Tất nhiên là tôi phấn khích. Hoa Học Trò (HHT) là cột mốc lịch sử. Nó công nhận sự tồn tại của những tâm hồn học trò đang ở biên giới phức tạp của sự trưởng thành. Nhưng với tôi, nó còn là lời cáo phó với những tờ bích báo.
Không biết từ thời nào, bích báo đã trở thành niềm vui và nỗi ám ảnh của bao lứa học trò. Trên một tấm bìa rộng bằng nửa cái chiếu, hàng chục bài thơ chen vai thích cánh. Mồng 8/3 tìm thơ yêu mẹ, 20/11 chép thơ ca ngợi thầy cô. Mỗi năm vài ba đận, mỗi lớp một tờ, làm xong treo kín hành lang. Đám học trò xúm xít, đọc thì ít, xem tờ nào trang trí sặc sỡ hơn thì nhiều, cãi nhau ỏm tỏi.
HHT ra đời đánh một đòn chí mạng vào văn hóa báo tường. Nhưng trước khi ngắc ngoải, nó còn kịp vụt sáng khi đám học trò noi gương tờ báo tự động sáng tác nhiều hơn. Nhiều đứa sau khi đăng báo tường thì gửi HHT. Tôi cũng vậy, thơ và truyện ngắn của tôi xuất hiện đều đặn từ những số đầu tiên. Tôi trở thành cây viết quen thuộc, đi giao lưu có nhiều bạn ra xin chữ ký. Mỗi tuần thầy chủ nhiệm khi đưa thư bạn hâm mộ gửi đều cằn nhằn: “Cứ thế này thì vào đại học thế nào được?”.
Lời như sấm truyền, tôi trượt ĐH. Điểm Toán và Anh khá cao, nhưng môn Văn chết như tử sĩ. Tôi đổ thừa thất bại này cho bộ sưu tầm các giải học sinh giỏi Văn suốt ba năm trung học và HHT, vì chúng khiến tôi nhìn một bài thơ theo trường phái sáng tạo thay vì phải viết đủ ý giống như trong bộ đề. Sau vụ đó, tôi chán Văn, bỏ sưu tầm sách văn học cổ điển, thắt ống dẫn thơ, và bắt đầu viết phóng sự.
Thế hệ tôi may mắn được vắt mình qua hai thời kỳ cũ - mới của đất nước. Vào đầu những năm 90, cánh cửa văn hoá đột ngột mở toang. Không như thế hệ trước, chúng tôi được nghe nhạc xem phim nước ngoài thoải mái. Chúng tôi được ăn mặc thời trang mà không bị ai cầm kéo cắt phăng ống quần. Điện thoại cá nhân như chiếc dù khiến chúng tôi lao vào bầu trời tự do không chút sợ hãi, bởi bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể kết nối với bạn bè. Và cho đến khi internet tràn vào thì tất cả như nổ tung. Tôi và bạn bè trở thành những con pháo sáng quay cuồng trong một thế giới thông tin cuốn đi như vũ bão.
Trong những năm tháng sống không phân biệt tối ngày ấy, tôi phụ trách phần âm nhạc của HHT. Tôi nhanh chóng biến nó từ một mẩu tin nhỏ xíu nép ở góc thành một chuyên mục dài tới 3-4 trang, chiếm trọn các phần in màu và đôi khi cả hai trang bìa. Khi ấy, chợ Hôm khai trương một trong những siêu thị đầu tiên của miền Bắc. Hoà theo dòng người tuôn chảy qua các dãy hàng sáng choang sạch sẽ, tôi đổi tên chuyên mục thành Siêu Thị Hi-fi, dựa theo thuật ngữ “high fidelity” trong công nghệ âm thanh.
Tôi nhớ một bác lớn tuổi trong báo lúc ấy đã phê bình là tại sao lại dùng từ tiếng Anh. Tất nhiên là tôi bỏ ngoài tai. Cuộc sống ngoài kia gấp gáp quá mức để tôi kịp suy nghĩ và trả lời. Lúc ấy, dòng chảy tôi đang ngụp lặn mỗi ngày cùng bạn bè không có chỗ cho những nội dung “kiểu HHT”: Những vần thơ mênh mang tuổi mới lớn, nhưng áng văn mông lung bỡ ngỡ, những tình cảm rung động đầu đời.
Điều tôi chứng kiến mỗi ngày là tình yêu cùng tất cả các cung bậc đau đớn và thăng hoa, là những đêm nhạc Rock tung trời, là sai lầm và vấp ngã đến thành thảm kịch, là khát khao phá vỡ định kiến và giá trị, là tinh thần dám cá cược tất cả, là sự liều mạng dám một mất một còn... Tất cả những điều đó tôi trút vào những trang âm nhạc.
Giữa cơ man nào là thơ văn của lứa tuổi ấp úng làm người, chuyên mục âm nhạc tách biệt hẳn ra bởi những bài hát có nội dung phá rào, những ban nhạc chống lại cả thế giới, những ca sĩ hát như “chiến sĩ” trên đấu trường cho tự do. Chuyên trang âm nhạc trở thành con đường hầm tôi cần mẫn đào, nối độc giả với cái thế giới liên tục bùng sáng như pháo hoa mà tôi đang sống.
Thế rồi một ngày, thư ký toà soạn lúc đó, đồng thời là anh trang ba Đoàn Công Lê Huy và anh Chánh Văn, gọi tôi ra và hỏi rất thẳng thắn: “Nếu giao tờ báo cho em, em làm được không?”
Không suy nghĩ, không đắn đo, thậm chí còn không hề kinh ngạc, tôi trả lời: “Tất nhiên là được”.
Và thế là tôi trở thành một trong những thư ký toà soạn trẻ nhất Việt Nam ở thời điểm đó. Tò te một sinh viên mới ra trường, lãnh đạo báo chắc có lẽ đã bàn cãi rất dữ để đưa tôi vào vị trí này. Thậm chí chức danh ấy không dám trao thẳng mà phải bồi thêm hai chữ “Trách nhiệm” trước “Thư ký tòa soạn”, như thể tạo ra một đường lùi.
Còn tôi lao vào thử thách mới như con thiêu thân. Để chuẩn bị cho số báo đầu tiên do mình biên tập, tôi có ba quyết định lớn: Thứ nhất là “ly hôn” với văn nghệ, đồng thời “kết hôn” với phóng sự, tin tức, giải trí và cảm thụ nghệ thuật. Thay vì đăng hàng chục bài thơ rồi để cho độc giả tự chiêm nghiệm, tôi đặt bài những chuyên gia âm nhạc, những quái kiệt hội hoạ, những nhà phê bình sắc sảo để họ phân tích và làm thăng hoa một khía cạnh nghệ thuật đến mức khó ai còn có thể viết thêm bất kỳ một bài nào nữa.
Nguyên tắc “khai thác cho đến triệt sản” ấy tôi áp dụng vào hầu hết các chuyên mục khác để HHT luôn là nguồn thông tin giàu có và sát với thực tế nhất. Ví dụ, hồi ấy đang thịnh chương trình MTV do Diễm Quỳnh và Anh Tuấn làm MC. Tôi yêu cầu phụ trách chuyên mục phải luôn có lời của bài hát ở vị trí số 1 mà hai MC sẽ giới thiệu trên ti vi cộng thêm bản dịch. Bạn đọc phải có cơ hội cầm tờ báo hát theo ca sĩ, buông báo xuống để suy ngẫm lời, tranh thủ luyện tiếng Anh, hoặc cắt ảnh ra dán lên tường. Có lần không tìm ra lời bài hát, tôi bắt Hoàng Mai trong đêm phải tua băng ghi lại lời. May mà cô gái này giỏi tiếng Anh nên làm được.
Quyết định thứ hai là thay đổi lại toàn bộ thiết kế của tờ báo. Khi ấy, HHT vẫn là một cuốn tạp chí kiểu chỉn chu, mỗi bài viết được ngay ngắn xếp vào từng trang, thêm cái hình minh hoạ ở góc là xong. Tôi thức trắng ba đêm liền, cặm cụi tìm hàng trăm mẫu họa tiết từ các tạp chí nước ngoài. Tôi cắt từng dấu chấm hỏi có kiểu dáng hay hay, từng đường diềm có đường cong lạ mắt. Để chuẩn bị cho số báo đầu tiên, tôi cắt dán các thiết kế lên giấy tỉ mỉ đến từng phông chữ, ảnh minh hoạ, màu đậm nhạt, từng cái dấu ngoặc phải làm thật to, từng cái đường kẻ phải làm tràn ra cả hai trang... Tôi đưa tập bản thảo như một tác phẩm thủ công ấy cho họa sĩ Quỳnh Mây. Chị gật đầu: “Làm được!”.
Và thế là số báo đầu tiên do tôi phụ trách ra đời khác đến mức có người kêu lên: “Mai ơi, em đã biến đêm thơ thành hội chợ”. Vẫn chỉ là in đen trắng, nhưng họa tiết tưng bừng, ảnh minh hoạ nghiêng ngả, phông chữ nhảy múa, các điểm nhấn được thổi phồng ngoại cỡ, đập thẳng vào mắt. Sau đó, tôi mang đến toà soạn hàng chục cuốn tạp chí nước ngoài để các biên tập viên tham khảo. Thậm chí, tôi yêu cầu khi nộp bài phải có ý tưởng bài này sẽ trình bày như thế nào cho đẹp. Chu trình đó cứ thế diễn ra cho đến khi các họa sĩ của báo nắm được tinh thần và cùng tham gia vào cuộc chơi tung hứng sáng tạo ấy.
Quyết định thứ ba là quản lý bằng sản phẩm. Trong ban HHT hồi đó, tôi nêu gương bằng cách không bao giờ đi làm... đúng giờ, dù nhà cách toà soạn chưa đầy trăm mét. Tôi là nhân viên mặc váy siêu ngắn, áo sát nách, nhuộm tóc vàng đầu tiên trong lịch sử toà soạn. Tôi cũng là nhân viên đầu tiên đi làm cả cuối tuần. Không khí tự do khiến căn phòng HHT lúc nào cũng đông vui đến tận tối mịt. Các bạn cộng tác viên đến đây chơi như đến một quán cà phê tụ tập thân thương. Có làm việc thâu đêm nhưng cũng có ăn uống linh đình. Có phê bình nhau chí chết nhưng cũng đầy sến đặc yêu thương.
Có lẽ điều khiến tôi tự hào nhất trong những năm tháng ấy không phải là việc mình đã bẻ lái tờ báo đi theo hướng hiện đại với số lượng xuất bản tăng vọt, mà là việc tạo ra một môi trường tự do để một nhóm các bạn trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết được làm việc hết mình, chơi hết mình, gắn bó hết mình với tờ báo. Có bao nhiêu cái tên cộng tác viên mà mỗi lần nhớ tới, tôi vẫn thấy tim mình vừa ấm lại, vừa rộn ràng: Gà Con, Chu Minh Vũ, Fan Fan, Mỹ Anh, Anh Tuấn, Thùy Anh, Hồ Hưng, Trang Sii, Kim Kim, Đức Long, Khủng Long Còi, Trọng Tài, Rệp Điện Tử, Thuỷ Ngân, Mây Biển, Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Chích Choè, Hương Ams, Tuấn Long... Bên cạnh họ là bao bạn bè đồng nghiệp, những người đã luôn khoan dung với sự khác người của tôi, đã luôn sát cánh cùng tôi qua bao trận chinh chiến: Anh Lê Huy, chị Phú Bình, anh Thanh Nam, anh Xuân An, Quỳnh Vân, Hoàng Anh Tú...
Có lần tôi được hỏi, nếu quay trở về làm nội dung thì HHT sẽ như thế nào?
Tôi vẫn luôn cho rằng sự thành công của HHT trong quá khứ là việc tờ báo đã bám chắc xã hội thực tế của các bạn trẻ. Khi nhận trách nhiệm thư ký toà, tôi chỉ khát khao được phản ảnh lại cuộc sống bùng nổ như pháo hoa ngoài kia, cuộc sống mà chính tôi đang sống. Không gì đẹp và hấp dẫn hơn thực tại. Vì thế, khi cần viết về ca sĩ Mỹ Linh, tôi không ca ngợi giọng hát của chị mà cùng nhiếp ảnh gia Hoài Linh đi theo chị suốt một ngày, chụp một series ảnh minh họa lại cụ thể những gì chị làm, từ ăn sáng, tập nhạc cho đến dỗ con.
Nhưng một nguyên tắc làm báo như thế chắc chắn sẽ thất bại khi giờ đây, ai cũng có thể là nhà báo. Cái đẹp của thực tại không còn cần báo chí để đến với công chúng. Chạy theo thực tế để phản ánh cuộc sống trần trụi đa dạng ngoài kia không còn là quyền năng của báo chí. Bất kỳ tờ báo nào còn đi theo hướng này sẽ thấy mình trở thành kẻ đi thu góp câu chuyện trên mạng xã hội và trở thành nguồn tin thứ cấp.
Hơn 20 năm trước, HHT chuyển mình từ một tạp chí văn thơ sang thể loại báo phóng sự, tin tức, giải trí và phân tích nghệ thuật. Con đường đó cũng là con đường của đa số báo chí Việt Nam. Cuộc chuyển mình lần thứ hai, nếu có, sẽ khiến một tờ báo bớt đi tính “báo” mà trở thành một kênh phân tích nghiên cứu.
Thế giới ngày nay không cần tin, mà cần tin minh bạch, Người đọc ngày nay đã bão hoà những câu chuyện riêng lẻ, nên họ cần một cái nhìn bao quát, tổng thể, khách quan, có chuyên sâu. Con người ngày nay đã bão hoà tự do ngôn luận trên không gian mạng, nên cái chúng ta cần là một tiếng nói nhân văn, tử tế và có trách nhiệm. Khi ai cũng có thể là nhà báo, thì nhà báo phải trở thành một chuyên gia nghiên cứu. Chỉ khi đó, độc giả mới trả tiền để đọc báo.
Dù HHT có đi theo con đường chông gai đó hay không, đó sẽ vẫn mãi là những năm tháng sống hiên ngang nhất của thời tuổi trẻ trong tôi. Nó khiến tôi tin rằng mình có thể làm việc không cần tiền, không cần khen ngợi, không cần ai hay biết; mình có thể sống bất cần, ngớ ngẩn và hết mình. Stay hungry, stay foolish - Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ (Steve Jobs).