Hip-Hop Việt - Những ngày đầu và sự trưởng thành

Hip-Hop Việt - Những ngày đầu và sự trưởng thành
HHT - Vài năm đầu tiên Hip-Hop du nhập đến Việt Nam, phần đông các bạn trẻ chỉ đơn giản là thấy hay và yêu thích chứ không hề biết cái mà mình đang tiếp cận được mang tên Hip-Hop.

Những người đam mê Hip-Hop lâu năm tại Việt Nam luôn bồi hồi mỗi khi nhớ lại lần đầu tiên mình tiếp xúc với nền văn hóa này: Có thể là một đoạn nhạc có tiết tấu nhanh và làm người ta muốn đứng lên nhún nhảy, có thể là lần được bạn rủ cùng nhau mang lọ sơn đi phun đầy lên tường nhà hàng xóm, có thể là khoảnh khắc gật gù theo một đoạn rap nước ngoài - dù không hiểu ý nghĩa là gì nhưng vẫn cảm thấy thú vị vô cùng. 

Buổi đầu của Hip-Hop Việt

Âm nhạc Hip-Hop đầu tiên du nhập vào Việt Nam là phần âm nhạc đi chung với B-Boying. Tuy nhiên, do hạn chế ngôn ngữ nên số lượng người nghe chưa nhiều. Âm nhạc Hip Hop chỉ thực sự thâm nhập nhờ những thanh niên đi du học trở về đất nước vào khoảng những năm từ 1995 trở lại đây. Họ đã mang về những băng, đĩa nhạc và vốn kiến thức về các nghệ sỹ Hip-Hop. Ngoài ra còn kể đến công của kênh MTV khi khoảng giữa thập niên 90, truyền hình nước ngoài bắt đầu được chiếu tại Việt Nam.

Hip-Hop Việt - Những ngày đầu và sự trưởng thành ảnh 1

Graffiti ở Việt Nam cũng được các bạn trẻ yêu thích và chỉ du nhập vào đầu những năm 2000. Trước thời gian này, cũng có một số thanh niên thử nghiệm nhưng họ không thực sự phát triển. Graffiti tại thời điểm này bị hạn chế là do họ không có nơi để thể hiện vì bị người dân coi là vẽ bậy, vẽ bẩn lên tường. Phải đến tận năm 2002 - 2003 thì graffiti mới thực sự hình thành, mà cụ thể là nhờ các cuộc thi được tổ chức và có không gian riêng để các graffiter được thể hiện. Một tên tuổi nổi bật trong giới graffiti đời đầu phải kể đến Linh Fish cùng nhóm Street Jockey.

Hip-Hop Việt - Những ngày đầu và sự trưởng thành ảnh 2

Riêng về Rap, giới trẻ Việt lần đầu tiếp xúc với Rap Việt năm 1997 qua track “Vietnamese Gangs” của hai rappers Việt kiều Khanh Nhỏ và Thai Viet G. Bên cạnh đó làng Rap Việt lúc bấy giờ còn có các tên tuổi như LK (Lil Knight),  Eddy Viet, Nam CT, 1 Warning, Young Uno, Cá Chép,... đã giúp hình thành nhóm Underground Hip Hop thế hệ đầu của Việt Nam từ năm 1997 – 2005. Gọi là “underground” vì lúc đó, nội dung các bài Rap liên quan nhiều đến những vấn đề xung quanh các rapper và cách họ thể hiện với những từ ngữ đời thường (đôi khi còn xen vào những từ bẩn) khiến nhiều người nghe vốn đã quen với nghệ thuật chính thống cảm thấy chói tai và không chấp nhận. Điểm đáng chú ý là các phong cách Rap của Việt Nam được ảnh hưởng trực tiếp từ Mỹ chứ không thông qua các nước lân cận. 

Vào giữa những năm 2000, rap Việt xuất hiện một gương mặt đáng chú ý là Wowy. Xuất thân từ thể loại graffiti, nhưng khi nhóm graffiti G2 mà anh là thành viên tan rã, Wowy đã bỏ graffiti một thời gian. Sau cùng anh đã gặp được những  người anh em là Young Koo, Baby Buzz, LD a.k.a Lil' Dragonizzle cùng thành lập tổ chức rap mang tên SouthGanZ tại Sài Gòn. Sau này Baby Buzz và Young Koo đã bỏ rap để phát triển sự nghiệp riêng. Wowy thì cùng kết hợp Karik tạo nên cặp đôi vô cùng nổi tiếng ở Sài Gòn vào khoảng thời gian 2009 - 2012 với nhiều tracks hit trước khi anh tham gia công ty Làng Văn Inc. Riêng LD qua Mỹ du học. Tại đây, anh vẫn theo đuổi sự nghiệp rap cũng như cho ra 2 mixtape Southology 1-2. Một thời gian sau anh lập ra công ty Người Việt Music Records tại Houston và điều này cũng đánh dấu cho một bước tiến của Rap Việt tại hải ngoại. 

Sự trưởng thành của nền văn hóa Hip-Hop hiện nay

Thời điểm những năm 2000, Hip-Hop trở thành phong trào, giới trẻ buộc phải biết đến Hip Hop thì mới được gọi là “sành điệu”. Nhìn chung phần lớn thanh thiếu niên nghĩ Hip-Hop là những thời trang quần tụt áo thụng lòe loẹt, đống trang sức lỉnh kỉnh, nhún nhảy loạn xạ và đọc nhiều câu ngô nghê với cấu trúc, giọng điệu không đổi. Những quan niệm này khác xa với Hip-Hop và Rap thật sự. Sau đó không lâu, phong trào nhanh chóng lắng xuống và nhiều người quay lưng lại với Hip-Hop và Rap. Tuy có thể coi đây là thời kỳ đóng băng của Hip-Hop Việt, nhưng nó cũng giúp Hip Hop vững vàng hơn khi những người đi theo phong trào tự đào thải và những “tín đồ” Hip-Hop chân chính vẫn tiếp tục sứ mệnh làm cho nền văn hóa này ngày càng lớn mạnh và hứa hẹn ngày càng có nhiều nhân tài được sinh ra từ cái nôi này. Nhờ đó, Hip-Hop thoát khỏi ngõ cụt và tiếp tục phát triển.

Hip-Hop Việt - Những ngày đầu và sự trưởng thành ảnh 3

Nhiều nhóm, cộng đồng mới ra đời và một vài trong số đó đang phát triển mạnh mẽ, hoạt động ổn định và hiệu quả hơn hẳn trước. Những đứa trẻ ngày xưa giờ có nhiều người đã trở thành những tên tuổi lớn, là những người tiên phong của Hip-Hop Việt. Cũng nhờ công nghệ cao và sự xuất hiện của các mạng xã hội, ngày càng có nhiều bạn trẻ biết đến Hip Hop và niềm đam mê được lan rộng mạnh mẽ hơn nhiều so với thời kì đầu. Hip-Hop Việt cũng không còn là một nhân tố cá biệt nữa mà đã vươn ra tiếp xúc với thế giới và được nhiều nước khác biết đến. Chúng ta có thể tự hào khi có nhiều nghệ sĩ Hip-Hop Việt được vinh danh ở các tờ báo và các kênh truyền thông ở nước ngoài, góp phần giúp loại hình nghệ thuật này ở Việt Nam ngày càng vươn xa ra thế giới.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm