Sự căng thẳng và áp lực này còn hơn sự căng thẳng đối với kì thi THPT Quốc gia. Các em muốn vào trường top đều phải có số điểm rất cao, đặc biệt là môn toán. Để giúp các em học sinh năm nay thi tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội có một kết quả tốt nhất PV đã có cuộc trò chuyện cùng thầy Nguyễn Bá Tuấn - Giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Thầy Nguyễn Bá Tuấn cho hay: “Để có một kết quả thi tốt. các em cần chuẩn bị tâm lí và sức khỏe tốt nhất cho kì thi, cần chuẩn bị đầy đủ mọi dụng cụ cũng như giấy tờ liên quan (việc này phụ huynh phải giúp các em, các em cũng rất dễ bị dao động tâm lí).
Thứ 2, khi đọc đề các em cần bình tĩnh và nên để cho mình 5 phút lướt qua đề trước khi đặt bút (việc này giúp các em ổn định tâm lí và tránh nhìn nhầm đề nếu quá vội vã làm bài).
Khi làm bài các em có thể chọn câu mà mình giải nhanh nhất và tự tin nhất (không nhất thiết phải giải từ câu 1 vì câu 1 thường là câu về rút gọn biểu thức, nếu nhầm các em dễ bị cuống)”.
Lỗi nào thí sinh hay mắc khi làm bài thi?
Thầy Nguyễn Bá Tuấn cũng cho biết thêm: “Một điều mà tất cả các em học sinh rất dễ mắc phải đó là đọc nhầm đề. Lỗi đó làm các em mất rất nhiều điểm cũng như thời gian dành cho nó là vô ích.
Khi đọc đề các em cần tóm lược ngay đề bài muốn hỏi gì (có nhiều khi học sinh cứ giải ra theo quán tính mà quên mất đề bài ngoài yêu cầu giải ra các dữ kiện thì cần phải thực hiện tiếp một yêu cầu nào đó).
Các em cũng chú ý chỉ dùng bút chì khi vẽ đường tròn nên cần chú ý và nếu chưa rõ thì hỏi lại các thầy cô ở trường hoặc các thầy cô trong phòng thi.
Với mỗi câu các em cần tạo cho mình phương pháp để kiểm tra đáp số. Đây là điều không kém phần quan trọng. Với một kì thi căng thẳng như kì thi vào 10 của sở Hà Nội thì việc các em sai sót dù chỉ một chút cũng có thể khiến các em không đạt được mục tiêu vào trường mong muốn).
Các em cũng lưu ý khi nháp bài cần phân rõ khu vực nháp từng câu để đến khi soát lại bài hoặc có những bài đang làm dở có thể quay lại làm ngay được theo hướng đã làm.
Một điều không thừa nữa đó là các em làm từ câu mình thấy dễ đến khó, câu nào chưa ra hướng hoặc đến giữa chừng thì bí hướng thì chuyển sang làm câu khác sau đó quay lại chứ không quá sa đà vào một câu đến lúc không kịp làm các câu khác mà mình có thể làm được.
Thầy Nguyễn Bá Tuấn - Giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Với các câu hỏi trong đề thí sinh nên làm thế nào?
Đối với bài 1: Thường là câu về rút gọn, tính giá trị biểu thức, tìm giá trị của x thỏa mãn một điều kiện cho trước… Việc đầu tiên mà không học sinh nào được quên đó là đặt điều kiện cho ẩn, các em có thể bị trừ điểm ngay lỗi đầu tiên này, nó còn ảnh hưởng tới các kết quả cho các ý sau của bài toán.
Đối với câu này các em sau khi tính ra đáp số nên dùng máy tính cầm tay để thử lại như sau: Em nhập biểu thức ban đầu vào máy sau đó trừ đi kết quả mình vừa tìm được (đây là các biểu thức còn chứa biến x) sau đó bấm phím CALC để thử một giá trị của x bất kì vào (không nên cho x giá trị đặc biệt) nếu kết quả cho giá trị bằng 0 thì ta có biểu thức đúng (ta nên thử tầm 2 - 3 giá trị của x bằng cách nhấn tiếp phím CALC).
Đối với bài 2: Thường là bài toán về giải toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình. Đây là câu hỏi mang tính liên hệ thực tiễn. Các em học sinh đã được luyện tập rất nhiều với dạng này.
Điều quan trọng là các em cần lập được phương trình, hệ phương trình một cách chính xác, sau đó giải ra đáp số thì phải có phương án loại nghiệm. Một lỗi các em có thể hay sai với câu này đó là việc quên đổi đơn vị khi tính toán, viết thiếu đơn vị (vì đây là các bài toán thực tiễn), giải sai nghiệm (vì thế khi giải ra nghiệm các em nên có cách thử lại nghiệm bằng phím CALC như thầy đã nói ở trên).
