Chi trả cho hơn 4,6 triệu HSSV
BHXH Việt Nam cho biết, diện bao phủ BHYT với nhóm HSSV đều tăng dần những năm học gần đây, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, đã có nhiều trường học trên cả nước đạt mục tiêu tất cả HSSV tham gia BHYT. Có được kết quả đó, một phần tới từ nhận thức của các bậc phụ huynh về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT với bảo vệ sức khoẻ con em mình và chia sẻ với cộng đồng.
Năm 2021, cả nước có hơn 2,4 triệu HSSV KCB BHYT, với gần 4,8 triệu lượt KCB, tổng số tiền quỹ BHYT chi trả là 1.981 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 2,2 triệu HSSV KCB BHYT, với trên 3,9 triệu lượt KCB, tổng tiền được quỹ BHYT chi trả gần 1.770 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp HSSV đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn. Tính cả năm 2021 và 8 tháng đầu năm nay, có 44 HSSV được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB trên 500 triệu đồng/em; quỹ BHYT chi từ 200-500 triệu đồng/em với 467 trường hợp; chi trả từ 100-200 triệu đồng/em với 1.293 trường hợp.
Có thể kể một số trường học HSSV được quỹ BHYT thanh toán số tiền điều trị bệnh lớn: Học sinh có mã thẻ HS48686217xxxxx ở Vĩnh Long, bị bệnh về tim vàmáu, tổng số tiền được quỹ BHYT thanh toán gần 1,2 tỷ đồng (gồm hơn 475 triệu đồng tiền thuốc, gần 215 triệu đồng tiền phẫu thuật, hơn 142 triệu đồng tiền xét nghiệm…); học sinh có mã thẻ HS47979369xxxxx ở TPHCM, bị nhiễm khuẩn, được quỹ BHYT thanh toán số tiền điều trị hơn 1,1 tỷ đồng (gồm tiền thuốc hơn 536 triệu đồng, tiền máu hơn 202 triệu đồng, tiền xét nghiệm hơn 107 triệu đồng…);
Trường hợp học sinh có mã thẻ HS47979379xxxxx ở TPHCM, bị bệnh về tim, được quỹ BHYT thanh toán 1,1 tỷ đồng chi phí điều trị (gồm tiền thuốc hơn 621 triệu đồng, tiền vật tư y tế hơn 153 triệu đồng…); học sinh có mã thẻ HS47575269xxxxx ở Đồng Nai, bị bệnh về máu, được BHYT thanh toán hơn 900 triệu đồng chi phí điều trị (gồm tiền thuốc hơn 459 triệu đồng, tiền vật tư y tế hơn 144 triệu đồng, tiền xét nghiệm hơn 133 triệu đồng…).
Quỹ BHYT chi trả một phần chi phí duy trì hệ thống y tế trường học để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh, sinh viên ngay tại trường. |
Phấn đấu tất cả HSSV có BHYT năm học mới
Những con số biết nói kể trên cho thấy, chính sách BHYT đã thể hiện được vai trò chia sẻ gánh nặng cho những học sinh không may mắc bệnh hiểm nghèo và sự chia sẻ của cộng đồng. Khi số tiền gia đình HSSV phải đóng BHYT chỉ hơn 500 nghìn đồng/năm (còn lại được nhà nước hỗ trợ 30%), nhưng khi không may tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo chi phí điều trị được BHYT thanh toán lên tới vài tỷ đồng. Với chi phí điều trị lớn, nếu không có BHYT thanh toán, chia sẻ, nhiều gia đình có thể đối mặt cảnh nghèo đói, hoặc không thể tiếp tục điều trị bệnh cho con em mình.
Đồng hành cùng các thế hệ HSSV nói riêng và người tham gia BHYT nói chung, trong nhiều năm qua, tấm thẻ BHYT đã được xem là “chiếc phao cứu sinh” không thể thiếu của mỗi người. BHYT không chỉ giúp người bệnh có điều kiện được sử dụng vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cao, đắt tiền để điều trị bệnh, còn giúp gia đình người bệnh giảm gánh nặng tài chính.
Năm học mới 2022-2023, trong bối cảnh dự báo còn tiềm ẩn nhiều dịch bệnh gây rủi ro tới sức khỏe con người, công tác chăm sóc sức khỏe cho HSSV thông qua chính sách BHYT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. BHXH Việt Nam cùng các cấp ngành, địa phương, trường học phấn đấu đạt mục tiêu tất cả HSSV tham gia và được thụ hưởng chính sách BHYT. Để đạt mục tiêu này, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới các địa phương. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của các trường, thầy cô giáo đặc biệt quan trọng trong thông tin, tuyên truyền, vận động phụ huynh và HSSV tham gia BHYT.
Năm học 2022 - 2023 này, mức đóng BHYT của HSSV không có sự thay đổi so với năm học trước, mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, HSSV tự đóng 70%). Cụ thể, với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng hiện hành, tổng tiền đóng BHYT với HSSV trong 12 tháng là 804.600 đồng. Trong đó, HSSV đóng là 563.220 đồng/năm (bằng 70%) mức đóng, phần còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ (bằng 30% mức đóng).