Cuộc sống là một món quà: Với tớ, Tết luôn là Nhất

Cuộc sống là một món quà: Với tớ, Tết luôn là Nhất
HHT - Chẳng hiểu ai đã phát minh ra từ “Tết nhất”. Tớ thì thấy Tết đúng là “nhất” thật. Tớ luôn luôn đón Tết siêu cổ điển, siêu truyền thống: Ở nhà, với “đại gia đình”. Vậy mà chưa bao giờ thấy chán!

Năm nào cũng vậy, qua rằm tháng Chạp là tớ rục rịch lau dọn nhà cửa và tranh thủ ngó nghiêng mớ bài tập Tết. Hồi nhỏ thì mẹ còn phải nhắc, sau này lớn hơn, tớ tự động làm và thấy thích, chỉ có điều mẹ hay mắng tớ làm chậm như rùa. Thực ra tớ vừa làm vừa nghĩ linh tinh dây cà ra dây muống nên mới lâu la vậy thôi (nhưng như thế thì mới giống Tết chứ, phải không?).

Cuộc sống là một món quà: Với tớ, Tết luôn là Nhất ảnh 1

Nghỉ Tết một cái, tớ tót về ngoại thành Hà Nội. Năm nào nhà tớ và nhà chú tớ cũng về đây ăn Tết với ông bà. Cả thảy mười người cơ mà, Tết tha hồ to!

Và ở nhà ông bà, Tết, luôn luôn bắt đầu bằng tiết mục gói bánh. Cho dù Tết bây giờ có đơn giản nhàn hạ hơn hồi xưa bao nhiêu, cho dù có thể bỏ bớt vô số món ăn rườm rà của Tết, thì nhà tớ luôn luôn có nồi bánh chưng, dù nhiều dù ít. Cả ông và bố tớ đều nói: “Không có nồi bánh chưng thì chẳng thấy không khí Tết gì hết!”.

Vậy là từ hồi nhỏ xíu tớ đã rất hâm mộ nồi bánh chưng, ước mơ lớn lao là được tự tay gói bánh - như ông, như bố. Có lần thấy tớ hăng hái hơi bị thái quá, bố tớ tỉnh bơ: “Năm nay không gói bánh nhé! Trên rừng… mất mùa lá dong!”. Con bé không biết bố đùa, mặt ngắn tũn ngơ ngác!

Cuộc sống là một món quà: Với tớ, Tết luôn là Nhất ảnh 2

Tớ đã xắn tay rửa lá dong từ hồi lớp Sáu. Đây là việc đầu tiên cần làm nếu muốn được sờ tay vào gói bánh. Phải đảm bảo rửa thật sạch, bởi lá dong sạch là điều kiện tối quan trọng để bánh chưng giữ được lâu. Nghe thì chẳng có gì nhưng đến khi ngâm tay trong nước lạnh buốt với cả trăm tàu lá, bạn sẽ thấy nó không hề đơn giản như đan rổ. Kì cọ nhẹ nhàng thì lá không thể sạch nhưng nếu mạnh tay thì lá rách như chơi!

Lá dong rửa xong phải tước sống lá. Nếu rửa lá đòi hỏi cẩn thận và kiên nhẫn thì tước lá đòi hỏi tỉ mỉ và trau chuốt. Tước quá sâu sẽ làm rách đôi tàu lá nhưng tước quá nông thì tàu lá cứng còn nguyên, khó gói. Cũng phải mất mấy năm với vô số tàu lá rách và kha khá vết đứt tay, tớ mới tước lá được ngon lành đẹp đẽ như bà nội vẫn làm.

Thêm một, hai năm “thực tập” với những cái bánh “tỉn” bé xinh, cuối cùng thì tớ cũng được gói những chiếc bánh to tử tế, mà là gói tay chứ không dùng khuôn, vì theo lời “chuyên gia” Bố: “Gói như thế, bánh mới chắc tay”. Xong xuôi, bánh xanh mướt xếp lớp lớp trong nồi và bắc bếp, nổi lửa. Chà, “núi” việc Tết nhẹ đi được quá nửa!

Cuộc sống là một món quà: Với tớ, Tết luôn là Nhất ảnh 3

Thế mà mẹ vẫn mắng tớ la cà rề rà, sao nhà chưa lau dọn xong, sao việc này việc kia chưa làm. Tớ dỗi, không nói gì với mẹ suốt mấy ngày. Tất nhiên là tớ sẽ làm tất cả những việc đó nhưng đây là Tết cơ mà? Tại sao cứ phải vội vàng? Tớ làm chậm bởi vì còn mải… vừa làm vừa nghĩ. Năm qua đã trôi đi như thế nào nhỉ? Có những chuyện gì đáng nhớ, những chuyện gì không vui? Tớ với cô bạn thân đã mấy phen giận nhau? “Hoàng tử trong mơ” bao nhiêu lần sượt qua trước mắt? Thế đấy, “Tết nhất” cơ mà!

