Chuyên gia hướng dẫn Gen Z cảnh giác để tránh bị lợi dụng thông tin cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Đại uý Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM nhận định, 20% các trường hợp bị lộ thông tin là do cơ quan, doanh nghiệp, nhưng đến 80% nguyên nhân đến từ cá nhân tự làm lộ chính thông tin mình.

Thời gian qua có nhiều phụ huynh nhận cuộc gọi của người tự xưng là giáo viên, thông báo con em mình bị tai nạn nhập viện, yêu cầu chuyển tiền gấp để điều trị, nhưng thực chất là lừa đảo. Nhiều phụ huynh nhẹ dạ cả tin và trong cơn hoảng hốt đã thiếu tỉnh táo, dẫn đến mất tiền.

Nhận thấy tình trạng này xảy ra càng nhiều, gây tác động xấu, sáng 17/3 tại trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM), Báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị tổ chức toạ đàm: Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học.

Chuyên gia hướng dẫn Gen Z cảnh giác để tránh bị lợi dụng thông tin cá nhân ảnh 1

Nhà báo Lý Thành Tâm - Trưởng cơ quan Đại diện báo Tiền Phong tại TP.HCM.

Mở đầu buổi trao đổi, nhà báo Lý Thành Tâm - Trưởng cơ quan Đại diện báo Tiền Phong tại TP.HCM chia sẻ, vấn đề lừa đảo bằng hình thức này dạo gần đây đã “phát tán” rộng, được các báo đài đưa tin nhưng vẫn xảy ra trường hợp đáng tiếc liên tục.

Chia sẻ tại tọa đàm, Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết: “Nhóm dễ bị “hiểu lầm” trong các vụ lừa đảo mạng này thường là các bạn Gen Z. Bởi đây là thế hệ tiên phong về chuyển đổi số, là những “hạt nhân” mà các đối tượng lừa đảo mạng lợi dụng đổ lỗi”.

Lợi dụng sự tiên tiến của công nghệ, những đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng lời nói, hình ảnh đã được biến đổi để mạo danh, giả dạng bác sĩ, giáo viên... khiến phụ huynh hoang mang. Đặc biệt, Đại úy Thịnh còn nhấn mạnh, 20% các trường hợp bị lộ thông tin cá nhân là do cơ quan, doanh nghiệp, nhưng đến 80% nguyên nhân đều đến từ việc cá nhân vô ý làm lộ chính thông tin của mình.

Chuyên gia hướng dẫn Gen Z cảnh giác để tránh bị lợi dụng thông tin cá nhân ảnh 2

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du nêu rõ những việc mà phụ huynh cần làm để không bị kẻ gian lừa đảo. Phụ huynh cần thường xuyên cập nhật thông tin từ nhà trường và báo đài để biết những chiêu trò của kẻ gian; giữ vững kênh liên lạc với nhà trường qua giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế của trường để kịp thời trao đổi. Trên hết, phụ huynh cần phải bình tĩnh trước mọi thông tin chưa được xác thực, không để nỗi sợ làm mình mất kiểm soát.

Sau trao đổi, bạn Nguyễn Tâm Như (lớp 11A13, trường THPT Nguyễn Du) đã đề xuất nhà trường nên tổ chức nhiều buổi tập huấn tuyên truyền, tọa đàm để cung cấp nhiều kiến thức thực tế và hữu ích như hôm nay.

Chuyên gia hướng dẫn Gen Z cảnh giác để tránh bị lợi dụng thông tin cá nhân ảnh 3

Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh.

Thực tế, việc để lộ thông tin cá nhân và tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng lại thường bắt đầu từ những hành động rất nhỏ. Theo Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, teen không nên chụp, gửi ảnh những giấy tờ quan trọng như CCCD, BHYT,... cho người khác; không đăng những bài viết có chứa nơi ở, tên trường, lớp của mình.

Nếu gặp vấn đề liên quan đến lừa đảo mạng, học sinh có thể báo cáo thông qua tổng đài 156 của Bộ Thông tin - Truyền thông để phản ánh và nhận hỗ trợ.

Chuyên gia hướng dẫn Gen Z cảnh giác để tránh bị lợi dụng thông tin cá nhân ảnh 7
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm