Độ Hoa Niên dựa trên tiểu thuyết Trưởng Công Chúa - tác phẩm nổi tiếng bậc nhất nghiệp viết của Mặc Thư Bạch, một trong những "tượng đài" trong lòng hội mê ngôn tình cổ trang. Vì thế, ngay khi mới có tin xác nhận chuyển thể thành phim với độ đầu tư cao nhất S++, Độ Hoa Niên đã là cái tên đáng trông đợi.
Độ Hoa Niên có khởi đầu ổn khi bám sát nguyên tác. Hiểu lầm và cuộc chiến quyền lực của kiếp trước đã đẩy số phận của bao người vào bi kịch. Được sống lại (lên phim đổi thành một giấc mơ), công chúa Lý Dung (Triệu Kim Mạch) và Bùi Văn Tuyên (Trương Lăng Hách) dần gỡ bỏ hiểu lầm, cùng nhau đẩy lui sâu mọt triều cương. "Trùm phản diện" Tô Dung Khanh (Trần Hạc Nhất) cũng có ký ức tiền kiếp, cản trở không ít kế hoạch của Tuyên - Dung.
Nhìn vào bối cảnh, trang phục của dàn diễn viên cũng thấy Độ Hoa Niên được "đổ tiền" nhiều cỡ nào. Góc quay đẹp, đại cảnh cũng hoành tráng. Nhưng tiếc rằng, việc "vung tiền" cũng không giúp Độ Hoa Niên trở nên đắt giá. Từ 1/3 chặng đường trở đi, người xem nhận ra phim dần không theo sát tiểu thuyết gốc. Cnet hướng bão chỉ trích về phía Trần Hạc Nhất vì nghi ngờ anh được tăng đất diễn và thiết lập nhân vật Tô Dung Khanh được làm tỉ mỉ hơn rất nhiều so với bản gốc. Tuyến tình cảm của anh và Lý Dung sâu hơn, bản truyền hình cũng không thiếu cảnh đặc tả nội tâm, tâm trạng của Tô Dung Khanh.
Trong khi đó, cách xây dựng nhân vật cho Bùi Văn Tuyên lại nhạt nhòa, hời hợt. Trưởng Công Chúa là tiểu thuyết ngôn tình nhưng tình tiết quyền đấu cũng được viết chỉn chu, kỹ lưỡng, nhất là sự thông minh, nhìn xa trông rộng của nam chính. Từ thư sinh nghèo, tay trắng leo lên tới chức tể tướng ở kiếp trước, sống lại ở độ tuổi 20 với vẹn nguyên ký ức cũ, Bùi Văn Tuyên gần như "trên cơ" mọi mặt. Nhưng sự thông minh, sắc bén, nhìn xa trông rộng của chàng lại bị lướt qua ở Độ Hoa Niên. Cách biên tập, cắt dựng làm người xem khó cảm nhận được sự độc lập của Bùi Văn Tuyên mà chỉ thấy chàng phải dựa thế vào "nhà vợ", hay ghen và chỉ để tâm tới yêu đương.
Đẩy tuyến tình cảm với Tô Dung Khanh cũng làm cho Lý Dung của Độ Hoa Niên trở nên "dễ ghét" hơn bản gốc Trưởng Công Chúa. Lý Dung trong tiểu thuyết sẵn sàng cho Tô Dung Khanh một bạt tai vì hắn gian xảo, dám làm hại phò mã của nàng. Còn Lý Dung bản truyền hình lại mập mờ, lưỡng lự giữa hai bên, thiếu dứt khoát. Việc thêm tình tiết nàng đang có thai nhưng không màng nguy hiểm muốn lao vào cứu Tô Dung Khanh trong biển lửa ở tập cuối càng làm người xem tức tối.
"Truyện sâu sắc bao nhiêu thì phim hời hợt bấy nhiêu", "Nhắm không cải biên hay được thì tốt nhất là làm thật sát, nguyên tác đã hay tới vậy rồi"... Đó là một số bình luận của khán giả. Tất cả chứng minh rằng thay đổi bất hợp lý trong xây dựng nhân vật cốt lõi, cách hậu kỳ chính là nguyên nhân lớn nhất khiến người xem Độ Hoa Niên đi từ kỳ vọng tới thất vọng.
Diễn xuất làng nhàng, không điểm sáng cũng là một nguyên nhân chính khiến Độ Hoa Niên đuối sức. Trương Lăng Hách có tiến bộ nhưng lại thiếu đi một cảnh khiến người qua đường phải trầm trồ. Triệu Kim Mạch cần thêm sự ổn định để làm chắc tay sự mạnh mẽ, quyền uy và cả những mong manh ẩn sâu trong nội tâm. Trần Hạc Nhất nhiều đất diễn nhưng chưa thể tận dụng triệt để vì cách biểu đạt còn non nớt. Dàn diễn viên phụ cũng không tương trợ được nhiều để đẩy cảm xúc của người xem.
Nhạc phim cũng là một điểm trừ của Độ Hoa Niên. Lúc cần thì không thấy đâu, nhưng lúc xuất hiện cũng như không vì thiếu ấn tượng, kém bắt tai, chưa đủ đô để chạm tới cảm xúc khán giả.
"Phản ứng hóa học" ngọt dịu của "phu thê tâm hồn U40" Trương Lăng Hách - Triệu Kim Mạch là điểm hiếm hoi đáng khen netizen dành cho Độ Hoa Niên. |
Nhìn vào mặt số liệu, Độ Hoa Niên cũng không phải một dự án phim thất bại. Trong thời gian phim chiếu, chỉ số về phim lẫn nhân vật, diễn viên đều dẫn đầu nhiều ngày ở các nền tảng lớn. Tuy nhiên, con số thu về lẫn hiệu ứng mà Độ Hoa Niên tạo ra đều chưa đủ để xứng tầm một dự án cấp S++.