Kết thân với những người bạn quan trọng
Nước ấm - người bạn thần kì
Đối với loại da nhạy cảm hoặc muốn làm sạch mặt nhẹ nhàng, chúng mình có thể dùng tẩy trang dạng nước hoặc gel để lau mặt và rửa thật sạch lại bằng nước ấm. Bạn cũng có thể dùng khăn mặt ngâm nước ấm (1/3 nước sôi + 2/3 nước thường) tầm 50 - 600C. Sau đó, vắt khô và lau sạch sau khi tẩy trang xong. Kết thúc bằng rửa lại với nước mát. Nên nhớ là sau mỗi lần dùng phải giặt khăn bằng tay với xà phòng rồi phơi khô đấy nhé!
Sữa rửa mặt là vũ khí tối thượng
Tùy theo từng loại sữa rửa mặt (SRM) mà nhà sản xuất sẽ có hướng dẫn sử dụng riêng. Nhưng đây chính là nguyên tắc chung mà chúng cần phải "nằm lòng": Rửa tay thật sạch trước khi rửa mặt, không để SRM trên da quá 2 phút, rửa mặt với động tác mát-xa xoay tròn từ dưới lên trên bằng lực nhẹ vừa đủ từ đầu ngón tay hoặc giữa ngón tay trở lên, rửa lại thật sạch bằng nước.
Nguyên tắc vàng: Số lần dùng SRM chỉ tối đa là 2 lần/ ngày thôi nhé! SRM sẽ giúp da sạch hơn nhưng nếu rửa quá nhiều da sẽ bị mài mòn và dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt với các bạn đang có các vấn đề như mụn, dị ứng, rối loạn tuyến bã nhờn... đó!
Trải nghiệm “phiên bản dùng thử”
Đừng xem thường, SRM và nước tẩy trang phải được dùng đúng theo loại da, tình trạng da và điều kiện khí hậu. Chính vì thế, việc trải nghiệm dùng thử sản phẩm trong một thời gian ngắn rất được khuyến khích. Bởi lẽ lúc ấy, bạn sẽ trực tiếp xem phản ứng trên da chứ không thể chỉ đơn giản “soi” bằng mắt để đánh giá.
Hãy ưu tiên những sản phẩm chiết xuất thiên nhiên, hữu cơ từ 70% trở lên thì càng tốt. Các thương hiệu từ bình dân đến “rủng rỉnh” có thể tham khảo như: Burt’s Bee, Avalon Organics, Sukin, Andalou, Lush, Trilogy, Botani... hay một vài thương hiệu thiên nhiên uy tín của "đội nhà" Việt Nam như Vietherb, Cỏ Mềm, Karose... Các hãng này đều nêu rõ thành phần trên trang web, có cả mục giải thích công dụng, nguồn gốc và thành phần thiên nhiên chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm. Ngoài ra, bên dưới cũng có phần "rì-viu" của khách hàng nữa!
Nguyên tắc “thép”: Chưa tra thành phần, không sử dụng. Lần đầu dùng, bạn hãy tìm mua phiên bản "dùng thử" mini size. Vì dù có thành phần “thần thánh” đến đâu hay được cộng đồng yêu thích nhường nào thì da của chính mình mới là thước đo chuẩn nhất!
"Đãi cát tìm vàng" cho làn da "chuẩn"
Cảm nhận kết cấu, làm sạch sâu
Đầu tiên, để đỡ rối, bạn hãy chọn các hãng sản xuất theo hướng lành tính với nguyên liệu tự nhiên. Sau đó, lọc ra các sản phẩm phù hợp. Thông thường về mặt lý thuyết, các sản phẩm có kết cấu dạng gel sẽ làm sạch dầu tốt hơn. Các kết cấu dạng kem, sữa sẽ dịu nhẹ và "hợp cạ" với da khô và nhạy cảm. Bạn có thể chọn kết cấu sản phẩm phù hợp với thời điểm dùng. Chẳng hạn như nếu da mặt rất bẩn và bóng dầu do vừa chơi thể thao, SRM dạng gel bảo đảm sẽ phù hợp cho mà xem!
Đọc thành phần, hiểu thêm làn da
Hãy nhớ hỏi "bác Gúc" từng thành phần của SRM và nước tẩy trang để biết hai "vị thần" lợi và hại. Nếu trong thành phần có quá nhiều các chất như cồn khô, chất bảo quản, các loại chất hoạt động bề mặt (surfactant) “nặng” thì dù da thuộc loại nào, SRM và nước tẩy trang ấy cũng phải bị cho vào "vòng loại trừ" ngay và luôn! Và dù kết cấu dạng nào thì cũng nên có các thành phần dưỡng ẩm, làm dịu da như aloe vera, chiết xuất mật ong, hoa cúc vì bất cứ loại da nào cũng cần được giữ ẩm hết nhé!
"Chuyên gia Hóa học" soi độ pH
Với sữa rửa mặt, độ pH thường dao động từ 5.0 đến 5.8 (chuẩn thường khoảng 5.5). Tất cả các loại có pH cao hay thấp hơn đều "bị loại", kể cả hãng “sang chảnh” hay công nghệ cao đến đâu. Bởi lẽ, những loại SRM có độ pH "thất thường" chỉ không gây hư da khi kết hợp dùng với các sản phẩm khác trong một chu trình dưỡng da toàn diện (điều hoàn toàn cấm kị và không được áp dụng đối với teen). Thông thường, các loại SRM tạo bọt đều có độ pH cao hơn 6.0, thậm chí lên đến 8.5. Càng tạo nhiều bọt và mang cảm giác “sạch kin kít” thì nguy cơ pH càng cao. Để nhận biết độ pH, bạn có thể xem trên nhãn sản phẩm hoặc mua thử bằng giấy quỳ tím.
KARI GÀ