Có một Sài Gòn xưa trong Sài Gòn nay với rất nhiều điểm tương phản thú vị

Có một Sài Gòn xưa trong Sài Gòn nay với rất nhiều điểm tương phản thú vị
HHT - Sài Gòn là thành phố đang phát triển, nhưng đâu đó giữa “Bắp” Tower (tòa nhà Bitexco), Vietcombank Tower, những công trình lộng lẫy Vinhomes… thì vẫn còn thấp thoáng những ngôi nhà mái lá, mái tôn dựng sát mé kênh, tạo nên một sự tương phản đầy thú vị.

Dấu vết của ngày hôm qua

Đi dọc đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi vừa đi qua chiếc cầu nhỏ, một bên là chung cư san sát, một bên là những ngôi nhà được dựng bằng tôn, ám mùi gỉ sét. Phía sau dãy nhà là khu City Garden với những căn hộ cao cấp hay penthouse (căn hộ nằm trên tầng cao nhất của một tòa nhà) bạc tỷ, tạo nên sự tương phản rất thú vị. Các bạn trẻ khu vực lân cận hay đi ngang rồi “ngó lơ”, nhưng cũng có bạn dừng lại, ngắm nhìn nét cũ kỹ còn sót lại của Sài Gòn, selfie vài pô.

Có một Sài Gòn xưa trong Sài Gòn nay với rất nhiều điểm tương phản thú vị ảnh 1

Khu vực chợ Phùng Hưng (Q.5) cũng là một trong những góc nhỏ xưa cũ còn vương lại của Sài Gòn. Đứng trên khu chung cư nhìn xuống, hình ảnh những chiếc dù che nắng của các sạp lớn nhỏ lấp ló, như những cây nấm đầy màu sắc sau trận mưa rào. Nơi đây được ví như thế giới ăn vặt của quận 5. Bạn có thể dễ dàng tìm được những món ngon xuất sắc như: bánh tằm bì, gỏi cuốn, bánh khọt, khổ qua cà ớt, ốc, bún Thái... Những món ăn ở đây nhìn chung rất chất lượng với giá cả cũng khá dễ chịu chỉ từ 20K - 30K/ món mặn và 10K/ món ngọt. Ta nói, ngay cả cái chén cái dĩa cũng đậm màu cổ xưa. Nhớ đừng bỏ qua món khổ qua cà ớt, một đặc sản của người Hoa. Một phần khổ qua cà ớt gồm: khổ qua, ớt, đậu bắp, bông cải, chả cá, bò viên, trứng cút bọc chả cá hoà chung một tô nước lèo nóng hổi, ăn kèm mì gói hoặc bánh mì, chỉ 22K.

Nhắc đến Sài Gòn mà không nhắc cà phê là một thiếu sót quá luôn, nhưng phải thử cà phê ở chốn cũ nó mới đã. Hãy ghé thử Cheo Leo, đây là quán cà phê có từ năm 1938 ở khu Bàn Cờ (nằm sau trong con hẻm 109 Nguyễn Thiện Thuật, Q.3), đến nay vẫn là nơi lui tới của những ai thèm không khí Sài Gòn xưa. Thời kỳ đầu, Cheo Leo là một trong những quán cà phê nhạc nổi tiếng ở trung tâm, là nơi lui tới thường xuyên của học sinh mê văn nghệ của trường Petrus Ký (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày nay) hay trường Chu Văn An. Hãy thưởng thức một ly cà phê kho đặc sản của Sài Gòn xưa, hay món bạc sỉu “gia truyền”. Cách pha bạc sỉu ở đây rất đặc biệt, đó là phải đổ sữa trước, rồi đến cà phê nóng hổi, sau đó phải thêm một chút nước sôi. Không hiểu sao trình tự phải đúng vậy thì mới ngon. Đây là một trong những quán có món bạc sỉu ngon và đúng kiểu nhất Sài Gòn nhứt.

Có một Sài Gòn xưa trong Sài Gòn nay với rất nhiều điểm tương phản thú vị ảnh 2

Dạo quanh một vòng Sài Gòn, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp rất rất nhiều dấu vết của ngày hôm qua, như ngôi biệt thự hơn 100 năm tuổi nằm trên 3 con đường Lê Thị Gấm, Nguyễn Thái Bình, Phó Đức Chính (đang là bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM) và tìm hiểu về giai thoại Con ma nhà họ Hứa, hay khu chung cư 26 Lý Tự Trọng với chiếc thang máy dây lâu đời, hãy trải nghiệm!

