Trà sữa cho tâm hồn: Chờ đợi một cơn gió mùa Xuân

Trà sữa cho tâm hồn: Chờ đợi một cơn gió mùa Xuân
HHT - Vì Tết là ngày đoàn viên, như có ai đó từng nói thế. Và chẳng có thứ tình cảm nào ấm áp hơn như khi được sống cùng nhau dưới một mái nhà.

Những ngày gần Tết là những ngày nhà ngoại tôi đông vui nhất. Người lớn lo dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, làm giò xào… Tụi con nít vốn chẳng có việc gì làm, lại giành nhau phần rửa lá cho Bà, thầm thì xin một suất “bánh chưng con”, rồi lấy đó làm động lực duy nhất cho việc ngồi trông nồi bánh suốt đêm, dù buồn ngủ ngáp lên ngáp xuống. Vốn đông con cháu, nhà ngoại hiếm khi thiếu tiếng cười. Tới tận bây giờ, khi chúng tôi lớn lên, ký ức về những ngày ngồi trông bánh, hít hà mùi hương nước tắm lá mùi… vẫn là ký ức khó phai nhất về Tết.

Trà sữa cho tâm hồn: Chờ đợi một cơn gió mùa Xuân ảnh 1

Nhưng từ 5 năm trước, ngày Tết bớt vui nhiều. Ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, cậu út làm ăn khó khăn rồi vỡ nợ. Đó là cái Tết buồn bã nhất mà tôi từng biết. Mọi người gặp nhau, cố giấu đi những tiếng thở dài. Trả nợ xong, cậu cũng thành tay trắng. Cậu út bỏ nhà đi, thề bao giờ vực lại được cơ nghiệp thì mới trở về. Nghe dì tôi kể lại, nhiều đêm bà ngoại lặng lẽ khóc. Biết làm sao được, vì cậu út vốn là niềm tự hào của cả gia đình. Tốt nghiệp trường kinh tế loại ưu, ra trường hùn hạp cùng bạn bè mở công ty riêng, cũng có thời làm ăn rất khá. Trước giờ, trong câu chuyện của mình với mọi người, bà ngoại đều không giấu vẻ tự hào khi nói đến cậu… Vài người xung quanh biết chuyện, tinh ý tránh hỏi bà quá nhiều. Nhưng thỉnh thoảng cũng có người vui câu chuyện, lại vô tình nhắc về cậu. Bà ngoại vẫn nén buồn, trả lời: “Thằng út nhà tôi mải đi làm ăn xa, thời gian đâu mà về luôn được” Mọi người trong nhà lại lén nhìn nhau, chợt buồn.

Trà sữa cho tâm hồn: Chờ đợi một cơn gió mùa Xuân ảnh 2

Nhà bà ngoại trồng một cây bàng, tôi cũng không nhớ chính xác bao nhiêu năm. Chỉ nhớ ngày sinh cậu út, ông ngoại mang cây về trồng. Cái cây lớn lên như một thành viên trong gia đình. Cùng tuổi thơ cậu tôi, cây bàng như người anh em. Có hồi mọi người than phiền miết, nói cây nhiều sâu róm quá, chặt đại đi cho rồi. Cậu út giận dỗi bỏ ăn, nhất quyết đòi giữ cái cây cho bằng được. Chiều lòng đứa em, mọi người không bàn tới nữa. Nhờ đó, tuổi thơ của tôi và tụi em cũng được hưởng sái mấy phần nhờ cây bàng. Ông cậu dạy chúng tôi đủ trò làm tai trâu, sâu kèn… từ lá bàng khô, hái bàng chín cho mấy đứa nhóc ăn, rồi đập trái khô lấy nhân ăn bùi bùi. Từ ngày cậu đi vắng, chiều nào bà nội cũng trầm ngâm nhìn cây bàng trước nhà, lặng lẽ. Những khi như thế, mọi người vừa muốn an ủi bà, vừa sợ làm bà thêm buồn nên quay ra quay vào, rốt cục không ai nói điều gì.

