Tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội: Các trường dân lập phân trần việc "chia tay không trả quà"

Tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội: Các trường dân lập phân trần việc "chia tay không trả quà"
HHT - Chuyện không trả lại một số khoản phí khi phụ huynh rút hồ sơ nhập học đang khiến trường Lương Thế Vinh và Nguyễn Siêu phải nhận nhiều lời chỉ trích gay gắt.

Trước những lời chỉ trích, đại diện nhiều trường dân lập đã đưa ra nhiều lý do khẳng định việc thu phí giữ chỗ là cần thiết và hợp lý.

Thu phí để phụ huynh tôn trọng, có trách nhiệm và không biến trường thành “cái chợ”

Đó là quan điểm của PGS.TS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng trường THCS & THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội khi được PV Hoa Học Trò đặt câu hỏi về việc một số trường dân lập đưa ra các khoản phí đầu vào và không trả lại nếu phụ huynh rút hồ sơ.

PGS.TS Đặng Quốc Thống - Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng trường THCS & THPT Đoàn Thị Điểm.

Thầy Thống cho biết thêm: "Trường THCS & THPT Đoàn Thị Điểm cũng có một khoản phí gọi là “phí giữ chỗ”. Trường Đoàn Thị Điểm giống như các trường dân lập khác, trước đây nếu không phải đóng phí, phụ huynh nộp đơn ở hết chỗ này chỗ khác và rút ra rất thoải mái, thiếu sự chọn lọc, thậm chí có thể coi là thiếu sự tôn trọng nhà trường. Dường như phụ huynh thấy các trường dân lập là loại trường thích vào thì vào, không thích thì thôi. Nó giống như cái chợ, phụ huynh đòi vào, đòi ra không cân nhắc gì cả. 

Cách đây 2 năm, trường Đoàn Thị Điểm bắt đầu thực hiện phí “giữ chỗ”. Thứ nhất là để là để phụ huynh học sinh (PHHS) thận trọng khi nộp đơn. Thứ hai là trong quá trình xét tuyển, về phía trường có một số chi phí với cán bộ, giấy tờ và nhiều khoản khác nữa…".

Theo thầy Thống, mức phí 2 triệu đồng trường Đoàn Thị Điểm đưa ra là vừa phải. Nhưng với các phụ huynh nào vừa nộp vào vài ngày rồi rút ra ngay hay gay gắt quá thì trường cũng hoàn lại để tránh phiền hà. Thầy cũng cho rằng không nên đưa ra mức phí quá cao và phải rành mạch phí “giữ chỗ” là phí “giữ chỗ” để tránh dư luận không tốt.

Lý giải về khoản phí “giữ chỗ” của trường mình, cô Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu cho biết: "Người thì trường không giữ được, hồ sơ theo quy định cũng không được giữ, vậy còn điều gì để cam kết và ràng buộc ngoài tiền? Thực tế chuyện đặt cọc hay các loại phí thì ở nền giáo dục của các nước phát triển họ đã làm điều này từ lâu. Ai cũng biết điều đấy. Ví dụ như trường UNIS ở ngay trên địa bàn Hà Nội, con vừa sinh ra đã đặt cọc đến khi 6 tuổi mới đi học".

Cô Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu.

Thu phí vì trường tư ở "thế yếu" với trường công

Nguyễn Thị Minh Thuý cho biết: "Thực tế trường công cũng có giữ chỗ bằng hồ sơ và trên giấy tờ. Khi đăng ký NV1 và NV2 là trường công đã giữ chỗ, còn trường tư không thể giữ chỗ được như thế. Không có một căn cứ nào, phụ huynh đến đi lúc nào không biết. Trong khi đó, trường công và Sở nhìn thấy rất rõ dữ liệu đăng ký của học sinh, xác định được số học sinh vào trường là bao nhiêu, trường tư lại không biết thế nào vì phụ thuộc vào cơ chế và xã hội rất nhiều, hôm nay chưa biết ngày mai ra sao. Hiện nay các trường tư đang bị lệ thuộc vào điểm của trường công rất nhiều, không có dữ liệu nên buộc các trường phải đưa ra cách của mình".

Còn theo PGS.TS Đặng Quốc Thống, việc thu phí này còn là để tạo sự công bằng cho các phụ huynh và học sinh khác. Thầy Thống chia sẻ: "Nếu phụ huynh bỏ chỗ, tôi sẽ nhận đơn của người khác. Điều này còn để nhà trường khẳng định được số cần vào là bao nhiêu, cần phải tổ chức thi, tuyển sinh lấy điểm như thế nào để sắp xếp cho hợp lý".

Văn Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh thì nêu cái khó của trường tư so với trường công. "Nếu trường ngoài công lập (NCL) không có học sinh thì ai sẽ lo học sinh cho trường, ai sẽ lo lương để trả cho giáo viên, ban tuyển sinh (BTS) phục vụ học sinh, phụ huynh. Những năm trước đây, khi nhà trường chưa ra điều kiện sẽ giữ lại học phí, mỗi năm tuyển sinh có đến vài chục hoặc hơn 100 học sinh xin rút. Năm rút ít, năm rút nhiều khiến ban tuyển sinh của trường chẳng biết đường nào mà lần, dẫn đến năm thừa năm thiếu".

Cô Văn Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh.

Việc thu phí là thỏa thuận giữa 2 bên

Theo PGS.TS Đặng Quốc Thống: "Với phí “giữ chỗ” như ở trường Đoàn Thị Điểm, nếu phụ huynh không tham nghĩa là phụ huynh mất khoản giữ chỗ. Trong văn bản tuyển sinh, nhà trường cũng ghi rõ là phí này không trả lại. Nếu tham gia nộp đơn nhưng không học thì mất phí, vì trường đã tổ chức mọi thứ để phục vụ nhưng do PHHS từ chối được phục vụ, mọi thứ rất sòng phẳng".

Nguyễn Thị Minh Thuý tiết lộ trường Nguyễn Siêu đã thuê công ty luật từ năm 2016 để tư vấn các quy trình nhập học. 

Văn Thuỳ Dương thì khẳng định 1 trong 4 câu hỏi của ban tuyển sinh nhà trường với phụ huynh là: “Anh chị suy nghĩ kĩ trước khi nộp hồ sơ vì có thể khi anh chị rút hồ sơ chúng tôi sẽ không ngay lập tức phục vụ được anh chị và số tiền anh chị đã nộp sẽ được giữ lại vào quỹ khuyến học. Thậm chí tôi còn đứng lên phát biểu nội dung ấy với toàn thể phụ huynh trước khi ngồi phỏng vấn phụ huynh".

Tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội: Các trường dân lập phân trần việc "chia tay không trả quà" ảnh 4
Trong thông báo tuyển sinh, các trường dân lập đều nêu rất rõ vì không hoàn lại một số khoản phí đã thu.

Từ ý kiến chia sẻ của BGH các trường, các bậc phụ huynh cũng cần công tâm và suy nghĩ thấu đáo hơn trước khi nộp hồ sơ cho con mình. Về phía các trường dân lập, như ý kiến của PGS.TS Đặng Quốc Thống, các trường nên đưa ra mức phí phù hợp và thông tin rành mạch để tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ phụ huynh học sinh.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm