Thế hệ Z: Có thực sự chúng ta cần “văng tục” để… hạnh phúc?

Thế hệ Z: Có thực sự chúng ta cần “văng tục” để… hạnh phúc?
HHT - Từ năm 1950 tới nay, mật độ các từ ngữ chửi thề xuất hiện trong văn học tăng liên tục và không có dấu hiệu ngừng lại. Con người bắt đầu chửi thề từ… 3 tuổi, để giải tỏa bức xúc và tăng độ hiệu quả của giao tiếp.

Thế giới chuyển màu cùng ngôn ngữ “đen”

Việc dùng “từ cấm” đã không còn quá xa lạ. Bạn không cần phải kết thân với một hội nhóm lén lút, hay gia nhập các “tập đoàn bụi đường” bí ẩn để có thể nghe thấy tiếng chửi thề bên tai. Trong trường học, quán cà phê, sân vận động, những lời chửi thề vang lên từ mọi ngóc ngách.

Thế hệ Z: Có thực sự chúng ta cần “văng tục” để… hạnh phúc? ảnh 1

Bạn có thể tìm thấy những từ ngữ chửi thề xuất hiện với tần suất dày đặc trong những bài hát, những bộ phim nổi tiếng. Như trong bài Payphone của Maroon5, bạn có thể tìm thấy số từ f*** nhiều như nấm sau mưa. Hay trong tác phẩm điện ảnh được đề cử giải Oscar The Wolf Of Wall Street, từ đ* được sử dụng tới 506 lần xuyên suốt 180 phút phim.

Trong các sản phẩm âm nhạc Việt, những rapper như Young H, Nah, Torai9… cũng không ngại ngần đưa những từ ngữ này vào bài hát của họ. Nếu là một tín đồ của các trang chơi game và review trên Youtube, bạn không thể không biết cái tên Pew Pew. Chỉ cần tập trung vài phút qua những clip bình luận game của anh này, bạn sẽ ngộp giữa “biển” những từ thô tục. Thậm chí kênh truyền hình quốc gia VTV cũng từng dính scandal BTV văng tục ngay khi lên sóng làm cộng đồng mạng xôn xao một thời.

Chỉ cần dạo quanh một vòng Facebook, lướt những fanpage đình đám như Welax, Đầm Lầy…, bình luận của bạn đọc cũng nhan nhản những từ chửi thề. Vlogger JV Evermind cũng từng nêu quan điểm trong một video đăng năm 2012, rằng chửi thề không quá nghiêm trọng vì đó chỉ là một hình thức làm rõ cảm xúc và giải tỏa nỗi niềm.

Thế hệ Z: Có thực sự chúng ta cần “văng tục” để… hạnh phúc? ảnh 2

Chuyên gia tâm lý học Richard Stephens từng so sánh giữa hai nhóm học sinh đặt tay trong nước đá, nhóm chửi thề có thể chịu cảm giác lạnh thấu xương lâu hơn. Kết quả nghiên cứu của tổ chức True Stress Management cũng chỉ ra, người chửi thề sẽ ít căng thẳng hơn vì có công cụ giải tỏa cảm xúc bực tức hiệu quả.

Vậy phải chăng, xã hội đang dần chấp nhận việc văng tục, và thậm chí coi đó như một “liều thần dược” chữa căn bệnh xì-trét nguy hiểm?

Bạn có phải chửi thề để có hạnh phúc?

Theo giáo sư Timothy Jay, có hai nguyên nhân chủ yếu khiến chúng ta chửi thề, đó là giải tỏa bức xúc và tăng độ hiệu quả của giao tiếp.

Bạn đang đi ngoài đường thì bị một chiếc xe chạy sai luật quẹt vào. Như một thói quen vô thức, bạn buông những lời lẽ thô tục ra. Và bạn thấy đỡ bực hơn phần nào.