Trà sữa cho tâm hồn: Chờ đợi một cơn gió mùa Xuân ảnh 3

Tôi lớn lên, ít có dịp về thăm bà hơn. Lần nào về, bà cũng gọi tôi vào, hỏi han căn dặn đủ điều. Càng lớn càng ham vui, nhiều khi lời dặn của bà tôi nghe tai được tai mất. Một lần, trong lúc đi xem rockshow với lũ bạn, khi nghe ban nhạc đang chơi lại một bài nổi tiếng của The Wall, có đoạn “Ai vui khi lá bàng đỏ rớt xuống giữa mùa Đông…”, tôi bất giác nhớ và nghĩ về bà mình, rồi lòng chùng lại.

Năm ngoái, bà trở bệnh. Thời gian và tuổi tác không buông tha cho ai cả. Mọi người đều chuẩn bị cho những gì xấu nhất có thể xảy ra. Vậy mà cậu út vẫn chưa về. Đôi khi, dù biết mình đã lớn rồi, nhận thức được mọi việc sáng rõ hơn, tôi vẫn thầm tin vào một phép màu nào đó, sẽ đem cậu tôi trở về. Dù chỉ chốc lát. Vì tôi biết với bà, đó là động lực lớn lao nhất vào lúc này. Như cách chiếc lá bàng cuối cùng vẫn còn trụ lại trên cành để đợi một cơn gió đầu Xuân.

Trà sữa cho tâm hồn: Chờ đợi một cơn gió mùa Xuân ảnh 4

Sáng 30 Tết, mọi người tập trung ở nhà ngoại từ sớm. Tôi có việc đi cùng với bạn, mãi gần trưa mới qua. Từ cổng, tôi lờ mờ nhận ra không khí có vẻ khác lạ. Vẫn tiếng trẻ con ríu rít. Nhưng từ phía nhà chính vang lên cả tiếng cười, tiếng nói của người lớn. Vừa đặt chân vào cửa, mẹ tôi không giấu nổi niềm vui, nước mắt ngắn dài, khoe cậu về rồi con ơi. Tôi bước vào phòng bà. Cậu út về thật, đang nắn bóp tay cho bà. Và trong mắt bà lấp lánh niềm vui, như những lần cách đây nhiều năm lúc tôi còn bé, khi bà đầy tự hào khoe con trai mình với mọi người. Chọn cách của những người đàn ông, tôi ôm xiết vai cậu. Hóa ra trong tiềm thức của mình, cũng như bà, như mẹ, như các cậu các dì, tôi cũng luôn mong đợi cậu trở về. Vì Tết là ngày đoàn viên, như có ai đó từng nói thế. Và chẳng có thứ tình cảm nào ấm áp hơn như khi được sống cùng nhau dưới một mái nhà.

Càng lớn, tôi càng mong mình được bé lại. Như đứa trẻ lên sáu ngày nào, chạy nhảy cùng tụi em quanh nồi bánh, và không biết đến sự chia ly là gì. Như cách người ta vẫn làm trong mỗi dịp năm cùng tháng tận, tận hưởng sự bình yên của sum họp trong vòng tay gia đình.

VIỆT ANH

Ảnh trong bài tổng hợp từ nhiều nguồn

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Cuốn sách nâng trình kể chuyện "đỉnh chóp" cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ

Cuốn sách nâng trình kể chuyện "đỉnh chóp" cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ

HHT - Trong thế giới tràn ngập thông tin hiện nay, việc thu hút chú ý và truyền tải thông điệp trở thành thách thức không nhỏ, nhất là với các nhà sáng tạo nội dung thế hệ mới. Trong quyển sách "Kể chuyện hay là chết", tác giả Lisa Cron đã đưa ra nhiều chiến lược hữu ích giúp bạn tạo ra những câu chuyện đầy sức hút.
Một thời để nhớ: Bức chân dung đẹp nhất được chụp bởi rung động của trái tim

Một thời để nhớ: Bức chân dung đẹp nhất được chụp bởi rung động của trái tim

HHT - Khi Mẫn cắm bông, mồ hôi đọng trên trán nó từng hạt lớn. Ánh nắng ngoài cửa sổ cũng vàng sượm. Tớ đang lắp phim, bèn đưa máy lên bấm thử. Nghe tiếng xoạch, nhỏ Mẫn nhìn thẳng vào tớ, nở nụ cười mắc cỡ, hơi rụt rè, nhưng ánh mắt thật trìu mến. Tớ sững lại, rồi bấm luôn vài phát liên tiếp.