Nhập môn dành cho “nhà khởi nghiệp” cây cối
Ý tưởng thực hiện một khu vườn nho nhỏ trong nhà sẽ chẳng hề dễ dàng chút nào khi bạn vẫn băn khoăn mãi về những vấn đề như không gian, cách chăm sóc hay “quỹ xanh” để “lên đồ” cho nhà của cây. Hãy thực hiện mọi thứ chậm rãi, khu vườn này cần được chăm sóc dài lâu nên chúng mình có thể từng bước bổ sung kiến thức, số lượng cây và thay đổi không gian. Nhưng trước hết, bạn cần biết điều gì để vườn xanh không sớm chết yểu nhỉ?
Không phải loài cây nào cũng hoạt động theo công thức: hấp thụ CO2 vào ban ngày, hấp thụ oxy vào ban đêm như chúng mình vẫn nghĩ đâu! Có rất nhiều loài mang tác dụng lọc không khí, hấp thụ các chất độc hại và cung cấp oxy như cây lưỡi hổ, cây ý lan, cây trầu không, cây cỏ nhện.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn cây trồng trong nhà, chúng mình phải đảm bảo rằng giống cây có thể thích nghi với điều kiện sống ít ánh nắng, đất trồng cây luôn được thông thoáng vì diện tích đất trồng trong nhà rất nhỏ, dễ bị đọng nước gây úng rễ. Đó là lý do chậu đất nung terracotta được nhiều bạn lựa chọn vì giá thành rẻ (khoảng 35-70K/chậu), dễ trang trí mà lại có khả năng hút nước tốt. Buổi sáng là thời gian tốt nhất để tưới cây trồng trong nhà, nhưng chỉ cung cấp một lượng nước vừa phải thôi nhé!
Nếu cảm thấy việc trồng cây bằng đất khá khó khăn, vậy hãy thử thay đổi với loài cây thủy sinh - cây trồng trên nước. Chúng thường không được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên sẽ chậm lớn, nhưng bạn có thể giữ cây lâu hơn so với trồng trong đất. Bạn Thu An (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Trồng cây thủy sinh không hề khó chút nào, mình chọn những cây cảnh dễ sống như cỏ nhện, cây kim tiền. Cây nên được trồng trong bình thủy tinh vì bình sắt, thép có thể sẽ phản ứng với phân bón và tạo ra các chất có hại”.
Cây thủy sinh và cây địa sinh đều sử dụng những “thức ăn” khác nhau, nhưng chủ yếu là Kali, Photpho và Nitơ. Dù bạn “dị ứng” với hóa học thì cũng đừng lo, trên thị trường có rất nhiều gói phân bón trộn sẵn nên teen chỉ cần làm theo hướng dẫn là được nè!
Diện tích nhỏ khó tạo nên vườn xinh?
Nếu vẫn giữ suy nghĩ này thì bạn chưa khám phá ra các xu hướng trang trí vườn cây trong nhà rồi đó! Không chỉ giúp bảo vệ môi trường bằng cách tận dụng kho đồ dùng cũ, thành phẩm xinh xắn sẽ khiến chúng mình cảm thấy thư giãn và thoải mái khi nhìn vào thế giới xanh “handmade”.
Vườn bậc thang: Tất cả những gì bạn cần là thang đứng cũ và dụng cụ để làm tấm đỡ, vì chậu cây sẽ được đặt lên từng ngăn hệt như một chiếc giá đỡ cây cỏ. Thang đứng này có thể chứa khoảng 7-8 bồn cây, bạn cũng có thể treo các chậu hoa lên những vị trí còn trống.
Vườn thần tiên: Lý do của tên gọi này là vì cả khu vườn sẽ được thu bé lại vừa bằng... một chậu cây. Chủ yếu dùng cho mục đích trang trí, bạn hãy lựa chọn những giống cây có thể tồn tại dưới diện tích nhỏ, sau đó tận dụng các vật dụng nhỏ xinh khác để làm đẹp khu vườn này. Để thực hiện điều này, trước hết teen phải là một người khéo tay đã nhé!
Vườn ô vuông: Chỉ với một chậu đất hình chữ nhật theo tỷ lệ 4:8, bạn có thể chia thành nhiều ô vuông khác nhau, gieo trồng nhiều giống cây khác nhau. Phương pháp này vô cùng phổ biến với teen quốc tế luôn, chúng mình sẽ tạo nên một khu vườn nên đa dạng, tiết kiệm diện tích và chi phí (cả nhà cây đều dùng chung nguồn phân bón, nước, đất đó!). Tuy nhiên bạn cũng cần tránh một số “cặp oan gia”, chẳng hạn như cây này chiếm diện tích phát triển, trong khi cây kia lại dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.
Vườn thẳng đứng: Bên cạnh xu hướng vườn treo xinh xắn, vườn thẳng đứng cũng được yêu thích vì chiều cao của phòng lúc nào cũng nhiều hơn chiều rộng. Bạn cần một kệ đỡ có chiều cao phù hợp và các mắc vòng để đỡ chậu cây cảnh. Nghe hơi phức tạp đúng không, hãy thử ghé qua nhà của chị Angleia Marie - một “chuyên gia” trồng cây cảnh theo hướng thẳng đứng đấy!
Vườn “kép”: Ý tưởng trồng cây hai trong một, thậm chí là N trong một, tại sao chúng mình không thử “nghịch” chút nhỉ? Giống như tên gọi, vườn cây này gồm hai hoặc nhiều chậu cây xếp chồng lên nhau và tận dụng diện tích chênh lệch giữa các chậu để trồng cây. Bạn thỏa sức sáng tạo, phối hợp màu sắc, hình dáng để tạo nên một ngôi nhà cao tầng xinh xắn cho cây cối của mình.
Lựa chọn thế giới xanh hoàn hảo
Không khí thành phố ô nhiễm ở mức báo động, nhưng bạn có thể chỉ cần mở cửa nhà là cảm nhận được luồng không khí xanh mát. Theo NASA, những loài cây thích nghi tốt nhất khi trồng trong nhà là cây lưỡi hổ, hoa đồng tiền, cọ lá tre, cây phú quý, cây si, trầu bà vàng, lan ý, lô hội... Chúng rất dễ trồng và có khả năng hấp thụ các chất gây ung thư, bệnh về da.
Nếu muốn khu vườn trở nên rực rỡ và tràn ngập màu sắc mùa Thu - Đông sắp tới, bạn có thể cùng chúng tớ chăm sóc hoa hải đường, hoa pansy, hoa dành dành, hoa thủy tiên... Tất cả đều có đặc điểm chung là có thể chịu được nhiệt độ thấp, không khí ẩm ướt nên sức sống cũng bền lâu lắm đấy nhé!
“Khởi nghiệp” một khu vườn nhỏ xinh trong nhà không hề khó chút nào, dù những bước đầu tiên có thể khiến teen mình chán nản vì thiếu kỹ năng chăm sóc cây, “hoa” hậu đậu phá hỏng chậu cây... Nếu bạn cần “nạp” thêm kiến thức về cây và dụng cụ trồng cây, hãy ghé qua một số website của tín đồ cây xanh như goodhousekeeping.com, noth.garden, youhadmeatgardening.com nhé!