Hồi tháng 9/2016, 5 bạn teen bị bắt vì tội vẽ graffiti lên một ngôi trường cổ ở Ashburn (bang Virginia, Mỹ).
Ngôi trường này được coi là địa danh lịch sử, vì đây là nơi dạy học cho những học sinh da đen từ ngày xưa. Thế nhưng, 5 bạn teen nói trên đã vẽ và viết những hình mang tính xúc phạm lên khắp mọi nơi.
![]() |
Thực tế, một bạn trong nhóm đó đã bị đuổi học trước vụ việc này. Cho nên, Quan tòa Alejandra Rueda tin rằng, nhóm học sinh đó thực hiện hành động này như một cách trút giận. Vì vậy, bà cảm thấy mình cần tìm cách biến sự việc thành một cơ hội để giáo dục.
“Cả cộng đồng đã sôi sục vì vụ phá hoại này” – Bà Rueda kể với kênh BBC – “Cũng dễ hiểu thôi. Nhưng bạn biết đấy, một số học sinh thậm chí còn chẳng hiểu rõ những ký hiệu hoặc biểu tượng xúc phạm mà chúng vẽ. Cho nên, tôi nhìn thấy một cơ hội để chúng được học hỏi”.
![]() |
Bà cũng giải thích thêm: “Với các bạn trẻ, bạn có thể hoặc là trừng phạt, hoặc là phục hồi. Mà đây là những bạn trẻ chưa có tiền án tiền sự gì. Cho nên, tôi nghĩ lại xem hồi tôi bằng tuổi chúng thì điều gì đã giúp tôi được mở mắt, được học hỏi về những nền văn hóa khác… Đó là bằng cách đọc”.
Thế là, thay vì quản chế hoặc phạt án treo, Quan tòa Rueda đã đưa ra một danh sách 35 cuốn sách khác nhau, nói về những nỗi đau khổ và bi kịch của sự bất công và phân biệt chủng tộc.
5 bạn teen được yêu cầu đọc hết một cuốn sách mỗi tháng. Mỗi khi đọc xong, họ phải viết một bài luận dài ít nhất 3.500 từ về hậu quả của sự phân biệt chủng tộc, của định kiến, hoặc của sự phán xét mù quáng. Thêm vào đó, 5 bạn này cũng “bắt buộc” phải đến tham quan các bảo tàng lịch sử.
![]() |
Hơn hai năm sau vụ việc phá hoại, “án phạt” của Quan tòa Rueda đã làm được chính xác điều mà bà hy vọng. Cả 5 bạn teen nói trên đều tiếp tục chăm chỉ học tập, không tái phạm sai lầm nào, và dựa trên những bài luận mà họ viết, thì các luật sư đều nhận thấy rằng, họ đều “rất xấu hổ” và “rất hối hận” về những hành động của mình.
Chẳng hạn, một bạn đã viết kết luận trong bài phân tích của mình thế này: “Tất cả mọi người nên được đối xử công bằng, dù họ có màu da, hay tôn giáo, hay thiên hướng giới tính nào. Tôi sẽ cố gắng hết sức để thấu hiểu được điều này, và tôi sẽ không bao giờ ngu ngốc như trước nữa”.
![]() |
Quan tòa Rueda cũng nói: “Nhiều bài luận của các em ấy đã khiến tôi rơi nước mắt. Nhưng tôi cũng cảm thấy rất vui vì các em đều hiểu ra vấn đề. Với trẻ em và thanh thiếu niên, thì những cách giáo dục phù hợp thường sẽ đem lại kết quả tốt đẹp hơn là trừng phạt”.