“Từ điển” về bệnh dại
Bệnh dại: Theo Bộ Y tế, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, gây ra những cái chết với triệu chứng rất đáng sợ. Bệnh do virus tác động vào hệ thần kinh, gây rối loạn thần kinh trung ương, dẫn đến điên dại và chết.
50.000: Là số ca tử vong do bệnh dại vào mỗi năm trên thế giới, riêng nước ta khoảng 70 - 90 ca.
Chó: Là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất với khoảng 97% số trường hợp.
Mùa Hè: chính là “thời điểm vàng” để dịch bệnh dại “bùng nổ” ở cả người và các “đại boss” nhà mình.
“Giải trừ” những hoang mang về việc tiêm phòng
Mặc dù những “con sen” chân chính đã tìm hiểu thông tin về cách bảo vệ cho “bé bi” nhà mình. Tuy nhiên, 500 anh em vẫn cần hiểu rõ hơn về vắc-xin và cách xử lý khi bị vật nuôi tấn công để đảm bảo an toàn cho chính bản thân nữa!
“Chó nhà mình đã được tiêm phòng bệnh dại, vậy khi chó cắn người ta thì họ không cần phải đi tiêm chích làm gì nữa đúng không?” - Hương Thảo (18 tuổi). Đây là một suy nghĩ sai lè lè rồi bạn nhé! Việc tiêm vắc-xin cho chó chỉ nhằm để cơ thể “tập trận” chống lại vi-rút gây bệnh, làm cho các chiến binh kháng thể trong em í mạnh hơn chứ không có chức năng chặn tiệt nguy cơ vi-rút “đột nhập” vào con người đâu! Vì thế bé cưng nhà mình vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây truyền sang cho người khi em í lỡ cắn bậy.
Người lớn thường có thói quen theo dõi tình trạng sức khoẻ của động vật (động vật dại thường chết trong vòng 10 ngày) ở nhà rồi mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Tuy nhiên, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM khuyến cáo: Không như nhiều bệnh khác, thời gian bệnh dại “ẩn nấp” thường kéo dài, trung bình 30 - 90 ngày sau khi bị chó dại cắn. Song cũng có những trường hợp sau mười mấy năm bệnh dại mới bùng phát, đến nỗi người bệnh cũng không nhớ bị nhiễm bệnh lúc nào. Hoặc đến khi người mắc bệnh dại chết đi rồi, động vật vẫn còn sống.
Thay vì thắc mắc có nên đi tiêm phòng dại không thì điều cần làm trước đó là phải xử lý kỹ và sớm ngay chỗ vết cắn làm giảm tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng nhiều lần, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát trùng như cồn, dung dịch I-ốt rồi đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại. “Chó nhà mình mới sinh nên “đổi tính”, hung hăng và cắn tất cả những ai đến gần nó. Từ lúc đó đến giờ, ẻm đã “phập” rất nhiều người. Từ vết sâu hoắc đến vết nhẹ như bị xước. Không lẽ tất cả đều phải đi tiêm phòng?” - Thu Trinh (Quận 6, TP.HCM)
Chó mới sinh thường trở nên “dữ dằn” hơn nhưng vẫn không có nghĩa là chó không có nguy cơ mắc bệnh dại. Vi-rút dại có thể truyền cho người qua các vết cắn, liếm vết thương hở… Teen thường tự trấn an mình và quên tính đến những trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra như bệnh dại “hoành hành” vào mùa Hè, bị nhiễm trùng vết thương trước khi biết là có nhiễm dại hay không… Cô Trang Đài (Bác sĩ Y học dự phòng) khuyên rằng trong bất kì trường hợp nào, teen cũng phải nên tiêm vắc xin phòng dại. Nếu vết thương gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, vai, tay) hoặc ở nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh (như đầu chi, bộ phận sinh dục) thì cần phải tiêm cả huyết thanh kháng dại (SAR) và vắc xin dại đó!
“Trên mạng lan truyền nhiều thông tin vắc xin ngừa dại gây ngộ độc, viêm não hoặc suy giảm IQ đối với người sử dụng. Vậy tớ có nên tiêm phòng nữa không hay để cơ thể tự “chiến đấu”, tăng miễn dịch như mọi người khuyên?” - Đăng Khôi (18 tuổi).
Nguyên nhân của lời đồn là do trước kia người ta vẫn còn sử dụng vắc-xin Fuenzalida với tỉ lệ gây ảnh hưởng đến não khoảng 1/5.000 - 1/10.000 người. Tuy nhiên, loại này đã bị ngưng sản xuất từ năm 2010.
Hiện nay, vắc xin phòng bệnh dại Verorab sản xuất tại Pháp (giá 140.000 - 150.000 đồng/ mũi, đắt gấp 10 lần loại vắc xin cũ) có độ an toàn rất cao và hầu như không gây ra biến chứng thần kinh. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo các nước sử dụng vắc xin phòng bệnh dại Verorab để giảm thiểu tối đa biến chứng.
Các bác sĩ luôn “nhắn nhỏ” bệnh nhân bất kì loại thuốc nào cũng có khả năng gây ra tác dụng phụ như sưng, ngứa, buồn nôn, sốc phản vệ… nhưng không phải là bị suy giảm IQ hay ảnh hưởng tới não như lời đồn. Song khả năng đó là rất thấp so với việc bạn tự ý bỏ tiêm ngừa, hay giải quyết vết cắn tại gia. Cần nhớ một khi đã lên cơn dại xác suất bộc phát là 100% tử vong và bệnh không có thuốc chữa. Vì thế thay vì đánh cược sức khoẻ của mình vào những lời đồn hãy khoác cho mình chiếc “áo giáp” để bảo vệ bản thân bạn nhé!
YAO YAO