Ở chương trình hiện hành, học sinh phải học 17 môn và hoạt động giáo dục (tính cả môn tự chọn là 18). Thực tế, với số môn học nhiều như trên, cùng với kiến thức khá nặng đã khiến teen phải chịu không ít áp lực và phải “vật lộn” rất nhiều. Tuy vậy, ở chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích, cũng như định hướng ngành nghề của mình.
Bộ SGK lớp 10 mẫu mới thuộc bộ Cánh diều. Ảnh: TPO |
Cụ thể, teen sẽ phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Bên cạnh đó, teen được lựa chọn 5 môn khác nằm trong 3 nhóm môn (trong đó mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Ngoài các môn học bắt buộc và lựa chọn trên, chương trình có hai môn tự chọn là Ngoại ngữ 2 và Tiếng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, teen phải lựa chọn ba cụm chuyên đề sao cho phù hợp với nguyện vọng bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Cụ thể, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số cụm chuyên đề mang tính nâng cao, giúp tăng kỹ năng thực hành, xử lý tình huống cho teen.
Đây là điểm mới hoàn toàn so với hiện tại, với định hướng nghề nghiệp rất cao. Teen sẽ phần nào giảm bớt được “gánh nặng” học hành cũng như có nền tảng vững chắc để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.
Về thời lượng giáo dục, mỗi ngày teen sẽ chỉ học 1 buổi, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút, tương tự hiện nay. Tuy nhiên, chương trình mới cũng khuyến khích các trường dạy học 2 buổi/ ngày theo hướng dẫn của Bộ. Trong năm lớp 10, học sinh sẽ chỉ học 29 tiết mỗi tuần.