Game Streaming - Bạn đã biết đến công việc làm giàu kiểu “game thủ”?

Game Streaming - Bạn đã biết đến công việc làm giàu kiểu “game thủ”?
HHT - Với game thủ thì các trận đấu kịch tính không thể thiếu những người đưa ra bình luận và dự đoán sắc bén. Và đó chính là các bình luận viên game - Game streamer, một công việc mới xuất hiện tại Việt Nam khoảng 4 năm trở lại đây.

Chân dung game streamer

Về bản chất thì công việc của các game streamer tương tự như một bình luận viên bóng đá, nghĩa là nhận xét, dẫn dắt sự chú ý của người xem và truyền “lửa” cho trận đấu. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, các bình luận viên game còn phát code, tương tác, trò chuyện thường xuyên và thậm chí... troll người xem để họ cảm thấy hứng thú với trận game kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ, qua đó thu hút người chơi đến với tựa game đó.

Game Streaming - Bạn đã biết đến công việc làm giàu kiểu “game thủ”? ảnh 1

Công việc này còn đòi hỏi dành nhiều thời gian cho việc chơi game và tường thuật trận đấu, có thể lên đến hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày nếu đó trở thành công việc chính thức. Trong khoảng thời gian phát sóng, bình luận viên game cần giữ được chất giọng và liên tục đổi mới “chiêu trò” để thu về lượng khán giả cho riêng mình.

Trung Dũng - gương mặt game streamer kỳ cựu của tựa game Crossfire Legends cho rằng, khác với game thủ bình thường thì công việc của một bình luận viên game không những cần chơi game thành thạo mà phải có sự hiểu biết nhất định về sản phẩm và có kỹ năng giao tiếp, như vậy mới có thể truyền cảm hứng tới người chơi khác.

Hiện nay, công việc game streaming đang càng ngày càng trở lên chuyên nghiệp hơn. Thay vì hoạt động tự do, các bình luận viên game đã có công ty quản lý, có ê-kíp của riêng mình để hỗ trợ kỹ thuật, nội dung... Họ cũng đầu tư về thiết bị, trang phục... để mang những buổi streaming thú vị tới khán giả.

Game Streaming - Bạn đã biết đến công việc làm giàu kiểu “game thủ”? ảnh 2

Với các công ty game thì các streamer giống như “gương mặt thương hiệu”, giúp đưa hình ảnh và thông tin game đó đến gần hơn với người chơi bằng sự nổi tiếng và sức lan toả của bình luận viên game (dựa vào uy tín, lượng tương tác, độ “nổi” của tên tuổi…). Để những buổi phát sóng thu hút được nhiều lượt xem thì công ty game sẽ tài trợ những mã code hoặc vũ khí để các streamer chia sẻ với các game thủ. Ngược lại, bình luận viên game cũng sẽ nhận được thù lao khi streaming những tựa game được yêu cầu từ công ty. Theo Trung Dũng, mức thu nhập của họ tùy theo độ nổi tiếng và lượt theo dõi, có thể từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng cho mỗi lần phát sóng.

“Nhập môn” nghề game streaming

Không thể phủ nhận được sức nóng của nghề game streaming khi mang đến nguồn thu nhập hấp dẫn, có thể lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Mặt khác, bạn cũng có thể tạo thoả sức sáng tạo trên kênh phát sóng, giao lưu cùng hàng nghìn game thủ đang theo dõi, nhất là khi các phương tiện để live-stream nở rộ như hiện nay. Chưa hết, game streaming sẽ mang đến những mối quan hệ hay ho trong công việc và cuộc sống, mở rộng mạng lưới giao tiếp của riêng bạn.

Để bắt đầu cho công việc này thì bạn cần chuẩn bị máy tính, microphone, webcam phục vụ cho việc phát sóng trực tiếp và giọng nói cũng như “chất” riêng của mình. Đây chính là chìa khoá tạo ấn tượng với người xem, để từ đó thu hút được nhiều lượt theo dõi đấy.

Game Streaming - Bạn đã biết đến công việc làm giàu kiểu “game thủ”? ảnh 3

Trung Dũng chia sẻ về một vài tình huống dở khóc dở cười khi làm công việc yêu thích. Để bắt đầu một buổi stream thành công thì Dũng thường đưa ra những bình luận nảy lửa “lôi kéo” sự chú ý nhưng trong một buổi phát sóng, anh chàng đã... quên bật micro. Khán giả và cả chính Dũng cùng ê-kíp hôm ấy đã được một phen cười nghiêng ngả vì phần bình luận “câm” có 1-0-2 này.

Thu nhập chính của các bình luận viên game sở hữu lượng người theo dõi đông đảo đến từ thù lao do các nhà cung cấp game chi trả. Bên cạnh đó, các game streamer còn có thể “cá kiếm” từ phần thưởng, tiền quảng cáo tại các kênh chuyên phát sóng về game, thù lao khi tham gia bình luận cho các giải đấu lớn, nhận streaming cho các tựa game từ công ty truyền thông... Đặc biệt, họ còn có thể trở thành gương mặt đại diện cho các tựa game đình đám, chẳng hạn như cô nàng “triệu view” Misthy làm streamer cho game “Siêu Thần LOL”.

Daniel Fenner - một game streamer đến từ Úc đã không ngần ngại chia sẻ về công việc của mình trong một vlog. Daniel từng đứng top 30 game thủ StarCraft 2 Bắc Mỹ trong màu áo của ROOT Gaming, danh hiệu này đủ để tạo sức hút với người xem trên mạng xã hội Twitch. Trung bình mỗi tháng, Daniel kiếm được khoảng 1.100 đô-la (khoảng 25 triệu đồng) từ công việc game streaming (bao gồm tiền từ người đăng ký trên Twitch, doanh thu quảng cáo, bình luận giải và cả tiền được “bo”). Đây là một khoản thu nhập khá, đủ sống tại Úc. Daniel làm việc khoảng 9 tiếng mỗi ngày ngay tại nhà. Để phục vụ công việc, anh chàng còn quyết định chuyển tới sống ở một vùng khác tại Australia, nơi có đường truyền Internet tốt hơn. “Tôi hoàn toàn có thể nuôi sống bản thân mình bằng công việc này” - Daniel chia sẻ trong vlog của mình.

Game Streaming - Bạn đã biết đến công việc làm giàu kiểu “game thủ”? ảnh 4

Thử thách của các game streamer

Công việc nào cũng có những thách thức riêng và game streaming cũng không là ngoại lệ, nhất là khi game chưa được công nhận là môn thể thao điện tử chính thống ở Việt Nam. Chính vì vậy, bình luận viên game sẽ gặp nhiều thiệt thòi hơn khi nhiều người đánh giá tiêu cực về công việc này. Chưa hết, thời gian để thu hút lượng người theo dõi “khủng” và sự đào thải nhanh cũng là thử thách mà bạn cần đối mặt khi quyết định trở thành bình luận viên game.

Hiện nay, các streamer hàng đầu có thể kiếm 30 - 50 triệu đồng/ tháng, gấp hàng chục lần thu nhập bình quân của người Việt. Nhưng nghề streamer có tính cạnh tranh rất cao và không phải ai cũng có thể thành công. Bên cạnh một số ít game streamer chuyên nghiệp có công ty, đội ngũ quản lý riêng còn có rất nhiều bạn trẻ hoạt động tự do. Không thu hút được lượt người xem đủ lớn, stream các game không nổi tiếng… mức lương mà họ nhận được chỉ khoảng 3,5-5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh áp lực từ thu nhập, các streamer còn chịu áp lực từ sự đào thải và tính ổn định lâu dài của nghề.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có một trường lớp đào tạo chuyên môn về nghề game streaming nào, hầu hết đến từ việc việc tự học, tự sáng tạo của các bạn trẻ. Hãy trang bị niềm đam mê, sự am hiểu về game và chất giọng đặc trưng để bắt đầu sự nghiệp bình luận viên game. Trong tương lai, nghề bình luận game nói riêng và ngành game của Việt Nam nói chung sẽ có nhiều cơ hội rộng mở, nên đừng ngần ngại theo đuổi ước mơ của mình, bạn nhé!

Game Streaming - Bạn đã biết đến công việc làm giàu kiểu “game thủ”? ảnh 5

Fun fact:

- Một số kênh phát sóng để bạn có thể bắt đầu sự nghiệp game streaming của mình: Facebook, YouTube, YouTube Gaming, Twitch, TalkTV...

- Nếu bạn muốn theo dõi những trận đấu game nóng bỏng mọi lúc mọi nơi thì hãy tham khảo những ứng dụng cho “dế” yêu này nhé: Twitch, Kamcord, Vortex, Hitbox, Azubu...

- Hiện nay ở Việt Nam, các game streamer nữ không hề “lép vế” trước các đồng nghiệp nam với những cái tên nổi như cồn: Misthy, EpicG.Hera Kiều Anh, Nhi Lyly, Cẩm Tú Yuri...

NHẬT LINH

MỚI - NÓNG
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?

Có thể bạn quan tâm