Đầu tư hơn cho nội dung trending bền vững
Diễn giả Đỗ Khoa Mai Lâm - Thư ký tòa soạn Chuyên đề 2! Người Việt Trẻ, phụ trách mục Cẩm nang TEEN của Hoa Học Trò Online - đem đến rất nhiều những chia sẻ thực tế từ chính trải nghiệm công việc của chị.
Với kinh nghiệm dày dặn khi làm việc và hợp tác cùng Shopee, Universal Singapore, Dior... chị Mai Lâm khẳng định kỹ năng sáng tạo là “vũ khí” đắc lực giúp chúng ta “trẻ mãi không già”. Chị chia sẻ: “Luôn luôn sáng tạo cũng giống như việc các bạn được tập thể dục về cảm nhận và tư duy. Sự sáng tạo không bao giờ bị giới hạn trong bất kỳ ngành nghề nào, giúp các bạn luôn “trẻ hoá” trước sự thay đổi không ngừng của thế giới”.
Theo dõi những content trên đa nền tảng và các mạng xã hội, chị Mai Lâm định hướng có hai loại trending mà bạn sẽ bắt gặp, đó là nội dung trend không có giá trị sử dụng lại và nội dung trend lâu dài. “Các content được xem là trending lâu dài thường sẽ lan tỏa đến các bạn trẻ một mindset, lifestyle hoặc tạo ra các sản phẩm, ngành nghề, cơ hội kinh doanh mới” - diễn giả chia sẻ.
Ứng dụng quan sát này để chạy chiến dịch cho các nhãn hàng, chị cũng lưu ý hãy ưu tiên và xác định nền tảng chủ đạo, thông điệp, đầu tư cho các nội dung trending chất lượng hơn là chỉ mang tính nhất thời. Bằng cách này, bạn cũng sẽ biết cách vận dụng các công cụ của mạng xã hội để sáng tạo nội dung đa nền tảng.
Ví dụ khi thực hiện một chương trình giải trí, cần tập trung thu hút đối tượng khán giả trung thành, sau đó mới phân bổ nội dung qua các kênh khác để mở rộng tệp người xem.
Giải bài toán làm thế nào để duy trì trend
Tại buổi huấn luyện, bạn Nguyễn Hồ Ngọc Trâm đã gửi câu hỏi: “Làm sao để duy trì nội dung trending lâu dài?”. Ngay lập tức, chị Mai Lâm đã “lật ngược thế cờ” và đặt câu hỏi đến cả lớp: “Vậy theo các bạn, lý do nào khiến các nội dung, cụ thể là các format chương trình truyền hình tại Việt Nam lại khó duy trì tính hấp dẫn với người xem ở những mùa sau?”.
Không khí bàn luận trở nên sôi nổi, các thí sinh đã phát biểu và “bóc vỏ” được những lý do phổ biến như:
1. Chưa hướng đến độ tuổi rộng hơn.
2. Tâm lý “cả thèm chóng chán” của khán giả.
3. Nhồi nhét nhiều yếu tố câu khách chưa cần thiết.
4. Thay đổi dàn cast yêu thích của khán giả.
5. Dàn cast bị trùng lặp trên quá nhiều chương trình.
6. Chương trình bị “drama hóa” quá đà.
7. Các chủ đề trùng lặp hoặc khán giả chỉ xem vì phong trào.
Đúc kết lại, chị Mai Lâm bật mí nguyên nhân lớn hơn còn nằm ở bản thân người sáng tạo nội dung. “Một số người làm nội dung đã không còn lắng nghe khán giả và cập nhật những cái mới mà khán giả quan tâm, đây là điều khiến nội dung trending bị flop trong thời gian ngắn”, chị khẳng định.
Chị nhận định cộng đồng mạng đang có xu hướng “tiêu hóa” những nội dung ngắn, điều này gây khó khăn và là một thử thách cho các doanh nghiệp, công ty truyền thông để vừa sáng tạo nội dung chất lượng, vừa hợp thị hiếu người xem. Dẫu vậy, đây cũng chính là cơ hội “kim cương” cho những bạn biết nắm bắt, tận dụng những xu hướng ngắn hạn để “bồi đắp” cho các chiến dịch truyền thông bền vững.
“Bản năng lắng nghe và trái tim nhạy cảm sẽ tạo ra nội dung xu hướng” là bí kíp được diễn giả bật mí ở cuối buổi training. Rất nhiều ý tưởng được phát triển từ sự nắm bắt cuộc sống, độ nhạy cảm với nhu cầu ẩn giấu của người tiêu dùng. “Có thể các bạn trẻ đều có rất nhiều ý tưởng hay ho nhưng lại ngại bày tỏ. Các bạn đừng sợ rằng sự sáng tạo của mình bị bác bỏ vì có thể chúng cần thêm thời gian để thành hình. Chị tin rằng các bạn sẽ là những thế hệ tiên phong dám theo đuổi những ý tưởng “điên rồ” và độc lạ nhất”, chị Mai Lâm gửi gắm đến các thí sinh.
Thử Thách Kim Cương 2023 - Cuộc thi tìm kiếm và phát triển các anh tài báo chí - truyền thông do Báo Hoa Học Trò và Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức. Tìm hiểu thêm về cuộc thi tại đây.