Cô giáo Nguyễn Thị Băng Tú, giáo viên Trường THPT Kim Liên: Đề gắn với thực tế cuộc sống!
Với đề Ngữ Văn năm nay, học sinh sẽ không ngỡ ngàng hay cảm thấy khó khăn về cấu trúc đề và đúng theo tinh thần ra đề thi của Bộ. Bởi vì cấu trúc này học sinh đã được tập dượt nhiều lần, đặc biệt qua kỳ khảo sát của Sở.
Về nội dung, phần đọc hiểu có tính chiến lược theo tinh thần của Bộ: mang tính đổi mới, đặt ra cho học sinh đang đứng trước ngưỡng vửa cuộc đời những vấn đề vừa phù hợp với kiến thức, thiết thực với cuộc sống, đồng thời gợi mở cho học sinh tầm nhìn đối với tương lai. Ví dụ, như sứ mệnh của con người, khát vọng của con người, hành trình khám phá bản thân... Mỗi học sinh cần tự mình đặt ra câu hỏi và tự trả lời câu hỏi trong suốt hành trình của cuộc đời mình.
Đó là câu hỏi ta là ai trong cuộc đời này, sứ mệnh của ta là như thế nào và để thực hiện sứ mệnh phải khát vọng như thế nào. Đề Văn không chỉ giải quyết việc thi cử, mà còn đặt ra vấn đề nhân sinh đối với học sinh. Đề rất thú vị
Ở câu 4 của phần đọc hiểu là câu hỏi về hành trình theo đuổi khát vọng của con người, con người sinh ta không chỉ có “mặn chát của giọt mồ hôi cay đắng” mà tiềm ẩn trong mỗi con người luôn là những khát khao, là hành trình theo đuổi khát vọng của bản thân.
Bài thơ “Trước biển” của Vũ Quần Phương trải qua hơn 30 năm nhưng mạch cảm xúc của tác giả, tư tưởng, ý nghĩa nhân sinh vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Với những học sinh có ý thức và suy nghĩ sáng tạo, biết gắn việc học môn Văn với thực tế cuộc sống thông qua trải nghiệm của bản thân thì sẽ thấy câu hỏi của đề này không quá sức, khó khăn mà là thử thách thú vị.
Câu 1 của phần làm văn tiếp tục bàn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Như vậy, câu 4 phần đọc hiểu và câu 1 phần làm văn tuy không đồng nhất nhưng lại thống nhất, bởi sở dĩ con người khi có ý chí mạnh mẽ là do có khát vọng lớn. Bản chất của ý chí là từ khát vọng. Với trình tự ra đề như vậy, học sinh có thể biết kết nối kiến thức theo một mạch nhất quán.
Câu 2 của phần làm văn rất đậm chất văn, đây là đoạn tiêu biểu trong bài ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Đây cũng là đoạn thể hiện rõ nét đặc điểm địa lý của con sông Hương và hơn hết bộc lộ phong cách riêng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rõ nhất.
Cô giáo Ngô Thị Bích Hương, Trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng): Đề thi phát huy tối đa năng lực học sinh!
Đề thi không quá khó, không đánh đố học sinh và có tính phân hóa rõ.
Về phần đọc hiểu khá hay, phần ngữ liệu thú vị, các câu hỏi thể hiện được các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đều được thực hiện tốt, linh hoạt. Đặc biệt câu đọc hiểu có khả năng khơi gợi, có cảm xúc, không nặng thuyết lý, răn dạy. Câu nghị luận xã hội có tính định hướng, đi vào cụ thể, đòi hỏi khả năng “tương tác” tốt của học sinh với các vấn đề nhất định.
Với câu nghị luận văn học học sinh không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản mà còn phải thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản, biết vận dụng, sáng tạo, khắc phục việc học thụ động, ghi nhớ máy móc, đồng thời học sinh cũng cần có tư duy tổng hợp khái quát để bài viết có chiều sâu.
Trên thực tế vài năm trở lại đây các đề thi của Bộ không nặng về kiểm tra kiến thức mà đòi hỏi phát huy được tối đa năng lực học sinh. Đề thi năm nay về cơ bản đã đáp ứng được điều này.
Cô Nguyễn Thị Hương Thủy, Giáo viên Trưởng THPT Chu Văn An (Hà Nội): Học sinh làm được bài phải bằng trải nghiệm cá nhân
Đề cấu trúc tương đương với đề minh họa. Học sinh không bị bỡ ngỡ và có tinh thần làm bài khá thoải mái. Về độ dễ khó: Để đảm bảo được chuẩn kiến thức và kỹ năng, chạm đến những vấn đề mang tính thời sự và có thể phát huy được những trải nghiệm của học sinh THPT.
Học sinh có thể làm bài không chỉ bằng kiến thức ở nhà trường, mà còn bằng những suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân.
Với những học sinh có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%. Còn với học sinh giỏi, có năng lực, biết suy tư, trăn trở, có thể phát huy được sở trường của mình khi cảm nhận được nội dung sâu xa của đề.
Cả hai phần đọc hiểu và làm văn đều là những vấn đề quen thuộc, đã được trình bày bởi những con người ở thế hệ trước (Vũ Quần Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường... những người ở thế hệ nguyện “hóa thân cho dáng hình xứ sở”); những học sinh thuộc thế hệ ngày hôm nay khi làm bài có thể đối thoại được với thế hệ đi trước, thế hệ cha anh, để vừa thể hiện được sự suy tư khi kế thừa thành quả, vừa thể hiện được sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay.
Đề không nặng về tái hiện kiến thức. Việc trích dẫn cụ thể một ngữ liệu trong câu hỏi nghị luận văn học giúp học sinh có thể nhanh chóng áp dụng những kỹ năng đã được trang bị để xử lý đề và dành nhiều thời gian để tư duy, để liên hệ, để thể hiện được những ý tưởng và những sáng tạo của riêng mình trong bài làm.
Vì vậy, đề cũng đảm bảo yêu cầu về phân loại học sinh, những bài được điểm cao không chỉ đảm bảo đủ ý, mà còn phải thể hiện được năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ, năng lực liên hệ thực tế.