Vụ "MC truyền hình bị tố bạo hành em vợ": Hãy tỉnh táo trước cơn bão "auto chửi"

Vụ "MC truyền hình bị tố bạo hành em vợ": Hãy tỉnh táo trước cơn bão "auto chửi"
HHT - Sự việc "MC truyền hình bị tố bạo hành em vợ" đang là sự việc thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, có những người ngoài cuộc đã bất đắc dĩ phải gánh chịu sự bất bình của cư dân mạng thay nhân vật chính.

Sự việc một nữ sinh 15 tuổi tố cáo bị anh rể là MC đài truyền hình thường xuyên đánh đập, chửi rủa suốt nhiều năm đang dấy lên một làn sóng bất bình mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Hiện tại, các hashtag #STANDWITHD., #iamwithyou được chia sẻ rộng rãi trên các trang fanpage lớn, Facebook cá nhân và thậm chí là mạng xã hội ít phổ biến ở Việt Nam như Twitter. Số đông đang muốn bảo vệ quyền lợi cho T.D bằng cách đưa câu chuyện này đến với nhiều người và cả các tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế.

"Nhân vật chính" khóa Facebook, người ngoài cuộc "chịu trận"

Cụ thể hơn, một biên tập viên đài truyền hình khác trùng tên với nam MC đang bị "khủng bố" Facebook bằng rất nhiều lời lẽ mắng nhiếc thậm tệ. Một số người đã tưởng nhầm biên tập viên này là "nhân vật chính" được nhắc đến trong sự việc bạo hành, nên anh đã bất đắc dĩ phải hứng chịu cơn bão "auto chửi". 

Sự cố chửi nhầm khiến người ngoài cuộc bất đắc dĩ chịu hậu quả.

FB P.B bình luận: "Đúng là khổ thân anh kia, vừa trùng tên, trùng nghề nghiệp lại còn đeo kính. Mình hiểu các bạn muốn bảo vệ em D., mình cũng thế, nhưng hành động như thế này thật sự không hay khi mọi người chỉ biết nháo nhào chửi mắng".

Bạn N.M.T chia sẻ thêm: "Thấy một người quen của em này (T.D) vào kể chuyện của em khi ở nhà với gia đình và các cháu, nhưng bị mọi người hung hăng mắng mỏ như đồng lõa, mệt mỏi quá nên xóa comment luôn. Không thích!!".

Giữ mình tỉnh táo khi trở thành "người bảo vệ công lý"

Có thể bạn không nhận ra, khi người khác "lao" vào chửi mắng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho chính người tố cáo, dù ít dù nhiều. Công cuộc đi tìm quyền lợi cho T.D còn rất dài, hiện vẫn chưa ai cung cấp được những bằng chứng xác thực nhất để đưa vụ việc ra pháp luật. Khi bạn bình luận bằng những lời lẽ xúc phạm tới người quen của bạn ấy và thậm chí là người "lạ" như một biên tập viên trùng tên, vô hình sẽ khiến những người đang đứng giữa luồng ý kiến đa chiều trở nên khó chịu, thậm chí có suy nghĩ tiêu cực về vụ việc. 

Thay vì buông lời không hay, hãy suy nghĩ xem bạn cần phải làm gì khi muốn đưa mọi việc ra ánh sáng. Nếu câu chuyện của T.D khiến nhiều người nghi ngờ, chúng ta có thể sử dụng các hashtag ủng hộ T.D hay chia sẻ những bài đăng có đầy đủ thông tin sự việc, đầy đủ tính xác thực từ những nguồn tin được kiểm chứng, từ những người có thẩm quyền và đáng tin cậy cung cấp. Hoặc bạn cũng có thể "hâm nóng" bằng các bình luận động viên, tin tưởng cùng một loạt hashtag bảo vệ cô bạn sẽ khiến không ai có thể làm ngơ trước một vụ việc thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng. 

Khi lựa chọn đứng về phía nạn nhân và sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của họ thì cần phải thật bình tĩnh để giữ mình khỏi cơn bão "auto chửi" vì điều này hoàn toàn có thể đem đến nhiều suy nghĩ tiêu cực về sự việc cho những người chưa hiểu rõ câu chuyện. Chưa kể, trước khi đứng ra làm "người bảo vệ công lý", nếu không đủ tỉnh táo, bạn cũng dễ bị biến thành "nạn nhân" của những kẻ lợi dụng sự việc này nhằm câu like, trục lợi cá nhân.

CẬP NHẬT: Mới đây, T.D đã có những chia sẻ trên Facebook cá nhân mới được lập kèm theo đoạn livestream, theo như T.D chia sẻ, hiện tại Facebook cũ của cô bạn đã bị hack và đây cũng là lần cuối cùng cô bạn chia sẻ về vụ việc đang gây xôn xao dư luận này. Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm