Thực tập trực tuyến với các doanh nghiệp New Zealand, sinh viên Việt Nam học được gì?

0:00 / 0:00
0:00
Học bổng Thực tập Trực tuyến New Zealand 2023 đã giúp các bạn trẻ Việt Nam xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế ngay từ bậc đại học.

60 sinh viên nhận học bổng chương trình Thực tập Trực tuyến ngắn hạn New Zealand 2023 do Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) và Đại học Auckland đồng triển khai, đã cùng bắt tay với sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia trong khu vực, giải quyết những vấn đề thực tiễn của các tổ chức và doanh nghiệp New Zealand, qua đó tiếp cận cách làm việc hiệu quả trong một môi trường quốc tế đa văn hoá.

Thực chiến với ngành, va chạm insight (sự thật ngầm hiểu)

Trái với suy nghĩ “lính mới” chỉ đứng một bên theo dõi, các thực tập sinh đã được bắt tay vào dự án thực tế như một nhân viên thực thụ.Chử Lê Quỳnh Trang (sinh viên năm ba, ngành Kinh doanh số, ĐH Kinh tế Quốc dân) đã đối diện với một thử thách “nặng ký” khi được phân công thu thập tài liệu cho dự án nghiên cứu đối thủ cạnh tranh tại các thị trường Úc, Trung Quốc và Nhật Bản cho Công ty dự báo năng lượng TESLA Forecasting Solution.

“Nếu báo cáo, số liệu ở nước nói tiếng Anh như Úc rất dễ tiếp cận, thì tài liệu ở các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản lại cần dành thời gian tìm kiếm và dịch thuật nhiều hơn.” Thử thách trên cũng chính là cơ hội để cô bạn tiếp cận những kiến thức mới mẻ về năng lượng xanh - một lĩnh vực tiềm năng với hơn 42 triệu cơ hội việc làm toàn cầu vào năm 2050. Đồng thời, cô bạn cũng được áp dụng các mô hình đã được giảng dạy ở lớp như ERP (Enterprise resource planning - hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) vào việc phân tích hoạt động của doanh nghiệp lẫn công ty đối thủ. Trải nghiệm này giúp Quỳnh Trang hiểu rằng dù chỉ kéo dài 3 tuần, kỳ thực tập vẫn quan trọng như đi làm chính thức, bởi cô bạn đã thực sự bước ra khỏi môi trường lý thuyết và thể hiện năng lực của bản thân.

Cùng ý kiến với Quỳnh Trang, bạn Đỗ Trung Định (sinh viên năm cuối, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, những trải nghiệm tại Đại học Auckland đã giúp bạn hiểu rõ từng bước thực hiện một dự án nghiên cứu: “Thời gian thực tập tại Đại học Auckland đã mang đến cho mình cơ hội được nghiên cứu nhóm, học cách bắt đầu dự án bằng việc phân tích đề bài, lên kế hoạch cho dự án, các đầu công việc cũng như lập bảng tiến độ”, Định chia sẻ.

Thực tập trực tuyến với các doanh nghiệp New Zealand, sinh viên Việt Nam học được gì? ảnh 1

Với Quỳnh Trang, việc tham gia dự án nghiên cứu thị trường cho TESLA Forecasting Solutions thì “thử thách là chín, cơ hội là mười”.

Nói không với chấm công, nói có với tự quản lý bản thân

Chương trình Thực tập Trực tuyến New Zealand kéo dài trong 3 tuần với thời gian làm việc ước tính từ 10 - 15 giờ mỗi tuần. Nói không với báo cáo số giờ làm việc, các bạn trẻ hoàn toàn tự do sắp xếp lịch trình, miễn là đảm bảo hoàn thành dự án đúng hạn (deadlines). “Vì mỗi bạn trong nhóm có một khung thời gian rảnh khác nhau nên nhóm nên sáng hay tối đều có thể là giờ họp”, bạn Nguyễn Thị Ngọc Sâm (sinh viên năm cuối, ngành Kinh doanh Quốc tế, ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) dí dỏm bật mí.

Thực tập trực tuyến với các doanh nghiệp New Zealand, sinh viên Việt Nam học được gì? ảnh 2

Để thực hiện tốt những mục tiêu đặt ra trong kỳ thực tập, Sâm đã phát triển kỹ năng quản lý thời gian một cách linh hoạt và thông minh hơn.

Làm việc từ xa là mô hình đang được áp dụng ở các doanh nghiệp toàn cầu, tuy nhiên, “tự do về không gian lẫn thời gian cũng cần đi đôi với tính kỷ luật”, Sâm đúc kết về kinh nghiệm đúc rút được sau kỳ thực tập. Thực hiện dự án “Nghiên cứu về ngành hàng rong biển tại các thị trường châu Á”, Sâm đối diện với 3 tầng áp lực: deadlines trong tuần, ngành hàng lạ lẫm và các công việc khác cần thực hiện trong năm cuối.

Tạm biệt khoảng thời gian sống “chill”, công thức thành công cho việc nói không với trễ deadline của cô bạn chính là tinh thần kỷ luật. Hằng tuần, Sâm đều ưu tiên hoàn thành 15 tiếng làm việc theo yêu cầu chương trình, thậm chí dành thêm nhiều thời gian hơn để hoàn thành tốt công việc. Để nhắc lịch tự học, tự nghiên cứu, lịch họp Sâm chủ động sử dụng Google Calendar vì bạn hoàn toàn làm việc trực tuyến. Với các đầu công việc cá nhân, Sâm chọn ghi chú vào sổ tay. Nhờ vậy, không chỉ tiết kiệm được kha khá thời gian để đầu tư vào đầu việc được giao, Sâm cũng có thể hỗ trợ các thành viên khác khi cần.

Nghĩ khác đi để nắm bắt cơ hội mới

Được chọn tham gia chương trình Thực tập Trực tuyến New Zealand, Dương Phan Hiệp My (sinh viên năm cuối, ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) thực tập tại Hiệp hội Kế toán Úc và New Zealand (Chartered Accountants Australia and New Zealand). Nhìn lại thời gian làm việc với các đồng nghiệp từ Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản, My nhận thấy góc nhìn của bản thân đã được mở rộng đáng kể. “Trước kia, mình nhìn nhận vấn đề khá thận trọng và chỉ bắt tay vào làm nếu tỷ lệ thành công chiếm khoảng 70%. Khi làm việc với những bạn đến từ các quốc gia khác, mọi người luôn thể hiện thái độ ‘can-do’ (có thể làm), mình đã phần nào thay đổi, trở nên tích cực hơn và mạnh dạn hơn”, Hiệp My cho hay.

Thực tập trực tuyến với các doanh nghiệp New Zealand, sinh viên Việt Nam học được gì? ảnh 3

Kỳ thực tập đã giúp Hiệp My khám phá “nhân cách" mới của mình: cởi mở, mạnh dạn và sẵn sàng hơn.

Không chỉ “F5” bản thân và khám phá môi trường làm việc quốc tế, sinh viên Việt Nam còn chủ động xây dựng mạng lưới quan hệ trong ngành ngay trong thời gian thực tập. Dù kỳ thực tập đã kết thúc, Dung Nhi (sinh viên năm cuối, ngành Quản trị Kinh doanh tại ĐH Ngoại Thương) vẫn tiếp tục giữ liên lạc với người hướng dẫn Evgeniia Golovina (Nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ, phòng nghiên cứu Gen và Sinh học hệ thống, Viện Liggins, Đại học Auckland) để tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm về ngành Tâm lý học. Đặc biệt hơn, cô Evgeniia cũng chính là người hướng dẫn cho Dung Nhi ở một cuộc thi khởi nghiệp ngay sau đó.

Trái với suy nghĩ “thực tập chỉ để xin dấu mộc”, chương trình Thực tập Trực tuyến New Zealand tuy chỉ kéo dài trong 3 tuần nhưng đã mang đến những giá trị dài hạn ngoài kỳ vọng của sinh viên Việt Nam. Những trải nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp tại các công ty New Zealand và chùm kỹ năng đa dạng đã phần nào giúp các bạn trẻ Việt Nam tự tin hơn để nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp, hoạch định sớm cho sự nghiệp của chính mình. Đây cũng chính là mục tiêu mà giáo dục New Zealand hướng tới: trang bị tư duy và kỹ năng cho các công dân toàn cầu, sẵn sàng thích nghi với các yêu cầu khắt khe và thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm