Tân sinh viên bỏ túi ngay "bí-kíp" quản lý tài chính với công thức "6 chiếc lọ"

Tân sinh viên bỏ túi ngay "bí-kíp" quản lý tài chính với công thức "6 chiếc lọ"
HHT - Có bạn được ba mẹ cho 4-5 triệu đồng sinh hoạt phí, cuối tháng vẫn phải ăn mì tôm. Nhưng có những bạn, chỉ với 2 triệu đồng còn có thể đi du lịch và học thêm những thứ mình muốn. Vậy bí quyết nằm ở đâu?

Quy tắc khi nhận được tiền hàng tháng

Quản lý tài chính luôn luôn là vấn đề mà kẻ lão luyện trường đời cũng có thể mắc phải. Nhất là với sinh viên, vẫn còn được bố mẹ chu cấp, nhiều bạn chưa hiểu được sự vất vả của kiếm tiền, nên ăn tiêu "thủng nồi trôi rế". Đã đến lúc bạn cần học cách chi tiêu sao cho hợp lý, để không chỉ có một cuộc sống tương đối thoải mái, mà còn phục vụ những dự định lâu dài.

Để làm được điều này, bạn cần có một cuốn sổ chi tiêu của riêng mình. Hãy ghi chép một cách chi tiết nhất có thể vào cuốn sổ này. Những mục như tiền nhà, ăn uống, mua sách vở... cần được ghi lại tỉ mỉ. Bạn sẽ nhận ra tháng này đã tiêu pha mấy trăm ngàn vô bổ vào quần áo như thế nào, hay chi tiêu cho tiệc tùng, bạn bè quá mức... Từ đó, việc kiểm soát chi tiêu sẽ dễ dàng hơn. 

Tân sinh viên bỏ túi ngay "bí-kíp" quản lý tài chính với công thức "6 chiếc lọ" ảnh 1
Đừng sung sướng khi nhận tiền và tiêu ngay, để rồi sau đó lại... húp mì tôm trừ bữa.

Thứ hai, khi nhận được tiền (ba mẹ chu cấp, hoặc tiền lương làm thêm), đừng ngại ngần bỏ thời gian để 'chia chác' ngay lập tức. Đừng nghĩ thôi đi chơi về rồi sẽ làm. Vì có thể ngay trong buổi đi chơi đó, bạn sẽ tiêu phăng cả tháng tiền ăn.

Ví dụ, hãy bỏ riêng các khoản chi cố định như tiền nhà, điện nước, góp ăn uống với bạn cùng phòng... ra một chỗ. Sau đó, tính tới khoản tiết kiệm cho một mục đích nào đó. Ví dụ bạn muốn học lớp guitar vào tháng sau, hay học phát âm tiếng Anh tại trung tâm... Khoản dư còn lại là tiền tiêu vặt, dành cho hội hè, cafe, đi chơi... Việc có ít tiền để tiêu vào những khoản này cũng giúp bạn hạn chế sa đà vào những hoạt động vô bổ mà quên lãng học hành.

6 chiếc lọ tài chính

Khi bắt đầu có khoản tiền đầu tiên để tự định đoạt mọi chi tiêu, dù chưa phải khoản tiền tự tay làm ra, bạn sẽ cần tới công thức 6 chiếc lọ tài chính của T. Harv Eker, tác giả của cuốn sách "Bí mật tư duy triệu phú" (Secret of Millionaire Mind) và "Làm giàu nhanh" (Speed Wealth). 

Theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp này dù chỉ có trong tay 100 nghìn đồng. Hãy chia tiền của bạn thành 6 phần hoàn toàn tách biệt nhau bằng sổ thu chi, và ngay khi nhận được tiền để tạo thành thói quen.

Tân sinh viên bỏ túi ngay "bí-kíp" quản lý tài chính với công thức "6 chiếc lọ" ảnh 2
Sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ để quản lý tài chính.

