Tư duy phản biện - Kỹ năng quan trọng trong thời đại 4.0
Là những nhà sáng tạo nội dung trong kỷ nguyên số, Gen Z cần phải có kỹ năng chọn lọc và đánh giá thông tin để có thể cho “ra lò” những content thật chất lượng. Thầy Hoàng Minh Thông - Thạc sĩ Giáo dục chuyên ngành Lãnh đạo & Chính sách (Đại học Bristol, Vương quốc Anh); Nhà sáng lập & Giám đốc học thuật EdSpace chia sẻ: “Hiện nay các bạn trẻ có thể tiếp cận với một lượng lớn thông tin mỗi ngày. Vì vậy, các bạn cần phải chậm lại để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau và đánh giá xem thông tin nào là đúng, còn thông tin nào là sai nhưng lại được truyền đạt một cách thuyết phục”.
Thầy Hoàng Minh Thông - Nhà sáng lập & Giám đốc học thuật EdSpace. |
Không chỉ giới thiệu những khái niệm mới mẻ về tư duy phản biện, thầy còn đưa ra những ví dụ gần gũi và dễ hiểu với teen. Những thí sinh của Thử Thách Kim Cương 2023 đã rất hào hứng khi biết rằng ngay cả việc “săn sale” trên các sàn thương mại điện tử cũng là một cách thực hiện tư duy phản biện. Qua việc so sánh giá cả và tính toán sử dụng mã giảm giá, các bạn cũng đang đánh giá những thông tin khách quan một cách logic để đưa đến quyết định cuối cùng là “chốt đơn” đó!
5 bí quyết để “chuyển màu” lăng kính của bản thân
Theo thầy Hoàng Minh Thông, mỗi người đều nhìn cuộc sống qua những “lăng kính” (quan điểm cá nhân) khác nhau. Để có thể tư duy phản biện, chúng ta phải luyện tập cách đánh giá vấn đề từ đa dạng các góc nhìn và dần dần thay đổi những “lăng kính” không còn phù hợp với bản thân.
Để làm được điều đó, thầy Thông đã chia sẻ 5 bước cần thiết và quan trọng:
Bước 1: Tránh các thiên kiến xác nhận - Khi có thiên kiến về một vấn đề nào đó, chúng ta sẽ có xu hướng tìm kiếm những thông tin để chứng minh cho quan điểm đó. Vì vậy, cần thay đổi tư duy để có thể tiếp cận với những thông tin chính xác nhất.
Bước 2: Đón nhận sự khác biệt và phức tạp - Nhiều câu hỏi chưa chắc đã có một câu trả lời duy nhất, cũng như bầu trời không chỉ có màu xanh mà là tập hợp của rất nhiều ánh sáng khác màu. Các nhà sáng tạo nội dung thế hệ mới cần biết cách chọn lọc các phiên bản khác nhau của cùng một câu chuyện để tìm ra phiên bản phù hợp nhất cho chính mình.
Bước 3: Nhìn vấn đề từ quan điểm của người khác - Lấy ví dụ từ câu chuyện tranh cãi giờ giới nghiêm giữa cha mẹ và con cái, thầy Thông cho rằng các bạn cần phải lắng nghe và thấu hiểu những góc nhìn khác nhau để “xuất xưởng” những nội dung đa chiều, khách quan.
Bước 4: Kiểm chứng lại nguồn thông tin - Với đa dạng các nguồn thông tin trong thời đại số hiện nay, Gen Z cần biết cách chọn lọc thông tin từ các nguồn xác đáng và kiểm tra lại thông tin để có thể trở thành những nhà sáng tạo nội dung thông minh.
Bước 5: Cẩn thận với những lỗi ngụy biện - Từ những khái niệm mới lạ như ngụy biện tấn công cá nhân, ngụy biện vòng lặp và ngụy biện bù nhìn rơm, thầy đã khuyến khích các bạn trẻ chậm lại và suy nghĩ về tư duy của mình trước khi đưa ra đánh giá cuối cùng.
Thầy Hoàng Minh Thông cho biết: “Trong thời đại 4.0, các thuật toán sẽ đưa đến cho mình những thông tin để củng cố góc nhìn của bản thân. Vì thế, chúng ta càng phải thực hành tư duy phản biện để “mài dũa” các bộ lọc thông tin của mình và có một góc nhìn đa chiều và khách quan hơn”. Thầy Thông cũng khuyến khích các bạn sử dụng những công nghệ hiện đại, như ChatGPT, để hỗ trợ cho quá trình tư duy phản biện của mình.
Thử Thách Kim Cương 2023 - Cuộc thi tìm kiếm và phát triển các anh tài báo chí - truyền thông do Báo Hoa Học Trò và Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức. Tìm hiểu thêm về cuộc thi tại đây.