Love Next Door kể về cuộc tái ngộ của Bae Seok Ryu (Jung So Min) và Choi Seung Hyo (Jung Hae In). Vì mẹ của cả hai là bạn thân nên Seok Ryu và Seung Hyo cũng quen nhau từ nhỏ. Cô là thiên tài của Trung học Hyeryeong, có công việc tốt ở tập đoàn hàng đầu thế giới đặt trụ sở tại Mỹ. Nhưng vì bị đồng nghiệp "chơi xấu" mà Seok Ryu bị đuổi việc. Cô bị hôn phu "cắm sừng", hủy hôn khi lễ cưới chỉ cách 1 tháng, rồi về nước.
Đều ngoài 30 tuổi, nhưng Jung So Min và Jung Hae In vẫn vào vai học sinh Trung học ngọt xớt. |
Choi Seung Hyo trở thành một kiến trúc sư trẻ tài năng sau khi từ bỏ sự nghiệp trở thành vận động viên bơi lội quốc gia do chấn thương. Anh gặp khó khăn trong việc điều hành viện kiến trúc riêng mới thành lập, nhưng lại che giấu với mọi người. Seok Ryu và Seung Hyo có tính cách đối lập nhau, hễ gặp lại "cà khịa", cãi cọ nhưng cũng quan tâm, hiểu đối phương nhất. Lần gặp lại sau 10 năm này thúc đẩy mối quan hệ giữa hai người từ bạn thành yêu.
Love Next Door thuộc thể loại rom-com (hài, lãng mạn), cũ nhưng luôn dễ được lòng khán giả. Mô-típ từ bạn thành yêu, oan gia ngõ hẹp, ghét thành thương của phim được dùng rất nhiều trên màn ảnh. Khán giả mê K-drama cũng dễ dàng nhận ra không ít tình tiết của Love Next Door từng gặp trong bộ phim khác, như: Nam chính phải lòng nữ chính từ thời Trung học, luôn xuất hiện khi anh cần; bố mẹ quá bận rộn bỏ bê con cái; hay sự kỳ vọng quá lớn từ mẹ khiến bà mất đi kết nối với con... Những điều này khiến mạch phim dễ đoán và có thể gây nhàm chán với khán giả.
Love Next Door đáp ứng đủ nhu cầu của khán giả muốn tìm một bộ phim để giải trí, gây cười, thư giãn đầu óc. Nội dung không quá gây cấn với những "cú cua" bất ngờ. Bù lại, "chiếc miệng hỗn" của Seok Ryu sẽ khiến người xem cười "đỉnh nóc". Love Next Door kể những câu chuyện cũ nhưng lại quen thuộc và gần gũi, dễ khiến người xem nhận ra bóng dáng của bản thân trong dáng hình của nhân vật.
Ai đó có thể như Seok Ryu, khát vọng có được vị trí đứng đầu tới mức quên đi ước mơ của mình; hay "cuồng công việc" tới bào mòn sức lực, biến cố đến khiến họ nhận ra đã tới lúc cần nghỉ ngơi. Hoặc cũng có thể như "con nhà người ta" Seung Hyo, cô đơn trong chính căn nhà của mình vì bố mẹ mải mê với công việc. Những câu chuyện quen ấy chạm vào góc khuất, nỗi buồn mà khán giả giấu đi, khơi dậy sự đồng cảm, từ đó, giúp họ xoa dịu, chữa lành trong cách nhân vật giải quyết tơ rối.
Love Next Door xây dựng tính cách, tạo bối cảnh cho nhân vật cũng thực tế, hợp lý và gợi mâu thuẫn hay ho. Thành công của Seok Ryu là phiên bản mà mẹ cô đã bỏ lỡ khi còn trẻ. Khán giả sẽ nghĩ nữ chính có thể nhún nhường trước kẻ từng lợi dụng mình để bạn thân không mất đi mối làm ăn lớn. Nhưng Seok Ryu thì khác. Cô được mệnh danh là "nhỏ điên" nên khi đàm phán tử tế không được, lại bị tên đồng nghiệp cũ ép cầu xin, cô đánh thẳng mặt hắn. Hành động này hợp với "độ khùng" của Seok Ryu. Cô có tự tôn cao, tại sao phải xin xỏ kẻ đã lợi dụng mình? Nhất là khi trong tay cô có bằng chứng đủ để hắn mất việc và bạn thân của cô cũng sẵn sàng bỏ hợp tác để "tác động vật lý" hắn.
Mẹ của Seung Hyo làm việc ở Bộ Ngoại giao, giỏi giao tiếp với người ở khắp nơi trên thế giới nhưng lại mất đi kết nối với chồng và con trai mình. Seung Hyo là kiến trúc sư, bố anh là bác sĩ hàng đầu. Người xây dựng, người cứu lấy mái ấm của không ít gia đình, nhưng chính họ lại chưa tìm được cách vun vén, gắn kết ngôi nhà của mình.
Những chi tiết nhỏ cũng cho thấy sự tinh tế của đạo diễn ở cách triển khai mạch phim. Ví dụ như cách đặt tên mỗi đầu và cuối tập phim "ghét - yêu", "vạch dừng - vạch xuất phát", "quá khứ hoàn thành - hiện tại hoàn thành tiếp diễn"... Nghe thì đối lập nhưng thực chất là sự phát triển trong cuộc đời, mối quan hệ của cặp đôi chính. Hay chi tiết Seok Ryu tặng cây lựu cho Seung Hyo vào ngày khai trương viện kiến trúc. Seok Ryu trong tiếng Hàn nghĩa là "quả lựu". Cái cây như đại diện cho cô, cũng có thể hiểu là tín hiệu mà đạo diễn đưa ra - cô sẽ "trao mình" cho "con trai bạn mẹ".
Love Next Door mới đi được 4/16 tập. Hay dở thế nào sẽ còn rất nhiều điều để nói. Giai đoạn này, Seok Ryu và Seung Hyo vẫn chưa thực sự phải lòng nhau, nhưng "phản ứng hóa học" cũng nhẹ nhàng. Cả hai tung hứng đáng yêu, diễn xuất tự nhiên, chân thực. Tuyến tình cảm của Jeong Mo Eum (Kim Ji Eun) và Kang Dan Do (Yun Ji On) lại đang quá nhạt nhòa ở những tập đầu. Trong khi đó, cùng là tuyến phụ, câu chuyện của các mẹ lại có nhiều điểm sáng và chiều sâu, đáng trông đợi ở chặng sau.