Chiếc lọ thứ nhất: Quỹ tự do tài chính = 10%

Tự do tài chính là khi bạn sống như bạn muốn mà không cần làm việc hay phụ thuộc tài chính. Nhiều người có thể về hưu sớm là nhờ họ tự do tài chính. Bạn không được tiêu tiền trong quỹ này. Tiền của quỹ này chỉ được dùng để đầu tư và tạo ra thu nhập thu động cho bạn. Dù đang là sinh viên, bạn hoàn toàn có thể có riêng một quỹ như vậy. Lập quỹ này cũng giống như bạn nuôi một con ngỗng để nó đẻ trứng vàng vậy, tuyệt đối không được... bắt ngỗng ăn thịt nha.

Chiếc lọ thứ 2: Tiết kiệm dài hạn = 10%

Quỹ này có hai mục đích: Tiết kiệm cho dài hạn và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Ban đầu, bạn nên chia số tiền 10% tổng thu nhập này thành hai phần bằng nhau cho hai mục đích. Khi đã tiết kiệm đủ cho những trường hợp khẩn cấp (có giá trị tương đương khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày) thì có thể cất riêng khoản này và tập trung cho những mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua xe... Chiếc lọ thứ hai này sẽ vô cùng hữu ích nếu bạn nhảy việc, thất nghiệp hay nhỡ bị ốm đau phải nằm viện dài ngày.

Chiếc lọ thứ 3: Giáo dục đào tạo = 10%

Bạn dùng quỹ này để đầu tư phát triển bản thân: tham gia lớp học master, học thêm một số kĩ năng mềm, mua sách vở... Khi là sinh viên, bạn có ưu thế có nhiều thời gian. Nên hãy tận dụng triệt để chiếc lọ này.

Chiếc lọ thứ 4: Nhu cầu thiết yếu = 55%

Quỹ này giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hàng ngày như thuê nhà, ăn uống, đi lại, điện thoại... Đây là khoản tiền cố định hàng tháng cần chi. Nếu bạn không thể sống với 55% thu nhập của mình, mà lại không thể gia tăng thu nhập, hãy đơn giản hóa cuộc sống. Mua vé tháng để đi xe bus thay vì xe máy, tự nấu ăn ở nhà, mang cơm trưa đi làm thay vì ra hàng quán...

Chiếc lọ thứ 5: Hưởng thụ = 10%

Hãy dùng quỹ này để chăm sóc và yêu thương bản thân, đừng chỉ chăm chăm vào kiếm tiền, tiết kiệm mà quên rằng tiền là để chúng ta hạnh phúc. Lâu lâu, hãy chi tiền ăn một món sang trọng, đi du lịch dài ngày, mua vé nghe nhạc... Bạn nên làm điều này hàng tháng, hoặc vài tháng một lần để tái tạo năng lượng tích cực, cho bản thân được nghỉ ngơi và chăm sóc.

Chiếc lọ thứ 6: Giúp đỡ người khác = 5%

Bạn có được một công việc tốt, chạy dự án thành công, hay đơn giản việc được đi học thôi cũng là nhờ rất nhiều người giúp đỡ. Không có họ, bạn không thể nào có ngày hôm nay.

Vì vậy, đừng ngại ngần bỏ ra một khoản để cho đi nhé. Một phần nhỏ trong thu nhập để làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè..., thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Bạn tin không, cho đi rồi, bạn sẽ nhận lại nhiều thêm đấy!

Tân sinh viên bỏ túi ngay "bí-kíp" quản lý tài chính với công thức "6 chiếc lọ" ảnh 3
Tập quản lý tài chính cá nhân để thành công trong tương lai.

Quản lý tài chính thực ra không hề khó khăn. Nhưng cũng không hề dễ dàng. Bởi nó đòi hỏi bạn phải rất nghiêm khắc với bản thân và kiên định với mục tiêu đề ra. Bù lại, khi bạn làm tốt điều này, thì kinh nghiệm có được từ quản lý bản thân sẽ giúp bạn ứng dụng tốt trong công việc, cuộc sống tương lai.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.