Ngày 2/10, Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở". Hội thảo là điểm nhấn quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam 2024.
Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý đô thị, xử lý các vấn đề kỹ thuật công nghệ, hành lang pháp lý. Xây dựng thành phố thông minh không chỉ vấn đề công nghệ, kỹ thuật mà còn là vấn đề về thể chế, luật pháp và thay đổi hành vi trong phương thức quản lý, nhất là ở TP Hà Nội có quy mô lớn về kinh tế, dân cư.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã giải đáp những thắc mắc và hiến kế cho thành phố về xây dựng chính sách phát triển theo đúng định hướng chính quyền đô thị và thành phố thông minh. Sự tham gia thảo luận của các chuyên gia liên quan quản lý đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông thông minh và các đơn vị, doanh nghiệp... mang lại những nội dung bao quát, hiệu quả, cụ thể với Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hội thảo diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Đây là một sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa, là dịp để cùng trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và hệ sinh thái ngân hàng mở; đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. |
Theo ông Hà Minh Hải, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng, với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới, tiên tiến và hiện đại - phương thức sản xuất số”.
Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, với chủ đề thành phố thông minh, trong hội thảo gần đây tại Đà Nẵng có một tiến sĩ nói về thành phố thông minh và quan điểm thành phố thông minh phải đạt được 2S: Sạch và số. Mối quan hệ mật thiết giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. |
Bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội cho biết, chuyển đổi số trong quản lý giao thông đô thị tại Hà Nội đang được đẩy mạnh nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội là tăng cường áp dụng công nghệ hệ thống giao thông thông minh (ITS) để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý.
Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho hành khách và tăng cường năng lực quản lý của cơ quan nhà nước, trong đó phải kể đến như: Thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức; Phần mềm giám sát hành trình (GPS); Ứng dụng Busmap; Thí điểm hệ thống giao thông thông minh. Trong đó có các dự án trọng điểm như: Thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông; về phần mềm giám sát hành trình xe buýt (GPS) tại các đơn vị xe buýt; Đối với việc ứng dụng thông tin cho hành khách.
Bà Trần Thị Phương Thảo. |
Trong thời gian tới, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổng kết, đánh giá giai đoạn thí điểm và đề xuất triển khai chính thức hệ thống vé điện tử liên thông trên toàn mạng lưới và giai đoạn 1 của hệ thống giao thông thông minh từ năm 2025; tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong điều hành và quản lý hệ thống vận tải hành khách công cộng, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, đơn vị đang định hướng phát triển “số hoá thanh toán” để hỗ trợ TP Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác xây dựng đô thị thông minh.
Hiện nay, Napas đang đẩy mạnh số hoá, thanh toán qua điện thoại di động: Chuyển tiền nhanh 24/7, sử dụng thanh toán các dịch vụ, kể cả dịch vụ công. Napas hợp tác với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ứng dụng VNeID… Các dịch vụ công như cấp phiếu lý lịch tư pháp có thể triển khai qua ứng dụng VNeID và thanh toán phí qua ứng dụng Napas trên điện thoại di động, từ nguồn tiền thẻ, tài khoản...
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Napas. |
Cùng với đó, Napas đang đẩy mạnh tích hợp số hoá trên điện thoại di động; tích hợp thẻ trên điện thoại di động, hướng tới việc sử dụng điện thoại di động để “thanh toán thông minh” nhiều dịch vụ. Hiện Napas đang thí điểm thanh toán vé xe điện Vinbus; đang tiếp tục đề xuất phối hợp mở rộng thanh toán với các tuyến xe buýt khác, các điểm giao thông công cộng, hướng tới phục vụ người dân “thanh toán thông minh” khi sử dụng dịch vụ.
Bà Đoàn Hồng Nhung - thành viên ban điều hành, Giám đốc khối Bán lẻ, Ngân hàng Vietcombank chia sẻ về nhiều giải pháp liên quan đến dịch vụ công, thanh toán tiện ích, iSchool, học phí, viện phí. Hiện nhân viên xe bus sử dụng QR trên mobile cho khách hàng thanh toán không cần vé giấy. Vietcombank đề xuất giải pháp mobileking phát hành thẻ dư nợ để tích hợp dịch vụ này, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch của khách hàng.
Bà Đoàn Hồng Nhung. |
Vietcombank đang phối hợp nhiều hoạt động với Cục Cảnh sát về quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), trong đó có ứng dụng dữ liệu cá nhân trong các hoạt động thanh toán giao thông thông minh không dùng tiền mặt. Tới đây tiên phong trong việc gửi xe, đỗ xe không dùng tiền mặt. Những thay đổi nhỏ nhưng mang lại chuẩn 2S là sạch và số như Ngân hàng Nhà nước mong muốn. Hiện nay thành phố dùng QR để trả phí đỗ xe nhưng thời gian tới nên dùng VNeID sẽ tiện lợi hơn.
TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá ngành ngân hàng, viễn thông, hàng không của Việt Nam đã tiệm cận, sánh ngang với mức phát triển trên thế giới. Ngành ngân hàng ở Việt Nam hầu hết là “tự nghiên cứu, tự đổi mới, tự chuyển đổi số” trên định hướng, đề án phát triển của Ngân hàng Nhà nước.
Công cuộc chuyển đổi số đối với các đô thị, xây dựng thành phố thông minh là một quá trình phức tạp, nếu thành công sẽ đem lại sức sống mới cho đô thị. Hà Nội hiện nay là thành phố lớn, là một “mega city” với hơn 10 triệu dân, tốc độ phát triển rất nhanh, đặt ra các vấn đề điều hành, quản lý theo xu hướng thông minh. Dù Hà Nội đã có nhiều thành công, thành tựu trong xây dựng thành phố thông minh, nhưng đó mới là kết quả bước đầu và còn chậm so với thế giới. Các dự án thông minh về giáo dục, y tế, dịch vụ công, giao dịch trực tuyến còn nhiều vấn đề, chưa đồng bộ với quy hoạch của thành phố. Đó là thách thức, nhưng tôi tin Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện để xây dựng thành phố thông minh.