Khi sự tĩnh lặng vừa là nỗi sợ, vừa là sức hút
A Quiet Place (tựa Việt: Vùng Đất Câm Lặng)công chiếu phần một vào năm 2018, phần tiếp theo vào năm 2020. Dù là thương hiệu khá non trẻ, A Quiet Place lại có sức hút lớn, nhanh chóng vươn lên top đầu của địa hạt phim kinh dị, sánh ngang với những cái tên kinh điển như The Conjuring, Paranormal Activity hay Insidious.
Sự thành công của Vùng Đất Câm Lặng chủ yếu đến từ công thức "độc lạ" do đạo diễn John Krasinski sáng tạo, khi phim lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế, Trái Đất bị xâm chiếm bởi loài sinh vật ngoài hành tinh tàn bạo, mù nhưng có thính lực vô cùng nhạy bén, đẩy con người vào bờ vực diệt vong.
Không lạm dụng jump-scare (cảnh hù dọa), A Quiet Place dẫn dắt người xem vào nỗi sợ đến từ sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Quy tắc sinh tồn quan trọng nhất trong loạt phim Vùng Đất Câm Lặng chính là sự yên lặng, các nhân vật trong phim không thể đối thoại, không dám tạo bất cứ tiếng động nào, dù là nhỏ nhất, vì có kẻ thù hung tợn luôn chực chờ tấn công.
Thử tưởng tượng việc ta không thể cất lời trong một thời gian dài, không thể sinh hoạt bình thường, luôn sống một cuộc sống tràn ngập bất an, sợ hãi, ngay cả khóc cũng bị buộc phải kiềm lại tiếng nấc thì sẽ bí bách, ngột ngạt biết bao. Vì vậy có thể nói, sự tĩnh lặng chính là nét độc đáo mà A Quiet Place sở hữu, cũng là đặc điểm khiến thương hiệu này thành công và trở nên nổi tiếng.
A Quiet Place là thương hiệu kinh dị được giới phê bình quốc tế công nhận. |
A Quiet Place (2018) từng nhận 172 đề cử, 51 giải thưởng lớn nhỏ, và được tôn vinh là Phim kinh dị hay nhất năm tại giải Critics' Choice Movie Awards lần thứ 24.
"Day One" - khởi nguồn của mọi chuyện
Tiếp nối thành công của hai phần phim trước, thương hiệu Vùng Đất Câm Lặng tiếp tục chiêu đãi khán giả với phần tiền truyện A Quiet Place: Day One (Vùng Đất Câm Lặng: Ngày Một) kể về ngày đầu những con quái vật không gian đổ bộ vào New York, một trong những đô thị sầm uất, có mức tiếng ồn cao bậc nhất thế giới.
Nếu như gia đình Abbott trong hai phần phim đầu đã quen với cuộc sống ở vùng nông thôn hoang dã, biết sống ẩn mình và dùng ngôn ngữ ký hiệu (sign language) để trao đổi thông tin, thì những cư dân New York trong ngày đầu tiên đã phải trả những cái giá rất đắt chỉ để biết được họ cần phải im lặng để giữ mạng.
New York trở nên hoang tàn khi tận thế đến. |
A Quiet Place: Day Onecó bối cảnh rộng lớn, hiệu ứng cháy nổ là điểm nhấn. Phim cũng gây ấn tượng mạnh bởi phần âm thanh, khi nhà sản xuất cố ý miêu tả một New York ồn ào quá mức ở đầu phim để làm nổi bật thêm sự tĩnh lặng về sau. Những âm thanh nhỏ nhặt như tiếng gió rít, tiếng chân đạp vào mảnh vỡ kính, tiếng hét của con người và lũ quái vật đều được lồng ghép một cách chi tiết, tạo thêm cảm giác kịch tính.
Samira chỉ muốn ăn pizza
Tạm biệt kiểu mẫu nhân vật ngốc nghếch kinh điển trong dòng phim kinh dị, nữ chính Samira của Vùng Đất Câm Lặng: Ngày Mộtcó mục đích, hướng đi rõ ràng. Sam không mang tư tưởng cao cả như tìm cách để giải cứu thế giới, cô cũng không có gia đình hay bạn bè cần bảo vệ, tất cả những gì cô muốn khi tận thế đến chỉ là... một miếng pizza.
Trong tiền truyện A Quiet Place, John Krasinski nhường lại ghế đạo diễn cho Michael Sarnoski, và việc dựng nên một kiểu tính cách nhân vật mới mẻ như Sam làm nữ chính là một nước đi mạo hiểm của vị đạo diễn kế nhiệm. May thay, các cung bật cảm xúc, nỗi đau, sự tuyệt vọng lẫn niềm hy vọng của Samira đã được nữ diễn viên Oscar Lupita Nyong'o khắc họa một cách chân thật, tròn trịa.
Samira vốn là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, dù thế giới có bị hủy diệt hay không thì cô vốn cũng đã phải chống chọi với đau đớn vì bệnh tật trong thời gian dài, đó cũng là lý do khiến cô bớt đi nỗi sợ cái chết. Cùng với chú mèo trị liệu và người bạn đồng hành Eric, Sam quyết định đi xuyên qua đống đổ nát để tìm về quán pizza lưu giữ những kỷ niệm với người cha quá cố, thỏa mãn tâm nguyện trước khi qua đời.
Cuộc hành trình ngắn ngủi đó của Samira cũng khiến A Quiet Place: Day One không phải chỉ là một bộ phim kinh dị trống rỗng, mà phim trở thành một tác phẩm nêu bật những giá trị nhân văn đẹp đẽ, cách con người tìm lại hy vọng và niềm tin để bước tiếp dù trong hoàn cảnh tăm tối và chất chồng nỗi đau.
Samira đã tỏa sáng và có cái kết "có hậu" cho chính mình, vực dậy tinh thần bạn đồng hành, truyền động lực cho khán giả. |