Văn hóa ép nhân viên ăn nhậu cùng sếp bị tẩy chay ở Hàn

Văn hóa ép nhân viên ăn nhậu cùng sếp bị tẩy chay ở Hàn
HHT - Văn hóa “hwaesik” (nhậu cùng đồng nghiệp) ở Hàn Quốc đang dần thay đổi do ảnh hưởng của phong trào #MeToo – khi phụ nữ tập hợp chống lại quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Báo trích dịch bài viết từ South China Morning Post đề cập đến thực tế phong trào #MeToo và những quan điểm mới trong xã hội Hàn Quốc đã tạo nên ảnh hưởng tích cực đến quá trình loại bỏ văn hóa "hwaesik".

Trong những buổi nhậu sau giờ làm, nhân viên Hàn Quốc thường chọn “samgyeopsal” (thịt lợn nướng) – món ăn phổ biến bậc nhất nước này, cùng với rượu gạo hoặc rượu soju để liên hoan.

Giữa bữa nhậu là thời điểm thích hợp để các thành viên đổi chỗ cho nhau và tán gẫu. “Tăng 2” thường ở một noraebang (quán karaoke), nơi họ xả stress sau khi đã say mèm.

Thế nhưng, mọi chuyện đang thay đổi. Năm ngoái, các tụ điểm dành cho những bữa nhậu của dân văn phòng đã chứng kiến một sự giảm sút đáng kể về doanh thu. Hệ quả của thực tế này là 1.500 noraebang phải đóng cửa trong năm 2018.

Văn hóa ép nhân viên ăn nhậu cùng sếp bị tẩy chay ở Hàn ảnh 1
"Ngõ ẩm thực" gần đại học Konkuk, Seoul. Ảnh: David Lee.

Xã giao hay cái cớ lạm dụng nhân viên nữ?

Min Heung-ki - một chủ sở hữu noraebang, người đã hoạt động trong “ngõ ẩm thực” của Đại học Konkuk suốt hơn 30 năm, cho biết: “2 năm trở về trước, ít nhất chúng tôi đón 10 nhóm khách mỗi đêm thì bây giờ mỗi đêm chỉ có chừng 3 nhóm".

Không chỉ các noraebang phải đóng cửa, nhiều nhà hàng cũng chịu chung cảnh ngộ vì số lượng khách hàng đã giảm xuống nhiều so với trước.

Văn hóa “hwaesik” nổi tiếng của Hàn Quốc đang trải qua một sự thay đổi lớn. Số lượng khách hàng của những tụ điểm ăn nhậu sau giờ làm tụt dốc bởi xu hướng phát triển mới của xã hội.

Những người lao động trẻ hơn ở độ tuổi 20 và 30 ít có khuynh hướng tham dự các cuộc họp mặt công ty như tiền bối của họ.

Năm 2018, trang web việc làm Saramin đã khảo sát 695 công nhân và chỉ ra rằng 61% công nhân ở độ tuổi 20 và 30 tin rằng “hwaesik” không phải là một yếu tố cần thiết của đời sống công sở. Trong khi đó, có 32% nhân viên ở độ tuổi 40 và 50 có cùng quan điểm này.

Văn hóa ép nhân viên ăn nhậu cùng sếp bị tẩy chay ở Hàn ảnh 2
Min Heung-ki - một chủ sở hữu noraebang ở Seoul. Ảnh: David Lee.

Một luật mới vừa được thông qua vào năm 2018, quy định rằng nhân viên không được phép làm việc hơn 52 giờ một tuần. Chính phủ đang cố gắng cải thiện việc cân bằng cuộc sống cho công nhân viên ở một quốc gia có thời gian làm việc dài thứ 3 trong số các quốc gia phát triển, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Job Korea – một trang web tìm kiếm việc làm – năm ngoái đã thăm dò 230 nhân viên về việc họ có coi “hwaesik” như thời gian làm thêm giờ hay không, hơn 7 trong số 10 người được hỏi đã trả lời “Có”.

Năm ngoái, phụ nữ Hàn Quốc đồng loạt đứng lên đấu tranh chống lại nạn quấy rối tình dục nơi công sở và vạch trần một số nhân vật cao cấp vì lạm dụng tình dục. Sự nổi lên của phong trào #MeToo đã góp phần ảnh hưởng đến văn hóa “thâm căn cố đế” này.

Một luật bảo vệ nạn nhân quấy rối tình dục đã được ban hành vào tháng 7 năm nay, đảm bảo rằng các công ty sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng và bị phạt nếu phát hiện phân biệt đối xử và lạm dụng với phụ nữ.

Hwaesik được biết đến là một dịp mà các nữ nhân viên dễ bị lợi dụng và bị quấy rối tình dục. Vào năm 2017, SBS News đã báo cáo trường hợp một phụ nữ ở độ tuổi 30 nói rằng một trong những cấp trên của cô luôn chỉ định chỗ ngồi trong những buổi tụ tập của văn phòng để đảm bảo rằng anh ta ngồi cạnh phụ nữ.

Các nhân viên nữ cũng hay bị ép nhảy múa trong các cuộc vui thâu đêm ở các quán karaoke.

Hủ tục nơi công sở cần bị loại bỏ

Môi trường làm việc của Hàn Quốc đang chứng kiến sự chuyển mình tích cực, cách các nhân viên trẻ nhận thức về hwaesik có vai trò lớn trong thực tế này.

Khảo sát của Saramin được thực hiện trong năm nay cho thấy 64,5% số người được hỏi nghĩ rằng hwaesik không phải một điều mà nhân viên bắt buộc phải thực hiện. Con số này đã tăng so với số liệu 55,1% trong cuộc khảo sát năm ngoái.

Jang Dae-ik, 27 tuổi – CFO của một công ty khởi nghiệp phân phối dao cạo râu ở Seoul – cho biết công ty của anh hiện đã hỏi ý kiến nhân viên về lịch trình của họ trước khi lên lịch họp.

Anh nói thêm rằng ở công ty anh, cấp trên luôn luôn coi trọng ý kiến cũng như lịch trình cá nhân của nhân viên. Họ không thể áp đặt trong công việc, nhất là khi đó là môi trường trẻ với nhân viên thuộc độ tuổi 20 đến 30.

Điều này trái ngược với các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, nơi những tân binh mới ở độ tuổi 20 thường làm việc với các cố vấn cấp cao 50 tuổi.

Văn hóa ép nhân viên ăn nhậu cùng sếp bị tẩy chay ở Hàn ảnh 3
Phong trào #MeToo nổi lên ở Hàn Quốc vào năm ngoái. Ảnh: David Lee.

Jung Jae-hyun, 26 tuổi – nhân viên mới tại một tập đoàn bán dẫn lớn ở Seoul – nói rằng anh không cảm thấy bị bắt buộc tham dự các hwaesik mà công ty lên lịch với tần suất khoảng 3 lần/ tháng.

“Ngay cả khi công ty không bắt tôi phải tham dự buổi ăn nhậu sau giờ làm, tôi vẫn nghĩ mình nên đi. Tôi nghĩ điều này quan trọng trong việc để lại ấn tượng tốt khi là một người mới”, anh Jung nói.

Theo Saramin, 24,7% số người được hỏi vào năm 2019 cho biết họ đã trải qua những hậu quả tiêu cực vì không tham dự hwaesik, bao gồm cảm giác bị xa lánh ở nơi làm việc và cơ hội thăng tiến bị ảnh hưởng. Hầu hết tất cả những người được hỏi đều cổ vũ những thay đổi trong văn hóa hwaesik.

Quản lý của Yuk Il-Gwan – một nhà hàng thịt nướng nổi tiếng của Hàn Quốc tại “ngõ ẩm thực” của Đại học Konkuk – cho biết ông đã nhận thấy một sự thay đổi đặc biệt trong cách các nhân viên lớn tuổi cư xử với những người đồng nghiệp trẻ hơn trong 2 năm qua.

“Thay đổi lớn nhất mà tôi quan sát được chính là giờ đây cấp trên không còn thói quen ép rượu nhân viên cấp dưới như ngày trước nữa”, anh ấy kể.

Diện mạo mới cho văn hóa “hwaesik”

Cuộc khảo sát mới nhất của Saramin cho thấy chỉ có 20% số người được hỏi cho biết họ thích những cuộc gặp gỡ kiểu này. Những người khác quan tâm nhiều hơn đến việc ăn trưa với đồng nghiệp, thử nhà hàng mới, xem phim hoặc tham dự triển lãm nghệ thuật.

“Cứ khoảng 2 lần/ tuần, trưởng phòng lại mời chúng tôi bữa trưa với mỳ Ý hoặc đồ ăn Thái”, cô Kim Ji-ye, 32 tuổi – một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Chính phủ - cho biết.

Tại Common Ground - một trung tâm mua sắm được xây dựng từ các container nằm cách “ngõ ẩm thực” của Đại học Konkuk chỉ 2 dãy nhà – chia sẻ rằng gần đây, nhiều nhân viên văn phòng ở mọi lứa tuổi thường đến và chụp ảnh dùng bữa trưa với đồng nghiệp tại đây để đăng lên Instagram.

“Thời điểm 2 năm trước, chúng tôi cũng không thấy nhiều nhân viên văn phòng vào nhà máy bia của mình. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhân viên trẻ đưa cấp trên của họ đến những nơi nổi tiếng với thanh niên hơn so với những quán nhậu truyền thống”, Yoon Young-min, 28 tuổi – quản lý nhà máy bia nổi tiếng nhất tại Common Ground – nhận định.

Một số công ty thậm chí đã cấm hoàn toàn văn hóa hwaesik. Ông Yoon cho biết, các buổi ăn tối tại E-Land – một tập đoàn lớn nơi anh từng làm việc – không còn được coi như một phần của công việc từ khi hwaesik chính thức bị cấm.

Văn hóa ép nhân viên ăn nhậu cùng sếp bị tẩy chay ở Hàn ảnh 4
Một quán nhậu vắng khách vào giờ tan tầm. Ảnh: David Lee.

Kim Byung-gwan – giáo sư Xã hội học tại Đại học Ajou – cho biết sự phổ biến của hwaesik đã tăng lên trong những năm 1960 và 1970, khi nền kinh tế của Hàn Quốc rơi vào tình trạng ảm đạm, và các cuộc họp mặt được tổ chức để giúp người lao động tăng cường tinh thần và thúc đẩy ý thức cộng đồng.

“Khi đất nước còn nghèo, công nhân thậm chí sẽ tham dự hwaesik chỉ vì có thêm dịp để ăn. Giờ đây, Hàn Quốc đã phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nền kinh tế lớn thứ 11 toàn cầu. Giá trị của hwaesik cũng theo đó mà cần phải thay đổi”, giáo sư Kim nói.

Ông Kim ví sự thay đổi này giống như tiến trình vận động dân số của họ: “Sự bùng nổ dân số sẽ biến mất khi người ta bắt đầu mệt mỏi vì phải tham dự quá nhiều tiệc sinh nhật. Văn hóa hwaesik cũng vậy. Trước đây, đồng nghiệp có nhu cầu đàm đạo và chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống với nhau, nhưng người Hàn thời đại mới thích tách biệt giữa đời sống riêng tư và đời sống xã hội”.

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

HHT - Hôm nay (28/3), Yên Bái đã có mưa to. Đặc biệt sáng nay, mưa đá đã xuất hiện trên hầu khắp các địa bàn tại huyện Mù Cang Chải. Từ chiều tối nay (28/3), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, nhiều nơi tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội chuyển mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to.