Mang danh review hay spoil nội dung trá hình?
Dành cho những bạn chưa biết về trào lưu mới này trên mạng xã hội: Đây là những đoạn video dài từ 5 đến 15 phút, có tiêu đề giật gân và kể lại câu chuyện bằng giọng thuyết minh những phân cảnh quan trọng của bộ phim. Để tạo nên một video như vậy, ê-kíp sản xuất phải thực hiện các công việc từ chọn phim, lên kịch bản, chỉnh sửa âm thanh, hình ảnh cho đến lựa chọn giọng đọc phù hợp.
Tuy nhiên, thay vì gọi là review phim thì đây đúng hơn là những video tóm tắt phim. Nếu review phim quan trọng yếu tố nêu lên vấn đề được gợi ra với những suy ngẫm về bộ phim thì ở đây chỉ đơn thuần là liệt kê ra những cảnh chính và spoil toàn bộ nội dung phim.
Giải thích về việc lấy danh nghĩa review phim cho các kênh của mình, admin một fanpage dẫn đầu trào lưu thừa nhận: “Nhiều người thắc mắc và ý kiến rằng tại sao lại là review? Chuyện là ban đầu bọn mình định lấy tên “tóm tắt bộ phim" nhưng sau đó, cảm thấy tựa này khá dài và cụm từ tóm tắt nghe hơi “chuối” nên đã quyết định chọn là review. Cũng từ đó đã dẫn đến việc nhà nhà, người người đều làm review phim. Rất mong các bạn thông cảm và bỏ qua cho chúng mình về vấn đề này vì bản chất nó thật sự không phải là review mà là tóm tắt, spoil phim thì đúng hơn”.
Giúp khán giả biết tới nhiều phim hơn?
Dễ thấy hiện nay, từ mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube... đều tràn ngập những video tóm tắt phim và dần trở thành một xu hướng giải trí trên mạng xã hội.
Thùy Anh, SV trường ĐH Văn Lang cho biết: “Thay vì phải mất 1 đến 2 tiếng xem hết bộ phim mà chưa biết có hợp gu không thì giờ mình chỉ cần vài phút. Sau khi xem xong và cảm thấy hứng thú thì mình mới chọn xem bộ phim đó”.
Bạn Tiến Đạt (TP.HCM) cho biết: “Các video này giúp mình biết tới nhiều bộ phim hay mà trước giờ chưa từng biết. Đôi khi nó làm tớ bị thu hút và có động lực xem phim hơn”.
Truy cập vào các tài khoản chuyên làm video tóm tắt phim, những nội dung họ tạo ra luôn thu hút lượt tương tác, bình luận và chia sẻ rất cao. Trong đó, một số kênh khá chuyên nghiệp khi tự viết lời bình, thu giọng đọc cuốn hút, đôi khi pha chút nhấn nhá và pha trò để làm tăng sự sống động của phần tóm tắt.
Hình ảnh trong video cũng không chỉ là cắt ghép từ bộ phim mà còn xen lẫn vài cảnh vui nhộn như những tràng cười hay biểu cảm im lặng, hoảng hốt. Những điểm nhấn này khiến cho việc xem video trở nên thú vị và cũng là những điểm thu hút riêng. Đa số sau khi xem xong những video này, nhiều người bình luận tỏ ra thích thú và xin link cũng như thông tin phim gốc để có thể xem ngay lập tức.
Trào lưu mới nhưng là con dao hai lưỡi
Một món ăn sinh lời (các video đều chèn quảng cáo) và hấp dẫn người dùng như vậy dĩ nhiên thu hút số lượng không nhỏ người làm công việc chế tạo nội dung giải trí trên mạng hội tham gia. Tuy nhiên, nhiều kênh để chạy đua về số lượng đã tạo ra những video kém chất lượng, cắt ghép cẩu thả và thậm chí là cố tình tóm tắt sai lệch nội dung bộ phim. Mặt khác, khi người xem đã biết hết nội dung chính của phim thì những phút giây trải nghiệm trước màn hình liệu có còn thú vị?
Bộ phim nổi tiếng Harry Potter được các fanpage lựa chọn làm video tóm tắt khá nhiều, thế nhưng có không ít video nói rằng ngay từ lúc sinh ra cậu bé phù thủy đã mang vết sẹo, khác hoàn toàn với câu chuyện gốc. Trong vài trường hợp, nhiều video còn sử dụng từ ngữ sai lệch, cắt đi những cảnh phim đắt giá và làm mất đi giá trị thực sự của bộ phim.
Một bộ phim được làm ra luôn có sự tính toán đến từng góc quay, khung hình, bố cục và những nút thắt được cài cắm kĩ càng mà chỉ khi thực sự ngồi xem từng giây thì khán giả mới có thể thẩm thấu. Và tất nhiên, không ai có thể nói hết một bộ phim hay chỉ qua vài phút và vài câu chữ. Đó cũng là lý do mà trào lưu này gặp phải sự phản đối của không ít cinefan.
Về lâu dài, các video tóm tắt phim có thể sẽ nuôi dưỡng một số lượng khán giả lười trải nghiệm thế giới mà bộ phim mang tới, thay vào đó họ chỉ quan tâm đến câu chuyện tổng quan là gì.
Nền tảng Facebook không đặt nặng vấn đề bản quyền làm dấy lên lo ngại về việc các trang fanpage thi nhau sử dụng chồng chéo một video mà không hề quan tâm đến công sức của người làm ra. Ngoài ra, việc những cảnh quay trong phim được sử dụng trong video cũng làm người xem phải suy nghĩ liệu mình có đang xem phim một cách văn minh hay không, hay cũng chỉ là một hình thức khác ủng hộ phim lậu, vốn là một vấn đề trăn trở của ngành công nghiệp giải trí.