Câu chuyện về hành trình chữa bệnh của diễn viên Quốc Tuấn (sinh năm 1961) cho con trai Bôm (15 tuổi, sinh năm 2002) - không may bị mắc bệnh APERT (bệnh xương sớm cục bộ) ngay khi vừa chào đời - đã mang đến rất nhiều cảm xúc. 15 năm, anh Tuấn miệt mài đưa con trai đi nhiều nơi chữa trị, nhưng cũng 15 năm đó, anh Tuấn truyền cho Bôm một tình yêu âm nhạc, một sự tự tin và hồn nhiên. Để đến thời điểm này, khi mới chỉ học đàn piano vỏn vẹn hơn 1 năm, Bôm thi đỗ Nhạc viện Hà Nội, và từng ngày sống với niềm đam mê âm nhạc của mình.
Cả thế giới của Bôm là âm nhạc
Ngay từ khi còn bé, Bôm đã thể hiện sự yêu thích đặc biệt với những phím đàn. Anh Tuấn mua những chiếc đàn organ của Trung Quốc, loại đàn chỉ có mấy phím mà mỗi phím là một bản nhạc được cài sẵn. Bôm dùng bàn tay mà “khi ấy các ngón vẫn dính vào với nhau - lúc dùng ngón này, lúc lại lấy ngón kia để bấm phím” - anh Tuấn vừa nói vừa tả lại bàn tay bé nhỏ của Bôm khi ấy, chỉ cử động thôi cũng khó khăn.
Bôm cứ tự cặm cụi chơi với những chiếc đàn ấy, hỏng thì bố Tuấn lại mua chiếc đàn mới. Đàn từ bé, rồi to dần. Đến những chiếc đàn có phần nhạc đệm sẵn rồi, Bôm đã tự tin gõ nhịp theo, dù tay vẫn mổ cò.
Cách đây 3 năm, trước khi đi Úc phẫu thuật, Bôm có ngón tay bị chõe, không thể chơi đàn được. Sang Úc rồi, người ta mới ghép ngón tay ấy vào, cuộc phẫu thuật thành công, anh Tuấn mới bắt đầu nghĩ đến việc cho con học đàn nghiêm túc. Ban đầu mới là đàn organ, anh Tuấn mời riêng một thầy đến dạy. Học được 2 tháng, anh Tuấn nhận thấy niềm say mê nghiêm túc của Bôm với piano, bèn đặt vấn đề với người thầy dạy lúc bây giờ việc học chuyên nghiệp. Người thầy xin 1 tháng để cùng luyện tập với Bôm rồi trả lời.
“Khi thầy nói có. Anh đi tìm ngay một giáo trình thi vào Nhạc viện, rồi làm quen được với thầy của Bôm bây giờ. Tất cả chỉ trong 1 năm rồi đi thi. Như thế là chóng mặt luôn. Anh còn không nghĩ là như thế được. Tức là từ lúc tập đánh được hai tay, cho đến lúc đánh đàn cơ - tổng cộng chỉ khoảng 4 tháng. Rồi đánh được hai tay là anh hướng vào chuyên nghiệp, sau đấy đúng 1 năm. Vậy mà thi đỗ”. Anh Tuấn không giấu nổi vẻ tự hào.
Hành trình bố và con
Lớn lên quen với 4 bức tường bệnh viện, những cuộc phẫu thuật dài, những ngày nằm liệt giường với đủ thứ máy móc cắm vào người, và hơn hết là cái nhìn đau đáu xót xa của bố, Bôm hiểu hết những điều ấy, và tự tạo cho mình một nguồn năng lượng vui tươi, tích cực để bố Tuấn không phải lo lắng, đau xót thêm. Hành trình dài và vất vả này, bố Tuấn cùng Bôm đi được đến tận đây, cũng nhờ sự mạnh mẽ của Bôm cứ âm thầm truyền cho bố Tuấn.
Cả một chặng đường dài, cả hai bố con cứ kiên cường dìu nhau đi. Từng chút một, Bôm khá dần lên. Đã 10 cuộc đại phẫu trôi qua, mọi thứ mới ở mức là ổn, là xong những gì quan trọng nhất. Bôm vẫn còn những cuộc phẫu thuật quan trọng khác phía trước mắt mà theo anh Tuấn, là để “tinh chỉnh” lại thì mới gọi là thở phào.
Bôm luôn tự tin, vui vẻ, ai gặp Bôm cũng thích cậu chàng ngay từ lần đầu, và có thể ra bắt chuyện với Bôm ngay. Thế nhưng trước đây, không phải ai cũng giữ một thái độ hoàn toàn dễ chịu như hiện tại. Nhiều người chỉ trỏ, hoặc nhẹ hơn là… nhìn chằm chằm tò mò. Điều đó tạo nên cho anh Tuấn một phản xạ đặc biệt mỗi khi ra đường, ấy là tai lúc nào cũng vểnh lên, quan sát thật nhanh xem xung quanh có ánh mắt khiếm nhã nào không. Chẳng may Bôm thấy mà thắc mắc, thì anh lại có một cách chống chế rất vui. “Anh cứ bốc phét: Thứ nhất là mọi người thấy Bôm rất đẹp trai! Thứ hai là vì người ta thấy bố là diễn viên, là nghệ sĩ, người ta đoán là sau này Bôm có thể trở thành một nghệ sĩ giỏi. Thế nên, người ta nhìn là chuyện bình thường!”.
“Con mình như thế, mình phải chấp nhận số phận và chiến đấu chứ không thể mặc cảm. Bố mẹ mà còn mặc cảm thì người ngoài còn nói gì! Hãy cứ tự tin mà nói: Con tôi như thế đấy, nhưng tôi sẽ chữa cho nó khỏi!”. Anh Tuấn nói trìu mến.
WECHOICE TEAM