Thi THPT Quốc gia: Công an sẽ hỗ trợ giám thị phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao

Thi THPT Quốc gia: Công an sẽ hỗ trợ giám thị phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao
HHT - Kỳ thi THTP Quốc gia đang đến gần, khâu coi thi là một trong những vấn đề nảy sinh nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, chỉ cần sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm của một cá nhân cũng sẽ làm ảnh hưởng tới cả kỳ thi.
Thi THPT Quốc gia: Công an sẽ hỗ trợ giám thị phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao ảnh 1

Buổi tập huấn cho các thanh tra kỳ thi THPT quốc gia tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày 19/6. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đáng chú ý, theo báo cáo của đại diện Công an TP. Hà Nội, trong quá trình rà soát công tác chuẩn bị cho các kỳ thi trên địa bàn TP thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện một số đối tượng mua bán, tàng trữ các thiết bị gian lận công nghệ cao. Công an TP đề nghị các cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi quan tâm vấn đề này để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi gian lận tại kỳ thi, trong đó đặc biệt lưu ý tới việc kiểm soát các thiết bị, vật dụng mang vào phòng thi.

Dự kiến tại hội nghị hướng dẫn công tác coi thi vào ngày 22/6 tới, Công an TP sẽ phổ biến chi tiết cho các trưởng điểm, phó điểm thi về cách thức phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể mang vào phòng thi, đồng thời triển khai các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế hành vi gian lận trong kỳ thi.

Năm 2018, cả nước đã điều động hơn 45.000 cán bộ, giảng viên trường ĐH tham gia phối hợp với các địa phương để tổ chức thi. Bộ GD-ĐT khẳng định, đây là những cán bộ, giảng viên có chất lượng, đủ tiêu chuẩn tham gia tổ chức kỳ thi.

Vi phạm nghiêm trọng sẽ xử lý theo pháp luật

Nếu trước đây việc xử lý TS vi phạm quy chế thi nặng nhất là đình chỉ thi, tước quyền nhập học và tước quyền tham dự kỳ thi trong 2 năm tiếp thì quy chế năm nay có nhiều sửa đổi theo hướng mạnh tay hơn.

Theo đó, sẽ hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với những TS vi phạm một trong các lỗi: giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc TS khác; sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.

Xây dựng các phương án xử lý sự cố

Đến thời điểm này, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cả 63 tỉnh thành đã thực hiện việc rà soát kỹ lưỡng điều kiện cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị thi, nhất là các điểm thi ở vùng sâu, vùng xa, điểm thi đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên, điểm thi sát khu dân cư, cơ quan, nhà máy, công xưởng… có thể gây khó khăn cho công tác bảo vệ an ninh trật tự của điểm thi.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, các địa phương đã xây dựng phương án phù hợp để kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập và xử lý sự cố bất thường để đảm bảo tạo thuận lợi nhất cho việc dự thi của TS và an toàn tuyệt đối cho cán bộ tham gia tổ chức thi. Đề xuất các giải pháp hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho TS có hoàn cảnh khó khăn tại các điểm thi; tuyệt đối không để TS nào vì khó khăn về kinh tế mà không thể dự thi...

Theo THANH NIÊN ONLINE
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm