Mới đây, kênh CCTV của Trung Quốc làm một phóng sự về việc sử dụng hóa chất trong việc sản xuất quả kỷ tử tại các tỉnh Thanh Hải và Cam Túc ở phía Bắc Trung Quốc.
Các nhà chức trách tại các địa phương này vừa cho biết, họ đã lập đội chuyên trách để điều tra hoạt động nói trên, rồi sẽ nhanh chóng thông báo công khai. Họ nói: “Những người vi phạm sẽ bị phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”.
Người nông dân phơi kỷ tử ở tỉnh Cam Túc. Ảnh: China Daily. |
Theo CCTV, một số người kinh doanh kỷ tử ở các khu vực trên đã dùng những hóa chất như sodium metabisulfite (chất bảo quản) và lưu huỳnh công nghiệp cho kỷ tử. Họ ngâm kỷ tử trong các dung dịch hóa chất để kỷ tử trông đỏ tươi hơn, bảo quản được lâu hơn, nhằm bán được với giá cao hơn. Một số người bán thì “xông khói” kỷ tử với lưu huỳnh công nghiệp, dù họ biết là nó độc.
Theo các quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc, việc sử dụng sodium metabisulfite là bị cấm. Còn lưu huỳnh công nghiệp - có thể làm hỏng thận, gan, tổn thương thần kinh - không được dùng trong chế biến thực phẩm.
Kỷ tử được dùng trong nhiều món ăn uống. Ảnh: May Tse/ SCMP. |
Quả kỷ tử khô được dùng rất phổ biến trong các món ăn uống như trà, lẩu…, ở nhiều nước châu Á. Nó rất bổ dưỡng, được coi vừa là thức ăn, vừa là thuốc. Trong năm 2023, Trung Quốc đại lục xuất khẩu gần 12.000 tấn kỷ tử, trong đó nhiều nhất là đến Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam.
Tại nước ta, khi muốn dùng kỷ tử, người mua nên lựa chọn các hãng có tên tuổi, uy tín, được kiểm định chất lượng bởi các cơ quan chức năng. Tránh mua các loại kỷ tử đóng gói không nhãn mác, tuy giá thấp hơn nhưng không đảm bảo chất lượng.