Đó là một buổi tối khó khăn với Cassie.
Tiệm ăn mà cô đang làm thêm hôm đó rất đông, và có một số nhóm khách rất lắm yêu cầu, khiến những người phục vụ bàn như cô liên tục phải chú ý và tốn nhiều thời gian.
À, và một lý do nữa: cô đang mệt. Mệt do đã đi làm liên tục hai tuần mà chưa có ngày nghỉ, trong khi buổi sáng vẫn phải đến lớp. Và kỳ thi thì đang đến gần.
Nhưng không một điều nào trong số đó làm nhạt đi nụ cười trên môi cô gái nhanh nhẹn, luôn nhiệt tình với công việc. Cassie vui vẻ hỏi chuyện những người khách quen trong khi đi từ bàn này sang bàn khác. Cô động viên những nhân viên nhà bếp khi cô vào lấy những đĩa pizza và mỳ Ý. Thậm chí, Cassie vẫn cười khi Beth – một cô đồng nghiệp bằng tuổi – chẳng may làm sánh cốc nước vào tạp dề của cô.
Vào một buổi tối mà Cassie có đủ các lý do để than phiền, thì cô vẫn là hình ảnh của sự bình tĩnh trong một tiệm ăn quá ồn ào. Kể cả khi một người khách quen lâu năm hỏi về tình trạng thất nghiệp của bố mẹ cô, cô cũng vẫn không tỏ ra tiêu cực.
"Bố mẹ tôi vẫn đang rất cố gắng " – Cô đáp bằng giọng tự tin – "Họ tuy hơi nhiều tuổi nhưng rất chăm chỉ, tôi nghĩ họ sẽ tìm được được việc gì đó sớm thôi".
Suốt cả ca làm việc, phong cách dễ chịu của Cassie không hề thay đổi. Từ những doanh nhân khó tính, những em bé gây rắc rối, một vài phụ nữ cáu kỉnh và những thanh niên ồn ào, tất cả đều được Cassie đón tiếp bằng sự chuyên nghiệp, vẻ mặt tươi cười và thái độ lịch sự.
"Tớ không biết làm sao mà cậu chịu được" – Beth nghiến răng nói khi một thực khách đã thay đổi những món mình đã gọi tới lần thứ ba – "Không chuyện gì khiến cậu bực mình à?".
"Có chứ, nhiều chuyện cũng khiến tớ bực" – Cassie nói và mỉm cười (tất nhiên, cô rất hay cười) – "Nhưng khi gia đình tớ gặp khó khăn, tớ đã học cách lựa chọn những điều mà tớ cho phép chọc giận tớ. Nếu không thì cả ngày, lúc nào tớ cũng khó chịu mất thôi".
Khoảng hai tiếng sau, Beth và Cassie cùng phục vụ bàn cuối cùng trước khi tiệm ăn đóng cửa. Lúc này, tiệm hầu như chẳng còn ai, nên mọi nhân viên đều có thể nghỉ ngơi hoặc làm chậm lại. Bàn cuối cùng đó là một nhóm khách rất vui vẻ nên hai cô phục vụ cũng trò chuyện và hỏi thăm họ. Gia đình đang ngồi ăn cũng có con đang học đại học nên họ rất có hứng thú hỏi chuyện Cassie, chúc cô học tốt, chúc cô thành công, và một lúc sau, họ chuẩn bị ra về. Sau khi họ trả tiền, Cassie đem phần tiền thừa lại cho họ nhưng họ bảo cô cứ giữ lấy.
"Với lại" – Người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình đó nói thêm và dúi vào tay cô thêm một cuộn tiền nhỏ - "Cháu hãy giữ cái này nữa".
Cassie do dự: "Thưa bác, bác không cần phải…".
"Bác biết" – Người phụ nữ đó vừa nói vừa ôm tạm biệt Cassie – "Và cháu cũng đâu cần phải đối xử rất tốt với những người khách cuối cùng của tiệm và ra về rất muộn như gia đình bác, phải không? Bác biết là gia đình bác hơi phiền, gọi món rồi đổi món liên tục. Nhưng cháu không một lần nhăn mặt hay nhún vai, mặc dù nhiều người phục vụ khác có thể sẽ làm thế. Cháu luôn mỉm cười và để ý đến từng yêu cầu của khách, bởi vì đó là việc cháu nên làm".
"Còn chút tiền này" – Bà ấy nói, đập nhẹ vào tay Cassie – "Đó là việc bác nên làm. Vậy là chúng ta hòa nhau".
Cassie cảm ơn những vị khách, nhưng cô không xem số tiền đó cho đến tận khi họ đã ra khỏi cửa (đó là phép lịch sự của người phục vụ). Khi cô mở ra xem, thì đó là 5 tờ 20 đôla, cộng với 20 đôla tiền thừa mà họ không lấy lại, thì tổng cộng là 120 đôla. Phản xạ đầu tiên của cô là chạy theo họ để nói rằng số tiền 120 đôla là quá nhiều – đặc biệt khi hóa đơn của họ chỉ chưa đầy 80 đôla. Nhưng cô nhớ đến lời của người phụ nữ lúc này: "Đó là việc bác nên làm".
"Đó cũng chính là việc tớ sẽ làm nếu tớ có tiền" – Cô kể với Beth – "Thực ra thì, một ngày nào đó, tớ SẼ làm như vậy".
Cassie tiếp tục công việc dọn dẹp trong tiệm ăn trước khi ra về. Dù mệt đến thế nào, và dù tối phải thức khuya đến đâu để học bài, thì cô vẫn phải làm đủ trách nhiệm ở tiệm ăn đã.
Bởi vì đó là việc mà một người phục vụ vẫn nên làm mà.