Đối với bài 3: Thường là một câu về giải hệ phương trình và một câu về các bài toán xoay quanh parabol và đường thẳng. Phần lớn các câu được đưa về phương trình bậc 2 và các điều kiện về nghiệm. Các em cần nắm vững hệ thức vi-et cũng như các dạng liên quan, các công thức tính độ dài cũng như diện tích một hình ( thường là tam giác hoặc tứ giác).
Một điều hết sức lưu ý là sau khi giải ra đáp số các em vẫn phải thử kiểm tra kết quả vì trong một số bước (có thể là quên tính denta lớn hơn 0 nhưng vẫn dùng hệ thức vi-et) các em có thể không làm chặt về điều kiện tương đương dẫn tới bị thừa nghiệm.
Đối với bài 4: (Câu hình học).
Đây là câu mang tính quyết định việc hơn thua điểm của các thí sinh. Bởi vì các câu trên các dạng là khá rõ ràng và gần như học sinh nào cũng được luyện một cách nhuần nhuyễn.
Câu hình thường gồm 4 ý (3 ý đầu mỗi ý 1 điểm và ý cuối 0,5 điểm). Bài này thường thiên về hỏi liên quan đến tứ giác nội tiếp, hệ thức lượng trong tam giác vuông. Hai ý đầu hầu hết các em có thể làm được nên điểm khác biệt sẽ là ở ý thứ 3. Sẽ có sự liên hệ các kiến thức ở đường tròn, hệ thức lượng trong tam giác vuông với kiến thức liên quan đến các yếu tố trong tam giác, tứ giác.
Các em nên xem lại các ý đã có được ở hai ý trên vì rất có thể nó là gợi ý cho cách làm của ý thứ 3 này. Đối với ý cuối (0,5 điểm) các em có thể đọc nó nếu chưa có hướng giải thì xem luôn vào bài 5 (bài cuối 0,5 điểm).
Đối với hai hai ý khó: Bài 5 và bài 4d tùy vào sở trường của mỗi học sinh chúng ta quyết định chọn bài nào để làm. Tuy nhiên, trước khi lao vào câu cuối các em nên dành thời gian soát lại những câu trên, rất có thể các em bị nhầm lẫn ở đâu đó và việc lao ngay vào 2 ý khó này khiến các em không còn thời gian soát lại bài và có khi các em cũng không giải thêm được ý nào.
Một điều rất quan trọng nữa đó là các em cần trình bày rõ ràng mạch lạc, khi làm ý nào đó có thể ghi rõ ra mình định làm gì. Các bước trình bày không được vắn tắt, bỏ bước. Các em có thể làm đúng nhưng vì bỏ bước hoặc lập luận chưa chặt ở bước nào đó thì có thể những lập luận sau sẽ không được tính.
Từ những chia sẻ trên thầy Nguyễn Bá Tuấn khuyên các em học sinh năm nay nên tạo cho mình thói quen sinh hoạt theo giờ giấc của kì thi để có trạng thái tốt nhất về sức khỏe và tinh thần trong mỗi buổi thi. Cần rà soát lại ở mỗi chuyên đề xem còn yếu dạng nào để có kế hoạch bổ sung. Cần tập luyện với các đề thi chuẩn cấu trúc và độ khó (tương đương các đề thi trước đó) và tập thói quen kiểm tra đáp số cũng như phân bổ thời gian làm bài.
Với học sinh có nguyện vọng thi chuyên cần lưu ý gì?
Do các em sẽ vẫn có bài thi chung nên những lưu ý ở trên vẫn hết sức cần thiết cho các em. Các em cũng nên tự rà soát kiến thức bản thân so với độ khó của đề chuyên (các em có thể tham khảo đề những năm trước) từ đó có sự phân bổ thời gian hợp lí khi ôn tập.
Các em cần nắm vững các dạng của bài thi chung để có kết quả cao nhất, sau đó ở mỗi chuyên đề ứng với đề thi chuyên cần các định mình mạnh phần nào yếu phần nào. Các em cần xác định rõ có thể mình không thể giải quyết hết các câu trong đề nhưng không nên bỏ hẳn một chuyên đề nào cả vì ở mỗi chuyên đề mình có thể vẫn làm được một số ý để có một phần điểm trong câu đó.
Các em lưu ý khi vào phòng thi phải hết sức bình tĩnh, tự tin, khẩn trương nhưng luôn cẩn thận trong đọc đề và làm bài. Các em nên dành một chút thời gian cho việc soát lại toàn bài cũng như xem lại số tờ, thông tin cần thiết…
Chúc các em có một tâm lí và sức khỏe tốt nhất cho kì thi. Chúc các em có một kết quả thật cao và được chọn vào trường mình mong muốn".