Hôm qua vẫn còn trong hôm nay

Đã là dân Sài Gòn chắc chắn biết đến “tiếng tăm” của ông Dương Văn Ngộ - người viết thư tình xuyên thế kỷ. Khoảng 8-9 giờ sáng, ghé qua Bưu điện trung tâm Thành Phố, bạn sẽ thấy một ông lão tóc bạc phơ, ngồi nắn nót viết từng dòng chữ trên chiếc bàn nhỏ. Ông có thể dịch được tiếng Anh, tiếng Pháp.

Có một Sài Gòn xưa trong Sài Gòn nay với rất nhiều điểm tương phản thú vị ảnh 3

Bàn làm việc của ông treo toòng teng biển hiệu Nơi chỉ dẫn và viết giúp, trên bàn chất đầy giấy, bút mực, từ điển Anh - Pháp - Việt cùng nhiều sách địa lý về các vùng miền Việt Nam và các nước trên thế giới. Ông đã từng xuất hiện trên báo của Đức, Canada, Thụy Sĩ. Một đoàn làm phim của Hungary cũng đã từng đến quay phim về ông, một trong những nét thú vị của Sài Gòn. Trong mấy chục năm qua, hàng nghìn bức thư tình của những người yêu gửi cho nhau đã từ Bưu điện Trung tâm Sài Gòn chuyển đến tận tay người nhận ở Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ… qua nét chữ của ông. Những lá thư ông viết hộ đã đi khắp thế giới, “nối duyên” cho bao nhiêu mối tình và những người yêu xa.

Hoặc không cần đi đâu xa xôi để bắt gặp những con người Sài Gòn xưa, bởi vì ngay chính nơi bạn sống, những ông bà, cô chú đã từng trải qua những khoảnh khắc thăng trầm của Sài Gòn, cũng có khối câu chuyện thú vị. Gần nhà tớ, có bà lão hay được gọi là bà Tư “Sì Gòn” tuy khá lú lẫn quên trước nhớ sau nhưng lại không bao giờ quên những câu chuyện thời thanh xuân, bà kể răm rắp với chất giọng Sài Gòn ấm áp, lâu lâu lại thêm vài từ ngữ “cổ” mà tụi nhỏ cứ trố mắt nhìn nhau không hiểu. Bà khẽ cốc đầu chửi sa sả, “Mấy đứa âm binh!” (âm binh: nghịch ngợm, phá phách) rồi cũng kiên nhẫn giải thích cặn kẽ.

Có một Sài Gòn xưa trong Sài Gòn nay với rất nhiều điểm tương phản thú vị ảnh 4

Hôm nào mà tớ mặc quần tà lỏn ngồi rung đùi trước cửa nhà là bà lại chắp tay sau lưng, ngó ngó rồi chép miệng: “Chèn đét ơi, nay cà nhỗng hả bây, sao bây ngồi chàng hãng chê hê dạ, con gái con đứa!”. Tớ phải lật đật lôi cuốn từ điển tiếng Việt ra tra mới biết “cà nhỗng” là rảnh rỗi, không có việc gì làm, “chàng hãng chê hê” là ngồi banh chân… tới lúc gật gù cười hà hà ngước lên thì bà đã đi tới cuối xóm rồi. Nhờ nói chuyện với bà mà vốn từ của tớ nhiều vô kể. Lâu lâu đem ra “xảnh xẹ” với tụi bạn cho tụi nó lé mắt chơi.

Hôm nào bạn thử gợi chuyện ông bà mình hay cô chú hàng xóm nghen, đảm bảo rành “tám câu vọng cổ” chuyện Sài Gòn xưa luôn à nha!

TOTTOCHAN - Ảnh tổng hợp từ Internet

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Báo nước ngoài nêu 9 nơi có cảnh đẹp nhất ở Việt Nam, nhất định nên ghé thăm

Báo nước ngoài nêu 9 nơi có cảnh đẹp nhất ở Việt Nam, nhất định nên ghé thăm

HHT - Nước ta có rất nhiều danh lam thắng cảnh và thu hút ngày càng đông du khách quốc tế trong những năm gần đây. Khi mùa du lịch tới, báo nước ngoài đã lên danh sách những địa điểm có cảnh đẹp nhất ở Việt Nam, nên tới ít nhất một lần, đảm bảo có ảnh đẹp tuyệt vời không cần chỉnh sửa.