Để những học sinh không bao giờ bị đói

Để những học sinh không bao giờ bị đói
HHT - Một chiếc bánh nhỏ, một quả cam… đều có thể tạo nên tác động nhiều hơn bạn nghĩ - khi chúng được trao đi bằng cả tình yêu thương.

Đối với rất nhiều người trong số chúng ta, thì thật khó tưởng tượng ra cảnh một đứa trẻ, hay một người bạn, hàng ngày bị đói. Nhưng nếu bạn đã từng trải qua cảm giác đó, thì bạn sẽ biết nó mệt mỏi và đáng sợ đến thế nào.

Và mới đây, có một cô giáo chia sẻ một bức ảnh mà bạn có thể thấy ngạc nhiên: đó là cái chạn đựng thức ăn ở ngay trong lớp học cô dạy, để đảm bảo rằng học sinh của cô không bao giờ phải bị đói.

“Chúng tôi là giáo viên của con của các bạn. Tôi biết rằng thời gian tôi dành cho con bạn có khi còn nhiều hơn thời gian mà bạn dành cho con mình. Tôi không muốn học trò của tôi bị đói. Không phải vì khi bị đói thì chúng không học được, mà bởi vì tôi quan tâm đến chúng” - cô giáo viết lời gửi đến các phụ huynh - “Cảm giác bị đói thật đáng sợ”.

Cô giáo đó là Katherine Gibson Howton. Cô Howton dạy ở một trường trung học nhỏ, bang Oregon (Mỹ). Cô kể rằng 20% học sinh ở trường cô có điều kiện sống không đảm bảo và rất nhiều bạn “đủ tiêu chuẩn nghèo”.

Cô giáo Howton - người đã chia sẻ hình ảnh cái chạn thức ăn trong lớp, và nó trở thành hiện tượng “viral”.

“Hầu như mọi giáo viên trong trường đều có một cái chạn ngay trong lớp mình, với những “thức ăn khẩn cấp” cho học sinh bị đói. Cái chạn của tôi là do tôi cùng với một giáo viên khác - cô Julie Mack - lập nên. Có thể bạn không biết rằng hàng ngày, học sinh đều bước vào lớp của chúng tôi và nói với chúng tôi rằng chúng đói quá” - cô giải thích - “Nhiều em thì không bao giờ nói gì vì xấu hổ, và chúng tôi phải tự theo dõi khi thấy các em ấy mệt mỏi, cáu kỉnh, mất tập trung. Những giáo viên nhiều kinh nghiệm và nhiều yêu thương sẽ học cách hỏi học sinh xem là ở nhà em ấy có thức ăn không, và bữa ăn gần nhất của em ấy là lúc nào. Và những giáo viên thực sự nhiều kinh nghiệm luôn biết khi nào thì nên làm thêm một chiếc bánh mỳ, lấy một quả cam, làm một túi bỏng ngô hay một bát cháo yến mạch, đặt trước mặt một học sinh và bảo em ấy ăn đi”.

Howton kể với một trang tin: “Chúng tôi biết rằng một số học sinh cứ đến cuối tháng là nhà bị thiếu thức ăn. Ngay tuần này thôi, một học sinh trong lớp tôi cứ gục đầu lên bàn, nói là bị nhức đầu. Khi tôi hỏi em ấy có chuyện gì, em ấy đáp: “Em chưa ăn gì cả ngày nay”.

Howton đã đi hỏi các giáo viên khác, và hóa ra, các thầy cô khác cũng có những cái chạn tương tự trong lớp. Và cô hỏi họ: “Các cậu có thấy lạ lùng không, khi mà chúng ta không bao giờ nói về vấn đề này? Nếu chúng ta là giáo viên mà không nói, thì làm sao bố mẹ của học sinh biết được?”.

Chạn thức ăn trong lớp của cô Howton.

Vậy là cô Howton đã chia sẻ hình ảnh cái chạn đựng thức ăn lên Facebook, và hàng ngàn lời bình luận bắt đầu đổ về. Rất nhiều người cảm ơn cô vì cô là một người quá tốt bụng, và gần như tất cả các giáo viên đều thừa nhận rằng họ có thứ tương tự trong lớp mình: cái chạn hoặc một ngăn kéo luôn đựng những chiếc bánh ngũ cốc, yến mạch, đồ ăn nhẹ… Tất nhiên không phải là những món xa xỉ gì, bởi mức thu nhập của giáo viên cũng không cao. Khi cô Howton được đề nghị chia sẻ tên trường học nơi cô dạy, cô đáp: “Điều quan trọng không phải là tôi, lớp tôi, hay trường tôi - mà là vấn đề toàn cầu. Tôi đã từng nhìn thấy những giáo viên phụ hay những nhân viên khác trong trường làm việc này”.

Có một số ý kiến khác nói về các dự án của những nhà trường cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh, rằng: “Không có bằng chứng rõ ràng, rằng việc thêm một bữa ăn sẽ có kết quả gì tốt hơn, sẽ giúp học sinh học tốt hơn ở trường, rồi sau này có được những công việc tốt hơn”.

Nhưng những người như cô Howton có cách suy nghĩ khác - cách khiến tất cả chúng ta cũng phải suy nghĩ: Học sinh không phải là những con số thống kê, cần phải chứng minh rằng mình có thể “làm được việc” trước khi nhà trường quyết định rằng có cung cấp thức ăn hay không. Các thầy cô giáo không coi học sinh là những người cần chứng tỏ điều gì đó để kiếm được bữa ăn. Các thầy cô chỉ coi học sinh là những con người đang sống, đang hít thở, cần được quan tâm mà thôi.

Và khi kết luận lại tất cả những điều này, cô Howton nói: “Chúng tôi cố gắng tạo ra một “chiếc lưới an toàn vô hình” cho học sinh của mình, không phải là để các em ấy phải làm được gì to tát, mà chỉ vì chúng tôi yêu thương các em ấy”.

Chẳng phải đó là nền tảng của tất cả mọi điều tốt lành trên thế giới hay sao? Chính là lòng yêu thương vô điều kiện ấy.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
HHT - Có một điều thú vị ở nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà những người yêu viết láchcó thể học hỏi, chính là việc ông rất chăm viết nhật ký. Bằng việc suy tư và chăm ghi chép lại những điều diễn ra xung quanh mình, Nguyễn Huy Tưởng dần tìm ra những quan niệm về nhân sinh, để đưa vào các tác phẩm do ông sáng tác. 

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

HHT - Ba Bánh Cam mất sớm, má nó làm các loại bánh bột chiên, bỏ mối cho những người bán dạo. Có lần, Bánh Cam xách theo bọc bánh, mời bạn bè trong lớp. Mọi người xúm vô ăn. Mấy chục bánh nóng hổi hết sạch. Tới lúc đó, Bánh Cam mới dõng dạc: “Mỗi cái bánh 500 đồng. Trả tiền cho tui nha!”. Tụi bạn chưng hửng ngó nhau.
Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.