Trong tiếng Hàn Quốc, subak có nghĩa là quả dưa hấu. Một từ có vẻ bình thường thế này lại trở thành từ bị cấm.
Ít nhất là nó bị cấm dùng đối với các thành viên của Đảng Dân chủ của Hàn Quốc (DPK).
Ông Woo Sang-ho, lãnh đạo lâm thời của DPK, nói rằng ông sẽ không để yên nếu bất kỳ thành viên nào dùng từ subak để công kích người khác, vì theo ông thì việc chỉ trích cá nhân sẽ không giúp gì được cho lợi ích chung.
Theo ông Woo Sang-ho, nhiều người đã dùng từ “dưa hấu” để nói về người khác trên mạng xã hội, thậm chí còn đăng ảnh quả dưa hấu để chế nhạo, công kích người khác. Nên từ bây giờ, nếu các thành viên của DPK còn dùng từ đó nữa thì “sẽ phải chịu hậu quả”.
Ông Woo Sang-ho, người phản đối dùng từ "dưa hấu" để nói về người khác. Ảnh: Joint Press Corps. |
Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi là tại sao từ “dưa hấu” lại bị coi là xấu. Hóa ra là thế này: Quả dưa hấu nhìn bên ngoài và bên trong rất khác nhau, bên ngoài vỏ xanh sẫm như vậy nhưng bổ ra thì ruột lại đỏ rực. Bởi vậy, một số người ở Hàn Quốc, nhất là trong những bối cảnh quan trọng, đã dùng từ “dưa hấu” để chỉ những người ngoài mặt một kiểu nhưng trong lòng là kiểu khác, nghĩ một đằng thể hiện ra một nẻo, giả tạo… Từ đây, chữ “dưa hấu” được coi là nhạy cảm, có người nhìn thấy người khác đăng ảnh dưa hấu cũng nghĩ rằng họ mỉa mai, chế giễu mình…
Việc đăng ảnh dưa hấu lên mạng xã hội đôi khi cũng bị coi là có ẩn ý công kích người khác. Ảnh: GKH. |
Xếp những chuyện chính trị sang bên, nhiều netizen Hàn Quốc và cả các nước khác đã tỏ ra khá… buồn cười trước sự việc này vì tin là nếu không dùng từ “dưa hấu” thì người ta có thể dùng từ khác. Họ viết những bình luận như:
“Tội nghiệp quả dưa hấu, mùa Hè đi mua dưa hấu có sợ bị coi là công kích ai không?”.
“Tôi nghĩ việc này ít có tác dụng, vì người ta sẽ dùng một loại quả khác, ví dụ như quả dứa hay quả chuối, thì làm thế nào?”.
“Tôi ở Philippines, ở nước tôi, người ta dùng từ “quả khế” đấy”.