Công thức “chế tạo anh hùng” trong truyền thuyết
“Hãy hình dung mỗi chúng ta đều là một siêu anh hùng của cuộc đời mình” là chia sẻ mà chị Lê Nguyễn Thùy Trang (Thư ký tòa soạn báo Hoa Học Trò) đã nhắn nhủ đến các bạn trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Chị chia sẻ, những nhân vật anh hùng nổi tiếng trên màn ảnh như Người Nhện, Siêu nhân, Harry Potter… mà các bạn thường thấy đều có xuất phát điểm là người bình thường. Để trở thành anh hùng, họ sẽ đều “kinh qua” những giai đoạn tất yếu nằm trong công thức 12 bước mang tên Hành trình của người hùng (Hero's Journey).
“Khi bước vào cuộc thi này nói riêng hay hành trình theo đuổi con đường Báo chí - Truyền thông nói chung cũng là lúc các bạn đang dấn thân vào giai đoạn đầu tiên của hành trình: Call to adventure - “tiếng gọi lên đường”. Chúng ta sẽ được trui rèn, học hỏi và tìm thấy những người thầy (mentor), vượt qua những thử thách, mỗi người sẽ nhận được treasure - kho báu của riêng mình”, chị Trang tiết lộ. Mỗi bạn đều sẽ có những câu chuyện, những cuộc hành trình riêng được vũ trụ thiết lập. Quan trọng là chúng ta có đủ dũng cảm, bền bỉ và nhẫn nại để hoàn thành cuộc phiêu lưu đó hay không.
Chị Thuỳ Trang đã sử dụng câu chuyện của chính mình để làm ví dụ cho sự “vượt khó” và lột xác nhờ chiếc chìa khoá tin tưởng vào bản thân. Với một xuất phát điểm bình thường như bao người, chị đã bắt đầu cuộc hành trình rực rỡ của mình tại báo Hoa Học Trò nhờ sở thích đọc báo và viết lách của mình.
Được các anh chị tại tòa soạn dẫn dắt, giờ đây chị đã trở thành thế hệ mentor tiếp theo để đồng hành và truyền cảm hứng đến các bạn trẻ đam mê Báo chí, Truyền thông. Chị nhắn nhủ các bạn mọi hành trình vĩ đại đều bắt đầu từ một bước chân, hãy mạnh mẽ bước lên, nhận thử thách và chinh phục giấc mơ để có được phần thưởng xứng đáng.
“Bí thuật” phỏng vấn nhân vật
Để có một bài báo hay, bước đầu tiên phải bắt tay vào thực hiện chính là tìm kiếm và tiếp cận nguồn tin. Anh Nguyễn Tuấn Đức (Thư ký tòa soạn báo Thiên Thần Nhỏ) khẳng định, kỹ năng kiểm chứng nguồn tin là bước đầu tiên để bắt đầu cho ra lò những bài báo thành công. Về cơ bản, anh phân nguồn tin thành hai loại: Nguồn tin biết nói (phỏng vấn nhân vật trực tiếp) và nguồn tin không biết nói (thông tin trên các nền tảng truyền thông). Các bạn nên ưu tiên nguồn tin biết nói để tăng độ chính xác, minh bạch khi viết bài.
Đặc biệt, “công thức” dành cho các newbie khi đi phỏng vấn chính là: Thái độ + Câu hỏi = Thông tin. Anh Tuấn Đức cho biết: “Khi phỏng vấn nhân vật nào đó, các bạn chính là đang đại diện cho tờ báo mình đang làm việc để trao đổi với nhân vật. Vì vậy, các bạn cần trang bị một thái độ và tác phong chuyên nghiệp, linh hoạt và nhất là phải biết rõ người mà mình đang nói chuyện là ai”.
Ngoài ra, sự chuẩn bị và luyện tập ứng phó trước cho từng tình huống cụ thể cũng vô cùng quan trọng. “Trước khi phỏng vấn, anh sẽ mường tượng sơ về cách nói chuyện, cách trả lời của họ. Việc này không chỉ giúp tăng sự tự tin cho mình khi phỏng vấn mà các bạn sẽ biết lựa chọn “chiến thuật” trò chuyện với nhân vật như thế nào để có được thông tin mình muốn”, anh Đức bật mí.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm biên tập báo, anh Tuấn Đức cho biết có 3 dạng nguồn tin mở rộng xung quanh đối tượng phỏng vấn mà người viết bài cần quan tâm:
1. Level 1: Thông tin cơ bản, là lý lịch, thành tích hoặc các hoạt động nổi bật, giải thưởng của nhân vật.
2. Level 2: Thông tin mở rộng xung quanh đối tượng phỏng vấn từ việc research những website, tờ báo uy tín.
3. Level 3: Thông tin được bật mí từ các mối quan hệ xung quanh nhân vật phỏng vấn. Nguồn tin cuối cùng được xem là khó để khai thác nhất vì để có thể tiếp cận thì bạn cũng phải sở hữu những mối quan hệ xịn xò hoặc một kỹ năng bắt chuyện thần sầu. Đặc biệt, dù là extrovert (hướng ngoại) hay introvert (hướng nội) thì bạn cũng phải luyện tập kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khi quyết định theo đuổi ngành báo.
Thử Thách Kim Cương 2023 - Cuộc thi tìm kiếm và phát triển các anh tài báo chí - truyền thông do Báo Hoa Học Trò và Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức.
Tìm hiểu thêm về cuộc thi tại đây.