Luyện thói quen lập dàn ý
Sẽ rất khó để ghi nhớ hàng trăm sự kiện lịch sử khác nhau hay số liệu môn Địa dài dằng dặc, vì vậy, lập dàn ý sẽ là bước quan trọng để bạn vừa có thể hệ thống lại kiến thức và các điểm quan trọng trong bài một cách hợp lý, vừa học bài nhanh thuộc hơn.
![]() |
Mẹo để lên một dàn ý học tập thông minh chính là loại bỏ các tiểu tiết không cần thiết trong bài học, chia đề mục (số La Mã cho các ý lớn, số thường cho các ý phụ) và luôn "highlight" các ngày tháng quan trọng.
Viết ra mọi thứ bạn đã học
Bạn đã bao giờ nghe đến phương pháp học hai lần chưa? Học lần 1, là chỉ nhìn vào sách và lẩm nhẩm đọc theo, bạn sẽ chỉ lưu giữ được thông tin trong một thời gian ngắn, nhưng nếu sau khi học xong, bạn ghi lại kiến thức vừa học lần nữa, thì thông tin lại được ghi nhớ lần 2, và bạn sẽ nhớ bài lâu hơn. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có ý định chọn tổ hợp môn Xã hội, vì ngày tháng trong Lịch sử, số liệu trong Địa lý và những quy tắc, điều lệ trong GDCD là những kiến thức đòi hỏi một quá trình tiếp thu lâu dài.
![]() |
Ghi chép sẽ giúp bạn ghi nhớ bài học lâu hơn!
Sơ đồ tư duy chưa bao giờ lạc hậu
Nếu bạn là người có bán cầu não phải phát triển, hãy thử dùng mindmap và các hình ảnh để hệ thống lại bài học nhé. Phương pháp này đòi hỏi ở bạn một chút sáng tạo và khả năng sắp xếp, nhưng hiệu quả của nó lại cực kỳ cao. Vì, ngoài khối lượng kiến thức khổng lồ từ tổ hợp ba môn Sử - Địa - GDCD, teen còn phải đối mặt với một vấn đề khá nghiêm trọng khác: Không thể xác định mối quan hệ tương quan giữa các đơn vị bài học (Ví dụ: Chuyên môn hóa sản xuất giữa các vùng khác nhau ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế toàn quốc…), và vì vậy, sơ đồ tư duy sẽ là giải pháp giúp bạn thống kê lại chi tiết hơn mối quan hệ giữa các vấn đề trong bài học.
![]() |
Ví dụ về một sơ đồ tư duy đúng chuẩn.
Cách vẽ một sơ đồ tư duy hiệu quả chính là liệt kê các ý cần khái quát để tránh trùng lặp kiến thức giữa các phần, cũng như sử dụng thật nhiều màu sắc để kích thích khả năng tiếp thu của não bộ.
Mở nhóm học cùng "vượt vũ môn"
Bạn thường có xu hướng học tập hiệu quả hơn khi cùng học chung với bạn bè, nhưng chỉ trong trường hợp là bạn không bị "quyến rũ" bởi yếu tố ngoại cảnh. Học nhóm sẽ khiến bạn có động lực hơn, sáng tạo hơn và não bộ sẽ hưng phấn hơn nhiều lần, và điều này cực kỳ có lợi nếu bạn muốn học một khối lượng lớn kiến thức từ các môn Xã hội.
![]() |
Sau khi học nhóm, các bạn cũng có thể dò bài cho nhau, một cách giúp học bài mau thuộc hơn.
Chắc hẳn bạn cũng đã lựa chọn được phương pháp học tổ hợp "khó xơi" này rồi phải không nào? Hãy áp dụng ngay để vượt vũ môn ngon ơ trong kỳ thi THPT sắp tới nha!
TƯỜNG NGUYÊN - Ảnh minh họa: Internet