Tiêm phòng bệnh nói chung là một việc tốt, và vào thời điểm này thì rất nhiều người muốn được tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, nếu được tiêm cùng lúc hẳn 5 liều thay vì một liều như bình thường thì lại là chuyện rất khác.
Singapore là nước châu Á sớm triển khai việc tiêm vắc-xin COVID-19 và đội ngũ nhân viên y tế là những người được tiêm đầu tiên.
Nhưng chuyện không mong muốn đã xảy ra, khi một nhân viên ở Trung tâm Nhãn khoa Quốc gia Singapore (SNEC) được (hay “bị”) tiêm cùng lúc 5 liều. Sự việc được phát hiện ra sau đó 5 phút và việc tiêm vắc-xin ở SNEC phải tạm dừng ngay lập tức.
Sau khi tìm hiểu thì trung tâm này nhận ra rằng, việc tiêm 5 liều vắc-xin là do "sơ suất của con người", cụ thể là do chuyển thông tin không rõ ràng.
Theo đó, một lọ vắc-xin của Pfizer chứa 5 liều, lẽ ra cần được pha loãng trước khi tiêm. Tuy nhiên, đúng lúc thực hiện việc tiêm cho nhân viên y tế nói trên thì người chịu trách nhiệm việc pha loãng vắc-xin lại… bị gọi đi làm việc khác. Một người khác tới thay thế, nhưng lại tưởng là lọ vắc-xin đã được pha loãng rồi nên không pha nữa. Thế là người thực hiện việc tiêm cứ thế dùng cả lọ 5 liều mà tiêm.
Khi sự cố được phát hiện thì người được tiêm vẫn đang ngồi ở phòng nghỉ ngơi chứ chưa đi về. Nhiều người nhận xét rằng “may” mà người này là nhân viên y tế, nên dù hơi lo lắng, anh ấy cũng không đến nỗi hoảng loạn như những người bình thường trong tình huống tương tự.
Tạm thời, người được tiêm 5 liều vắc-xin chưa có phản ứng bất thường nào, nhưng anh vẫn phải nằm tại Bệnh viện Đa khoa Singapore để theo dõi 2 ngày. SNEC nói, họ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng của anh sau khi anh xuất viện.
Giám đốc Y tế của SNEC cũng đã phải lên tiếng xin lỗi. Hiện chưa biết SNEC có lại tiếp tục được thực hiện tiêm vắc-xin hay không, và nếu có thì khi nào. Còn cư dân mạng thì viết những nhận xét như:
“Một thứ tốt mà dùng nhiều hơn mức cần thiết thì có vẫn tốt không nhỉ?”.
“Anh ấy đã tiêm 5 liều rồi, thì sau 3-4 tuần nữa, anh ấy có cần tiêm liều thứ 2 không?”.