Nhưng việc chửi thề khi gặp khó khăn cũng giống như việc bạn rửa mặt khi buồn ngủ vậy. Bạn có thể rửa mặt để tỉnh táo trong vài phút, nhưng không thể rửa mặt suốt đời mà không ngủ. Cách duy nhất để hết buồn ngủ thực sự là đi ngủ, nếu không bạn sẽ mơ màng trong lớp học kèm theo hàng loạt những nguy cơ bị bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh…

Thế hệ Z: Có thực sự chúng ta cần “văng tục” để… hạnh phúc? ảnh 3

Việc chửi thề cũng tương tự! Khi bạn chửi thề, người vô tình quẹt xe bạn cảm thấy bạn đã “trả miếng”, nên không còn ý thức về lỗi của họ nữa. Đối phương khi làm sai phải nghe những câu chửi thề chẳng muốn nhận lỗi, và cả công việc lẫn mối quan hệ giữa hai bên đều không được giải quyết triệt để. Khi bạn chửi, bạn có thể thoải mái trong vài chục giây, nhưng hậu quả là thái độ của bạn làm người nghe có định kiến về bạn mãi. Về lâu về dài, mâu thuẫn sẽ càng nảy sinh, còn vấn đề làm bạn chửi thề vẫn chưa được “chữa tận gốc”.

Để nhấn mạnh cảm xúc trong giao tiếp, bạn không nhất thiết phải chửi thề. Bạn chưa tin đúng không? Hãy cùng xem qua bí kíp giao tiếp khiến mọi cuộc đối thoại trở nên lạc quan của đất nước Đan Mạch - đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới năm vừa qua. Mỗi khi muốn tập trung vào một điều gì đó, người dân Đan Mạch thường la lên hygge (phát âm: hu-ga, tạm dịch: Thật ấm áp).

Bạn Hà Phương (cựu học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) chia sẻ: “Tớ từng chơi trò “nghỉ phép chửi thề” với hai người bạn thân. Mỗi lần nói bậy, người tham gia sẽ phải đóng 10 ngàn đồng vào công quỹ trà sữa. Thời gian đầu, tụi tớ nhận ra vốn tiếng Việt của mình rất nghèo nàn và không áp dụng được. Bởi vì trước đây, mỗi khi muốn dùng tính từ diễn tả sự bực tức, vui sướng, xao xuyến ngại ngùng, hay buồn chán, tất cả đều quy về một từ chửi thề. Nhưng sau 3 tuần “cấm khẩu”, tớ tự thấy tớ dùng tiếng Việt đa dạng và nhuần nhuyễn hơn”. Việc cho rằng chửi thề giúp giao tiếp hiệu quả hơn là vì khả năng ngôn ngữ của bạn không cao để có thể linh hoạt sử dụng hơn 135.000 từ còn lại của tiếng Việt để khiến ngôn ngữ hấp dẫn.

Thế hệ Z: Có thực sự chúng ta cần “văng tục” để… hạnh phúc? ảnh 4

Một người chửi thề là một người có nhiều vấn đề chưa giải quyết, vậy nên để hạnh phúc, bạn không cần phải chửi thề. Bạn có thể hạnh phúc ngay cả khi im lặng, và kiểm soát được sự bực tức của mình, hay sử dụng những biện pháp giải tỏa khác mà không làm người xung quanh “dựng tóc gáy”.

Có khi, người chửi thề cho rằng văng tục là biện pháp giải quyết vấn đề. Như việc bạn chửi thề nhiều có thể làm người xung quanh sợ hãi mà không còn ồn ào làm phiền. Nhưng lúc này, bạn chẳng khác nào Chí Phèo làng Vũ Đại, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, vì dù bạn có thứ mình muốn nhưng bạn đang đóng vai kẻ “rạch mặt ăn vạ”, và bạn chẳng được lòng ai cả.

Còn ít nhất 16 cách giải quyết khác!

Theo trang Healthline, các chuyên gia đã mách nhỏ chúng ta 16 cách hữu hiệu để quên đi nguyên nhân khiến bạn văng tục, trong đó có những điều vô cùng đơn giản như: Đốt nến, nhai kẹo cao su, viết điều khiến bạn bực ra giấy, tập yoga, ôm ai đó, nghe nhạc nhẹ, thở sâu, chơi với thú cưng...

Và điều quan trọng nhất, là thay đổi cách nhìn khi có rắc rối hay việc không vừa ý xảy ra. Mỗi sự việc xảy ra đều có mặt tích cực và tiêu cực, nếu bạn biết học cách tự tâm vui vẻ, tập chấp nhận, thì bạn có thể hạnh phúc mà không cần phải thốt ra những lời khó nghe!

Theo Trích HHT 1263
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

HHT - Hôm nay (28/3), Yên Bái đã có mưa to. Đặc biệt sáng nay, mưa đá đã xuất hiện trên hầu khắp các địa bàn tại huyện Mù Cang Chải. Từ chiều tối nay (28/3), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, nhiều nơi tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội chuyển mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to.