Dự luật mang tên Đạo luật Di sản tốt nghiệp vì Môi trường nhằm luật hóa truyền thống trồng cây trước khi tốt nghiệp ở nước này và nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
“Vì mục đích này, hệ thống giáo dục nên là nơi tuyên truyền cho giới trẻ về việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên mang tính đạo đức và bền vững”, theo dự luật.
Dự thảo sẽ tiếp tục được trình lên Thượng viện để thông qua trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte ký ban hành. Khi đó, đạo luật sẽ có hiệu lực sau 15 ngày đăng Công báo.
Nếu được áp dụng, dự luật sẽ buộc học sinh, sinh viên trồng những loài cây “phù hợp với địa điểm, khí hậu và địa hình và ưu tiên trồng các loài cây bản địa”.
Bộ Giáo dục và Ủy ban Giáo dục đại học sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan về môi trường và nông nghiệp của chính phủ để giám sát việc thực thi.
Hạ nghị sĩ Gary Alejano, người biên soạn dự luật, ước tính mỗi thế hệ sẽ trồng được hơn 525 tỉ cây xanh.
Hơn 12 triệu học sinh tốt nghiệp tiểu học hằng năm, cùng với 5 triệu học sinh trung học và 500.000 học sinh đại học, tương đương khoảng 175 triệu cây xanh được trồng mỗi năm.
Philippines hiện đối phó với các vấn đề về môi trường do tình trạng phá rừng phục vụ cho nông nghiệp và phát triển. Diện tích rừng tại nước này giảm từ 70% xuống còn 20% trong thế kỷ 20.