Thế hệ Z: “Đào vàng online” thời buổi này có còn dễ “nhai”?

Thế hệ Z: “Đào vàng online” thời buổi này có còn dễ “nhai”?
HHT - Bán hàng online từ lâu đã là một công cụ “cá kiếm” quen thuộc của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên với sự thay đổi của Facebook, hạn chế tương tác với các trang bán hàng online - các chủ shop teen đang khó khăn hơn bao giờ hết.

Trận chiến của những "thợ đào vàng"

Ngày trước, việc kinh doanh online với teen dường như khá dễ dàng khi có thể nhờ bạn bè, người thân chia sẻ, tương tác để bài đăng bán hàng xuất hiện mà chẳng cần tốn chi phí quảng cáo. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, Facebook đã thay đổi chính sách, trên newsfeed (bảng tin) của người dùng sẽ ưu tiên các nội dung từ bạn bè, thành viên trong gia đình và bớt nội dung từ các thương hiệu. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều fanpage bán hàng bị giảm tương tác do có nội dung mang tính thương mại, buộc hội “cá kiếm” phải mua quảng cáo trên Facebook.

Nhiều bạn trẻ bắt đầu phải đổ tiền vào Facebook để duy trì sự sống của cửa hàng. Kim Phụng (17 tuổi), chủ cửa hàng bán mỹ phẩm kinh doanh qua Facebook phải chi từ 800.000 - 1.000.000 đồng - khoảng 30% lợi nhuận để cửa hàng xuất hiện trên newsfeed.

Thế hệ Z: “Đào vàng online” thời buổi này có còn dễ “nhai”? ảnh 1

Hay như Cẩm Vân (16 tuổi) đối phó bằng cách kêu gọi khách hàng của mình bấm vào chế độ theo dõi và bật chế độ xem trước, hay tổ chức Giveaway để mọi người tích cực chia sẻ.

Những bạn teen khác như Mỹ Linh (17 tuổi) hay Minh Châu (17 tuổi) thì nghĩ ra chiêu chuyển sang chế độ trang cá nhân thay vì trang cửa hàng trước kia. Tuy nhiên, hành động này cũng sớm bị “khổng lồ xanh” bắt quả tang và chuyển trang cá nhân của các bạn sang trang bán hàng trong sự “tá hoả” của chính chủ.

Không chỉ phải đối phó với Facebook, những chủ shop online nay còn phải đối mặt với vấn đề pháp lý liên quan đến luật thuế. Cẩm Vân đã một phen “xanh mặt” khi nhận được thư triệu tập của Cục thuế. Rất may mắn là bạn í “an toàn” trở về vì doanh thu chưa đến 100 triệu đồng và không cần đóng thuế.

Khách hàng mua sắm chuyển dịch khỏi Facebook

Có thể nói, sự “áp đảo” của Facebook cùng các chính sách từ các bên đã khiến vô số thương hiệu teen phải lao đao. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất khiến các sàn thương mại điện tử trở nên lớn mạnh và “áp đảo” Facebook chính là do sự trỗi dậy của thế hệ người tiêu thông minh.

Philip Kotler, tác giả cuốn sách Branding 4.0 khi nói về thời đại kinh doanh trên Facebook, đã có lời bình “Người tiêu dùng xích lại gần nhau hơn bao giờ hết nhưng nhiều sức mạnh đàm phán hơn, việc bán một món hàng trở nên khó khăn hơn”.

Thế hệ Z: “Đào vàng online” thời buổi này có còn dễ “nhai”? ảnh 2

Sáng suốt hơn: Sẽ chẳng còn chuyện mua một chiếc váy chẳng vừa hay mỹ phẩm giả nữa. Người dùng sẽ khắt khe hơn trước nhất ở khâu chọn lựa, cân nhắc từ giá cả sản phẩm, dịch vụ và phản hồi của khách trước. Khả năng ăn quả lừa sẽ ít đi nhưng điều này đồng nghĩa các cửa hàng mới sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. “Mỗi lần mình có ý định mua hàng online, đặc biệt là các sản phẩm làm đẹp, mình thường đọc review của người dùng viết cho shop. Đặc biệt là với các loại son và mỹ phẩm, mình sẽ lên mạng xem dấu hiệu nhận biết thật giả và yêu cầu shop chụp qua đối chiếu với mình, hoặc gửi mình xem giấy tờ xác minh. Nếu không có mình sẽ không mua nữa” - Anh Đào (TP.HCM).

Nhiều sự lựa chọn hơn: “Bể cá kiếm” Facebook rộng lớn, vì thế các shop bán hàng online sẽ không thể giữ được vị trí độc tôn. Khách hàng hiểu họ nắm chắc phần thắng trên bàn cờ “cung-cầu” nên càng khó khăn và khắt khe. Cùng một sản phẩm với nhiều mức giá, nhiều ưu đãi dịch vụ sẽ nhận được lượng khách khác nhau.

Nhiều mối quan tâm hơn: Cuối cùng, những lời quảng cáo đơn điệu sẽ chẳng có tác dụng với thế hệ người dùng 4.0 nữa. Nếu bạn chỉ bán sản phẩm mà không bán câu chuyện, mọi nỗ lực sẽ vô ích. Trong thời đại mà người bán phải “xoay” theo khía cạnh của người tiêu dùng, ắt hẳn các thương hiệu teen không thể sơ sài và phải đầu tư cao. “Khi chọn mua một sản phẩm, tớ thường lưu ý vấn đề bao bì. Tớ sẽ chuộng mua những shop có chú ý đến vấn đề môi trường như sử dụng túi giấy thay vì túi ni-lômg hay những sản phẩm tương tự” - Ngọc Mai (TP.HCM).

Những yếu tố trên, đáng tiếc thay, lại được các sàn thương mại đáp ứng đầy đủ thay vì Facebook. Khách hàng vì được đảm bảo, vì thế, dần “lắc đầu” trước những cửa hàng của teen trên Facebook hay Instagram.

Thế hệ Z: “Đào vàng online” thời buổi này có còn dễ “nhai”? ảnh 3

"Đào vàng" thế hệ 4.0

Vậy teen làm sao đối phó với cuộc “cách mạng đào vàng”? Từ bỏ hay tiếp tục? Có một lí do mà dù đã thành lập từ năm 1955 nhưng đến nay Amazon vẫn thuộc danh sách những công ty khởi nghiệp. Đó là sự linh hoạt, thích ứng và không ngừng đổi mới. Vậy làm sao để bắt đầu?

Tìm hiểu những “mỏ vàng” khác: Để “đào vàng” trong một thị trường đa kênh thì teen phải là một “thợ mỏ” nhiều màu sắc. Nghe có vẻ lạ, nhưng từ bây giờ, hãy bỏ ngay suy nghĩ chỉ có Facebook mới là độc tôn và “đào sâu” ngay vào những kênh bán hàng khác. Chẳng hạn như bạn Phụng Mạc với cửa hàng bán quần áo online nay không chỉ đăng bán trên Facebook mà còn tấn công vào các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee. Nhờ mở rộng thị trường mà các đơn hàng cũng đến từ nhiều nguồn hơn. Việc duy nhất Phụng cần làm là xác nhận và đóng gói rồi sẽ có dịch vụ đến lấy và gửi trả. Phụng cũng không cần đau đầu cho việc Marketing nữa vì chỉ cần theo những chương trình giảm giá của sàn là đã được nhiều người tiếp cận.

Tuy nhiên cần cẩn thận để không “sụp hố” hàng loạt các quy tắc của kênh riêng. Chẳng hạn như Tiki và một số sàn thương mại sẽ phạt tiền nếu bạn không xác nhận đơn hàng hay Sendo sẽ khoá tài khoản nếu teen không có giấy chứng nhận hàng chính hãng.

Cô bạn Trân Lê - cô chủ nhỏ của cửa hàng bánh Mochi handmade thì chọn cách nói nhiều hơn, chịu thiệt nhiều hơn và đặt mình vào cương vị khách hàng. Trân chi sẻ: “Tuyệt chiêu thứ nhất của mình là hạ giá. Tìm hiểu đối thủ mình và đưa ra một cái giá thấp hơn. Có thể bạn bớt lời đi chút ít nhưng vẫn tốt hơn bán 1 lời 3, lời 5 mà khách một đi không trở lại. Đây cũng là tuyệt chiêu “kéo khách” vì người ta có khuynh hướng mua đồ rẻ mà. Thứ hai là nói nhiều tí, thông thường ai mua bánh cũng được mình tư vấn kĩ càng, ai hỏi gì cũng trả lời không giấu diếm. Thậm chí, khi khách quay lại mua mình còn tư vấn cả vị bánh khác cho khách “đổi gu”. Khách vì thế mỗi lần đến là có một cảm giác mới, không còn nhàm chán!”.

Thế hệ Z: “Đào vàng online” thời buổi này có còn dễ “nhai”? ảnh 4

Hay như Quỳnh Như, với cửa hàng mỹ phẩm thì chọn cách nhượng quyền thương hiệu, “bành trướng” shop online. Như chia sẻ: “Mình nghĩ một người thì không thể mở rộng mối quan hệ được. Vì thế, nếu teen không thể “kham” nổi một cửa hàng riêng mình trong thời “loạn” lạc này thì hãy tìm cho mình đồng minh bằng cách tạo ra những “shop con” để tiếp cận với nhiều đối tượng hơn. Chẳng hạn như đối tượng khách hàng của mình là học sinh thì mình thường tìm cộng tác viên ở nhiều trường khác nhau. Không chỉ tăng lượng tiếp cận, “shop con” sẽ tự quảng cáo, nhận đơn hàng cũng như kiếm soát được đối tượng khách hàng hiệu quả hơn. Ngoài ra mình cũng thực hiện nhiều chương trình như “shop con” nào mua một lần nhiều đơn hơn sẽ nhận thưởng. Vậy là mỗi lần lấy hàng, mình lấy được nhiều hơn với giá rẻ hơn và phân phối cũng hiệu quả hơn so với một mình bán lẻ”.

Lối đi riêng sẽ khó khăn ban đầu nhưng đó sẽ là nền tảng cho một thương hiệu dài lâu teen nhé!

Theo Trích HHT 1276
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm