Thư viện chật kín người
“Đi làm” ở bất kì nơi nào đã trở thành một tình trạng phổ biến ở người trẻ Trung Quốc, chỉ để giả vờ mình có việc làm. “Văn phòng” của họ có thể là một nhà hàng thức ăn nhanh, quán cà phê, hiệu sách, thư viện và thậm chí là một chiếc ghế mát-xa trong trung tâm mua sắm.
Tuy nhiên, môi trường ồn ào của các nhà hàng không thích hợp cho việc học tập yên tĩnh, quán cà phê thì mức chi phí cũng không hề thấp. Ngược lại, thư viện lại là nơi có chỗ ngồi miễn phí và có không khí yên tĩnh, rất thích hợp cho những người đang thất nghiệp tập trung ôn luyện thi cử, chuẩn bị phỏng vấn.
Thư viện trở thành văn phòng - Ảnh cư dân mạng chia sẻ. |
Thế nên, địa điểm này đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhưng người muốn “giả đi làm”. Một cư dân mạng chia sẻ trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng giờ đây, mỗi ngày cô đều đến thư viện để tự “chữa lành” cho bản thân.
"Nơi này thực sự chữa lành vết thương cho tôi. Có Internet, nước nóng, giấy vệ sinh và thiết bị sưởi ấm. Đối với một người thất nghiệp như tôi, nơi đây là một thiên đường" - cô bày tỏ.
Hiện tượng này giờ đây phổ biến đến mức, rất nhiều người đã tìm kiếm từ khóa “Hướng dẫn những điểm đến miễn phí sau khi từ chức”. Ngoài ra, một số blogger cũng đã viết bài đánh giá các thư viện (giờ mở cửa, khu vực ăn uống xung quanh,, chỗ đậu xe…) để những người không có việc làm tham khảo.
Công việc “giả” cho gia đình “thật”
Hầu hết phụ huynh của những người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 đều sinh ra ở thập niên 50 và 60. Trong thời đại của họ, họ đã trải qua các giai đoạn thăng trầm của kinh tế, bị sa thải và thiếu an toàn. Đối với họ, sự ổn định là điều quan trọng nhất, còn thất nghiệp là một biến cố quá lớn.
Rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội Weibo rằng nếu họ không giả vờ đi làm, thì các bậc phụ huynh ở nhà sẽ vô cùng lo lắng. “Mình cứ ra ngoài mỗi ngày thôi thì mọi chuyện trong nhà sẽ yên bình” - một cư dân mạng nêu quan điểm.
Việc học tập với cường độ cao ở Trung Quốc đã không còn lạ điều xa lạ với thế giới. |
Ngoài việc để cho gia đình an lòng, một số người vì bị áp lực quá lớn do quan niệm của người lớn. Họ cảm thấy thất nghiệp là một việc vô cùng tủi hổ. Đa số những người bình luận trong cuộc thảo luận trên Weibo đều nói rằng bản thân sẽ cảm thấy rất tội lỗi nếu không đi làm. Đặc biệt, đối với những người nữ, nếu không có công việc thì sẽ phải đối mặt với chuyện bị giục lấy chồng.
Dừng lại không phải là bỏ cuộc
Không nguồn thu nhập, hằng ngày vẫn phải ra ngoài, những người này đang phải cố gắng tiết kiệm hơn bao giờ hết. “Có ngày tôi chỉ ăn một ổ bánh mì, lỡ tay trả thêm 3 hoặc 6 NDT (10.000 - 20.000 đồng) trên xe buýt cũng khiến tôi rất đau khổ.” - một người thất nghiệp chia sẻ về cuộc sống giả đi làm của mình.
Tuy nhiên, những ngày mơ hồ trong thư viện cũng giúp cho một số người thoát khỏi tình trạng căng thẳng của cuộc sống đi làm liên tục không ngừng nghỉ. Họ đã có thời gian dừng lại, suy ngẫm về bản thân, tìm lại chính mình sau một thời gian dài loay hoay với guồng quay cuộc đời.
Thời gian thất nghiệp giúp nhiều bạn trẻ ngộ ra được nhiều điều - Ảnh minh họa |
Ngược lại với trạng thái đó của người trẻ, những người lớn tuổi tại đất nước tỷ dân này luôn nhắc nhở thế hệ sau phải làm việc chăm chỉ, không nên dừng lại nghỉ ngơi.
Nhận định về hiện tượng này, Zheng Zuoyu, giáo sư Khoa Xã hội học của Đại học Nam Kinh đưa ra quan điểm: “Đất nước của chúng ta chỉ mất 40 năm để hoàn thành mục tiêu phát triển mà các nước khác phải mất đến 200 năm. Quá trình này dẫn đến sự khác biệt rõ rệt trong quan niệm ngày càng chồng chất giữa của các thế hệ”.
Trong con mắt của thế hệ trước, 30 tuổi là độ tuổi phấn đấu. Nhưng hiện nay, nhiều người khi bước qua tuổi 30 vẫn còn đang hoang mang, chưa tìm được phương hướng phấn đấu thực sự phù hợp với mình. Thế hệ này đang hoàn toàn tách biệt với hình ảnh làm việc chăm chỉ đầy lý tưởng mà thế hệ trước đề ra.
Giả vờ đi làm để tránh xung đột giữa các thế hệ. |
Người trẻ sử dụng thời gian giả vờ đi làm để khám phá hướng đi trong tương lai, đó cũng là nỗ lực mạnh mẽ của họ để phá vỡ sự bối rối của bản thân với niềm tin “màn trình diễn” giả vờ kia cũng có ngày kết thúc. Đó là khi họ có đủ dũng khí để đối mặt với cuộc sống một lần nữa.