôi tai thính lực đã đưa Anh Thư đến với thế giới âm nhạc và từ đó mang đến nhiều sắc màu cho cuộc sống của cô. Giờ đây, liệu đôi tai ấy có thể phát huy hết mọi tiềm lực để trở thành “siêu đẳng”, giúp cô giáo dạy nhạc trong tương lai vượt qua cấp độ Thách thức giới hạn và tiếp tục phá vỡ mọi giới hạn, chinh phục những thử thách mới?