Trong trường hợp bị bạo hành bởi chính “người nhà”, teen phải làm gì đây?

Trong trường hợp bị bạo hành bởi chính “người nhà”, teen phải làm gì đây?
HHT - Ngay cả ở các nước phát triển, số teen bị bạo hành bởi chính người thân của mình cũng nhiều hơn mức chúng ta tưởng tượng ra. Chỉ có điều, không phải bạn nào cũng lên tiếng.

Có nhiều kiểu bạo hành, như bạo hành cảm xúc, cô lập, đe dọa… nhưng bạo hành thể chất là kiểu phổ biến nhất và để lại dấu vết rõ ràng nhất trên cơ thể. Điều nguy hiểm ở đây là nhiều teen bị bạo hành lại nghĩ rằng đó là lỗi tại mình, rằng mình “xứng đáng” bị như vậy do sai phạm gì đó. Thậm chí, chính những người lớn xung quanh cũng nghĩ thế, với lối tư duy cũ kỹ là “thương cho roi cho vọt”. Chính vì vậy, teen có thể cảm thấy tuyệt vọng, hoặc bị đe dọa, hoặc bị xúc phạm. Mặc dù, bạn cần hiểu rằng, không có điều gì mà bạn nói hoặc làm lại có thể cho bất kỳ ai quyền được hành hạ, ngược đãi, đe dọa hoặc làm đau bạn.

Không ai có quyền được hành hạ, làm đau bạn.

Bạn hãy tin vào cảm giác của mình. Nếu có điều gì đó khiến bạn cảm thấy “sai sai” hoặc không bình thường trong mối quan hệ của bạn với người thân, thì chứng tỏ mối quan hệ đó đang có vấn đề. Và bạn cần sự giúp đỡ. Đây là một số lời khuyên cho bạn trong trường hợp bị bạo hành:

- Tìm sự giúp đỡ ngay lập tức: Đừng bao giờ giữ những cảm giác lo lắng, sợ hãi cho một mình mình.

- Phá vỡ sự im lặng: Nói chuyện ngay với ai đó mà bạn tin tưởng (bố mẹ, thầy cô giáo, một người họ hàng tốt bụng và đáng tin cậy…). Hãy nói cho họ biết, rằng người thân (người có hành động bạo hành) của bạn đã làm những gì, đã đối xử với bạn ra sao.

- Bạn cũng có thể gọi đến các số điện thoại chuyên hỗ trợ thanh thiếu niên, ví dụ như số 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em).

Và dù bạn biết rằng việc mình bị bạo hành không phải là lỗi của mình, thì điều quan trọng là bạn cố gắng tránh được những sự việc này ngay từ đầu:

- Xây dựng hình ảnh bản thân lành mạnh: Những teen có lòng tự tin cao, có kiến thức, có hình ảnh bản thân tích cực thì ít có khả năng bị bạo hành hơn. Không chỉ vì những bạn ấy “ngoan” hơn, mà vì những người lớn dù (cố tình) không hiểu cũng sẽ có sự e ngại nhất định với những bạn teen như thế.

Xây dựng hình ảnh bản thân tích cực và mối quan hệ tốt với một người lớn đáng tin cậy chính là cách để giảm nguy cơ bị bạo hành.

- Dù là với “người nhà”, bạn cũng đừng để cho mối quan hệ đó trở thành gánh nặng. Điều này lại đòi hỏi bạn tin vào cảm giác của mình. Nếu bạn cảm thấy mối quan hệ với một người thân nào đó là quá căng thẳng hoặc nặng nề, hãy tránh tương tác với người đó và tâm sự với một người thân đáng tin cậy khác.

- Xây dựng mối quan hệ tốt, gắn bó, tin tưởng với ít nhất một người trong gia đình, để chắc chắn rằng có người sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ bạn khi cần.

- Cập nhật thông tin: Đọc và học hỏi nhiều về bạo hành, lạm dụng, và các mối quan hệ lành mạnh/không lành mạnh. Từ đó, bạn có thể giúp chính mình và thậm chí cả những người khác như bạn bè hoặc những em nhỏ hơn mình nữa.

Các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ trong gia đình, là phần rất quan trọng của cuộc sống. Chính vì vậy, chúng nên ấm áp và vui vẻ. Bạn cần nhận ra ngay những mối quan hệ nào có vẻ bất ổn và chia sẻ với người lớn mà bạn tin cậy. Quan trọng nhất, hãy học cách sống tự tin, yêu quý bản thân mình, đó chính là cách để bạn dễ có những mối quan hệ lành mạnh và tích cực hơn.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm