Insight không bao giờ sai
Bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất trong việc sáng tạo nội dung chính là tìm insight, phải thấu hiểu được “tâm tư tình cảm” của người mình muốn truyền đạt thông tin thì mới có thể bắt đúng tần số và gây sự tò mò. Anh Lucas Luân Nguyễn, nhà phê bình và là chuyên viên sáng tạo nội dung Marketing, chia sẻ: “Insight dịch “thô” có nghĩa là góc nhìn bên trong, là suy nghĩ “thầm kín” của con người đối với một thông tin nào đó. Lắng nghe và thấu hiểu chính là chìa khóa để bắt bài insight và insight là điều khán giả muốn nghe, không phải là cái người sáng tạo muốn nói”.
Nghe có vẻ là một quá trình phức tạp nhưng thật ra để tìm ra insight chỉ cần trải qua hai bước đặt câu hỏi “What” và “Why”. Diễn giả đã lấy ví dụ với trào lưu flexing đang “làm mưa làm gió” cộng đồng mạng những ngày gần đây, “What” chính là Gen Z thích flexing và “Why” là câu hỏi vì sao mọi người lại hào hứng với việc flexing. Đôi khi những câu trả lời cho câu hỏi “Why” rất đơn giản và gần gũi như thích flex vì muốn được công nhận lại chính là insight mà người sáng tạo nội dung cần tìm.
Để bài học trở nên dễ hình dung hơn, anh Lucas còn hài hước cho rằng việc đi tìm insight cũng giống như sang nhà “cờ rút” chơi. Phải tìm hiểu và chuẩn bị trước những thông tin về “cờ rút” như: Chân dung đối tượng tiếp cận, Sở thích và những hành vi của người dùng mạng…
Lai rai kỹ thuật viết headline và Chơi nhập vai chọn archetype
Khi đã có insight thì người sáng tạo nội dung đã sẵn sàng bắt tay vào việc. Đặt tiêu đề sao cho thu hút khán giả cũng là một bước rất quan trọng vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhiệm vụ của headline là chỉ với một vài từ nhưng phải đủ sức “giữ chân” khán giả. Có bốn yếu tố để tạo ra một “miếng trầu” hấp dẫn:
- Thu “hook”: Đủ hấp dẫn để kéo người đọc vào bài viết để họ đọc câu đầu tiên.
- Nhập “vibe”: Xác định tone viết để người đọc nắm được tinh thần và năng lượng bài viết.
- Thả “hint”: Bật mí chủ đề để người đọc biết điều gì đang chờ đợi họ.
- Phụ “keẹn”: Hình ảnh lấp lánh để làm rõ chủ đề bài viết và thêm phần thu hút người đọc.
Theo diễn giả Lucas, có 6 dạng viết tiêu đề đang rất phổ biến và hiệu quả là lợi ích thực tế (Cải thiện kỹ năng làm content); lợi ích tinh tế (Content: Từ con tim đến trái tim); đưa ra con số (10 cách làm content đi vào lòng người lòng người); đặt câu hỏi (Làm sao để viết content hiệu quả?); sáng tạo một câu quen thuộc với người đọc thành một câu mới (Đi một ngày đàng, học một sàng content); chơi chữ (Làm content để người đọc content).
Cuối cùng là bước nhập vai để khán giả hình dung được người sáng tạo ra những nội dung này là ai, có cá tính gì hay thậm chí là ngoại hình trông như thế nào dù không “xuất đầu lộ diện”. Đây là bước tạo bộ nhận diện thương hiệu cho bản thân, khiến bạn trở nên “khác bọt” giữa rất nhiều người sáng tạo nội dung khác.
Archetype model là mô hình với 12 hình mẫu của một con người, không chỉ người sáng tạo nội dung mà các doanh nghiệp cũng sử dụng mô hình này để quyết định hình mẫu mình muốn xây dựng và theo đuổi nó trong quá trình định vị thương hiệu.
Các ví dụ điển hình như mẫu hình Innocent tinh khôi, thuần khiết thường gắn liền với các thương hiệu nước suối; các hãng xe máy, giày thể thao gợi nhớ đến mẫu hình Explorer thích phiêu lưu, khám phá; mẫu hình Caregiver chu đáo, thấu hiểu người dùng đi đôi cùng các thương hiệu đồ gia dụng…
Kết thúc buổi học với bộ ba bí kíp sáng tạo nội dung cực kỳ hữu ích, anh Lucas Luân Nguyễn “chốt hạ”: “Tóm lại phải có insight đúng thì mới có thể chạm khẽ tim khán giả một chút thôi, phải có headline hấp dẫn mới khiến khán giả see tình và phải có hình ảnh nhận diện riêng thì mới tạo được một trời thương nhớ cho khán giả.”
Thử Thách Kim Cương 2023 - Cuộc thi tìm kiếm và phát triển các anh tài báo chí - truyền thông do Báo Hoa Học Trò và Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức. Tìm hiểu thêm về cuộc thi tại đây.