22 giờ, hai hàng khách cả chục người, chủ yếu là các bạn trẻ, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mua ly trà đào dầm của bà Dung. Quán không có biển tên, cũng không menu, nhưng khách thuộc lòng các món như cam sữa, ca cao, việt quất... Đặc biệt, món trà đào dầm được các bạn trẻ truyền tai nhau phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới có cơ hội thưởng thức.
Quán chỉ có một chiếc bàn nhỏ để đầy đủ nguyên liệu, nhiều nhất vẫn là trà và tắc (miền bắc gọi là quất). Khách gọi đến đâu, chủ quán đun nước – pha trà đến đó. Từng ly trà được pha tỉ mẩn đến… mức cầu kỳ. Chủ quán đong từng lượng nước, thêm đường, tắc, đào, đá. Khách ngày càng đông còn chủ quán thì chăm chú pha chế kỹ càng. Người mua chờ đợi thấm mệt nên khi có được ly trà hút rồn rột, tấm tắc khen ngon.
Một nhóm bạn trẻ 5 người xếp hàng uống trà đào dầm của bà Dung cho hay về khuya khách đông, không xếp hàng nổi. Trần Minh Thiện, 23 tuổi, nhà ở Q.6 cho biết: “Mình hay đi làm qua đoạn đường này, ban đầu không biết là bán gì nhưng sau này được bán bè giới thiệu mới ghé vào uống thử.”
Thiện nhấn mạnh: “1 ly có thể pha thành 2 ly, nghĩa là nó rất chất lượng. Thí dụ như ly này đi (chỉ vào ly việt quất đang cầm), một lớp đá, một lớp việt quất, một lớp sữa xong thêm một lớp việt quất nữa thành ra ly có hương vị rất đậm đà”.
“Thường thường 1 ly nước như vậy để một hồi đá sẽ tan ra, nước nhạt đi nhưng của cô Dung thì vẫn rất ngon”, Bích Trân, Q.6 ngồi kế bên đánh giá.
Trong dòng người xếp hàng, Nguyễn Ngọc Châu, Châu Khánh Vi, hai sinh viên năm nhất một trường đại học ở TP.HCM thích thú thưởng thức ly trà với vẻ mặt mãn nguyện.
“Bọn em nghe thấy quán cô Dung trên mạng lâu rồi, bữa nay rảnh rỗi mới ra đây xếp hàng mua được. Đúng là xứng đáng với công sức bỏ ra. Cô chủ rất vui vẻ. Trà thì rất thơm, vị thanh mà không ngọt chát như các chỗ khác từng uống. Ngon lắm ạ!”. Hai cô sinh viên nói rồi không quên chụp hình, khoe trên mạng xã hội.
Bà Dung giải thích lý do quán chỉ mở buổi tối cho đến khuya: “Buổi sáng mướn tiền nhà mắc lắm, để cho người ta kinh doanh nên mình mới bán tối”.
“Việt quất trước cô bán 13.000 đồng, sau này lên 14.000 đồng vì trăm mấy chục ngàn một chai siro, mắc lắm”, bà nói.
Nhiều khách hàng cũng nhận xét, mặc quán đông nhưng bà chủ không "quạu quạu" khi hỏi chuyện, lúc nào bà cũng ân cần, vui vẻ. “Một số quán khác, mình thắc mắc thì sẽ bị người ta la, uống mà còn bị chửi. Chứ ở đây không có bị, hỏi gì cô vẫn lịch sử trả lời nên nhiều người thích đến uống”, Minh Khôi (26 tuổi, Q. Bình Thạnh) nói.
Ở Sài Gòn, chẳng cần biết ở vỉa hè hay nhà hàng sang trọng, chỉ cần ngon lành, khách tự khắc sẽ tới. Ở chỗ bà Dung, thức uống vừa ngon mà người bán lại vui vẻ, dễ thương. Dễ thương từ cách đun từng ấm nước, pha từng ly trà cho đến cách bán hàng dịu dàng tâm huyết giữa không gian bộn bề, đông đúc. Xếp hàng chờ đợi, tám dăm ba câu chuyện buổi đêm mát mẻ, biết đâu lại kết giao với bạn mới, kể cũng đáng!