Trong lúc đó, những “người đàn ông của gia đình” lo bày bàn thờ, trang trí nhà cửa với đào, quất, mai, lan, hải đường… và đủ thứ cây vừa được tặng vừa tự mua về chơi mấy ngày Tết. Đặt chậu lan ở góc này, xoay cây quất theo hướng kia, rồi ngắm nghía bình luận mãi không chán. Có năm, chú tớ hăng hái bê cây đến nỗi… sụm cả lưng. Năm khác, cây quất không được sum suê như ý, ông tớ rủ mấy đứa… buộc thêm quả. Cây quất lúc lỉu um tùm, được vài ngày thì quả rụng tơi bời. Năm khác nữa, vì thời tiết thất thường, những cây cảnh trổ hoa sớm hoặc muộn quá, Tết chỉ trơ trọi cành mà rằm tháng… Ba mới thấy hoa rực rỡ. Thế đấy, Tết là nhất!

Tối Ba mươi, mọi việc đã hòm hòm. Bánh chưng, canh măng, cá kho, giò xào, gà luộc… đều xong xuôi hết cả. Công cuộc bày biện ngắm nghía cũng tạm dừng. Nghĩ, thấy buồn cười cái nhà này. Ai, năm nào cũng kêu gào: “Làm ít đồ ăn thôi, bày biện vừa thôi để còn chơi Tết chứ!”, nhưng lúc nào cũng một đống thứ ê hề rất chi ư là… “Tết nhất”!

Cuộc sống là một món quà: Với tớ, Tết luôn là Nhất ảnh 4

Trước giao thừa một chút, ông nội diện thật bảnh rồi mấy ông cháu cùng lên đình làng. Khoảnh khắc giao thừa không có pháo bông, chỉ có những hồi trống chiêng trầm hùng và mùi hương trầm ấm. Trong lây phây mưa bụi, mấy ông cháu quay về xông đất cho cả nhà. “Không được bẻ lộc nhé!” - ông nhắc. Bọn tớ cười toe vâng dạ: “Cháu có bẻ lộc bao giờ đâu!”.

Bước qua cổng nhà, ông đi trước, chúc mừng rổn rảng. Bọn tớ theo sau, líu ríu chúc thọ ông bà và chúc bố mẹ, cô chú mạnh khỏe. Rồi lần lượt ông, bà, bố mẹ, cô chú tớ lì xì… Mâm cúng tổ tiên và thiên địa đã xong, cả nhà đem ra mở tiệc. Khui sâm-panh, cụng li tưng bừng rồi khề khà ăn tiệc. Tụi bạn tớ đi đón giao thừa với nhau, gọi điện loạn xị. Nhưng… kệ chứ! Trong đêm giao thừa, cảm giác bình an và ấm áp này của tớ không gì thay thế được.

Quà lì xì của mẹ là một gói. Sớm mùng Một, tớ mở ra, sững sờ thấy một chiếc áo dài màu hồng đào phai. Mẹ giục tớ thay áo rồi đi chùa với mẹ. Tớ cứ líu ríu chẳng nói được gì.

Thì ra, bên cạnh vô số những niềm vui “Tết nhất”, Tết còn dạy tớ mở lòng hơn nữa. Biết thương bà bao nhiêu năm đã cóng tay rửa lá dong. Biết hiểu cho mẹ lúc nào cũng tất bật vội vàng ba đầu sáu tay để lo chu toàn mọi việc. Và thêm yêu cái Tết đầm ấm, sum vầy với gia đình thân yêu mà không phải ai cũng có.

THẢO NGUYÊN - Ảnh tổng hợp từ Internet

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

HHT - Trong "Kì Công Diệu Nghệ", hai tác giả Đông Nguyễn và hoạ sĩ Kaovjets Ngujens giới thiệu 30 kĩ thuật và công nghệ nổi trội, cả du nhập lẫn tự sáng tạo, được ông cha ta ứng dụng vào đời sống trước thế kỉ XX. Trong đó, nổi bật nhất là các phát kiến quân sự và hàng hải - khiến người đọc tự hào trước những sáng tạo đáng điểm 10 của người Việt xưa.
Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

HHT - Kỳ nghỉ hè ngỡ như buồn tẻ và cô độc của Juan trở nên ngày một ly kỳ, thú vị, lôi cuốn hơn khi cậu bé nhận thấy những cuốn sách ở nhà bác không hề bình thường: Chúng lén lút tự di chuyển khi không ai để ý, chúng thay đổi và ăn trộm nội dung của nhau, chúng chỉ xuất hiện nếu muốn được đọc. Dường như chính những cuốn sách mới là chủ của thư viện.
"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

HHT - Những trang viết của nhà văn Đoàn Giỏi dẫn dắt người đọc vào những cuộc phiêu lưu, đến với những cánh rừng đước, đầm lầy, con nước Cửu Long, lắng nghe tiếng gọi hoang dã của muông thú, và đắm mình vào đời sống của những người dân Nam Bộ - những con người dung dị và đáng mến, nhưng cũng rất anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

HHT - Là cây bút quen thuộc với dòng sách kể chuyện về Sài Gòn xưa cũ mà hiện đại, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận trở lại với văn học thiếu nhi bằng hai quyển sách "Xóm thiên đường" và "Trang trại cuối rừng". Đây là hai tập truyện mở ra cánh cửa mời bạn đọc bước vào thế giới tuổi thơ ngộ nghĩnh, sống động và giàu tình yêu thương.
Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

HHT - Hai tập truyện tranh mới ra mắt trong bộ "Kí ức kiều bào" của hoạ sĩ người Pháp Clément Baloup đã hé lộ phần nào về đời sống xa xứ của các lính thợ, các chân đăng trong giai đoạn Thế chiến II. Bộ truyện tranh đã mở ra một phần lịch sử, qua kí ức của chính những người trong cuộc.