Đi để trở về
Tôi rất đồng ý với quan điểm của VJ Thùy Minh: “Nếu không có ngữ cảnh đi, sẽ không bao giờ tồn tại chữ về”. Nếu không dốc hết mình trong những chuyến đi, khiến thân xác trở nên mệt nhừ, đủ để thấy nhớ những quan tâm xưa cũ, khiến tâm hồn trở nên rộng lớn, đủ để thấy rõ những điều bé nhỏ thường khi, thì trở về còn gì là ý nghĩa của nó. Nếu không cho phép bản thân một lần được khác đi, được nếm thử những thứ mới mẻ ở những nơi xa lạ, thì làm sao có thể nhận ra cái-tình-cái-ngon thân thuộc kề cận.
“Càng đi xa, ta càng thêm nhớ nhà…” Đi Để Trở Về - Soobin Hoàng Sơn.
Nếu những chuyến đi khiến bạn muốn quay về nhà sau đó, thì tâm hồn bạn đã đủ thấu cảm để nhận ra một điều: Đi là để trở về. Như lời chia sẻ của nhà văn Phan Ý Yên: “Đi thật xa để trở về... Đó chẳng phải là ý nghĩa thực sự của những chuyến đi hay sao? Đi thật xa để thấy biết ơn rằng mình vẫn luôn có một nơi để gọi là nhà. Đi thật xa để biết mình là một đứa trẻ may mắn vì có người chờ đợi quay về. Lúc 18 tuổi, Yên chỉ nghĩ, cứ đi được cái đã, cứ càng xa nhà càng tốt, càng thấy được tự do không trói buộc. Rất nhiều năm tháng tuổi trẻ chỉ sẵn sàng đi, mà quên mất rằng trở về sau những chuyến đi mới là điều trọn vẹn nhất! Thế giới rộng lớn bên ngoài kia, mỗi một người mà chúng ta sẽ gặp, mỗi cung đường chúng ta sẽ qua, rốt cuộc đều dạy cho chúng ta về nỗi nhớ, về tình yêu, về ý nghĩa của đoàn tụ và sum vầy”.
Những chuyến đi dài dạy ta trưởng thành
Dù muốn dù không, chỉ khi thật sự bước ra khỏi cảnh cửa mang tên ấm êm và an toàn, ta mới có thể trưởng thành, thêm một chút nữa. Và mới có thể thấy rằng, những điều đã được mặc định mà ta vô tâm không để ý đến, hóa ra một lúc nào đó lại khiến ta thèm khát đến thế.
Còn nhớ ngày bước chân đi, chính thức phải xa gia đình, phải tự thân lo lấy mọi thứ, mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Tôi thì, cũng có một khoảng khắc không kiềm được mình vì những rung cảm đó. Nhưng quả thật, cái ham thích tự do, viễn cảnh về một môi trường mới đầy thú vị đã có phần lớn hơn.
Để đến khi nhận được cuộc gọi của mẹ: “Trung Thu năm nay không có con cũng buồn”, lại thấy lòng mình chùng xuống. Để đến khi một mình trong phòng, lại thấy nhớ những cuộc trò chuyện của gia đình, dù là mình không tham gia vào, cũng đôi lúc khiến môi nở một nụ cười. Để khoảng thời gian này, khi ước muốn về “dĩa cơm sườn, ổ bánh mì thịt” thuở bé giờ đây phải thực hiện mỗi ngày, mới có thể nhận ra cái ngon của những bữa cơm bên gia đình. Mới thấy thèm khát đến thế tiếng mẹ gọi tới giờ cơm.
Có những tình cảm, những sự quan tâm như âm thanh lặng lẽ của chiếc đồng hồ treo tường. Chỉ khi đôi bàn chân in hằn dấu vết của sự trưởng thành, và tâm hồn đủ thấu cảm để nhận ra những thứ bình dị, thì mới có thể nghe thấy được.
Dù “đi” hay “trở về”, chỉ cần những lúc “ở”, hạnh phúc luôn hiện hữu!
Nếu đi mà con người bạn chẳng có gì mới hơn, thì đi để làm gì? Khi mà bạn chẳng học được điều gì thú vị, có được cho mình những trải nghiệm đáng giá. Khi mà bạn chưa tự chủ trong vấn đề tài chính, và bỏ lại phía sau là cha mẹ cực nhọc vì bạn. Và đôi khi, là làm cho hình ảnh của bạn, của đất nước trở nên xấu đi.
Cũng thế, nếu trở về mà bạn đã không thực sự tận hưởng những giây phút bên gia đình, thì sự tồn tại đó có ý nghĩa gì? Khi mà smartphone vẫn trong tay và những tiếng nói thì không hướng về bất kỳ khuôn-mặt-thật nào. Khi mà những cuộc vui thâu đêm suốt sáng bạn chỉ dành cho bạn bè, trở về mà đôi chân vẫn bước đi đâu đó gần đấy.
Bạn thân mến, dù đi hay trở về, chỉ cần những lúc ở bên gia đình, bạn chính là phiên bản hạnh phúc nhất của bản thân. Bạn đã dành thời gian thực sự chất lượng cho những người thân yêu nhất. Cùng trò chuyện, cùng nhau làm việc này việc kia, và cùng ăn bữa cơm sum vầy.
Là lúc đó, đi hay trở về đã không còn là vấn đề nữa. Khi hạnh phúc luôn hiện hữu những lúc bạn bên cạnh gia đình mình.
H. HAWLIET