Cơn bão số 2 (Prapiroon) đang di chuyển ở Vịnh Bắc Bộ vào chiều 22/7 với sức gió khoảng 100 km/h, tiến về phía tỉnh Quảng Ninh nước ta. Trong ngày 22/7, nhìn hình ảnh vệ tinh về bão số 2 đã thấy mắt bão, dù tương đối mờ. Thời điểm mắt bão xuất hiện là thời điểm quan trọng mà các nhà khí tượng đều quan tâm. Tại sao lại như vậy?
Hình ảnh vệ tinh khí tượng của bão số 2 cho thấy mắt bão mờ. Ảnh: NII.ac.jp. |
Theo trang Live Science, trong một cơn bão nhiệt đới, có các dải không khí đầy hơi nước xoay quanh một tâm chung. Bỗng nhiên, một dải không khí bắt đầu xoay mạnh hơn những dải khác; nó trở thành “thành mắt bão” - vùng có gió mạnh nhất, bao quanh mắt bão. Gió xoay quanh mắt bão khiến không khí di chuyển từ bề mặt đại dương lên trên đỉnh của cơn bão. Phần lớn không khí này sau đó thoát ra ngoài các đám mây bão và di chuyển xuống ở quanh rìa ngoài.
Vì lý do gì đó mà các nhà khoa học cũng chưa giải thích được, không phải toàn bộ không khí đi lên đều thoát ra ngoài rìa ngoài của cơn bão. Mà có một lượng nhỏ lại “chìm” xuống ở tâm của cơn bão. Sẽ có sự tương tác nữa giữa các luồng không khí, nhưng về cơ bản là không khí bắt đầu đi xuống ở tâm của cơn bão, tạo ra một vùng không có mưa. Đây chính là mắt bão mới hình thành.
Mô hình cho thấy mắt bão. Ảnh: Akzx. |
Sự hình thành một mắt bão - thường rộng 30 đến 60 km - gần như luôn là dấu hiệu cho biết một cơn bão nhiệt đới đang trở nên có tổ chức hơn và mạnh hơn, dễ trở thành mối đe dọa lớn. Chính vì vậy, các nhà khí tượng luôn theo dõi kỹ các cơn bão để xem khi nào thì mắt bão xuất hiện. Nhìn chung, mắt bão càng rõ ràng thì cơn bão càng mạnh, theo Thời báo New York.
Trên biển, bên trong mắt bão có thể là nơi nguy hiểm nhất: Sóng từ các hướng đánh vào nhau, tạo ra những đợt sóng có thể cao đến 40 mét. Nhưng trên đất liền, trung tâm của mắt bão lại thường là nơi yên ả nhất, trời trong, không mưa gió, có khi còn có ánh nắng. Tuy nhiên, các cơ quan khí tượng khuyên rằng khi ở địa phương đang có bão, người dân nên ở trong nhà dù nhìn ra ngoài trời có vẻ không mưa gió gì. Bởi rất có thể khu vực “không mưa gió” đó chính là mắt bão, không biết khi nào thì đột ngột có gió dữ dội.
Hình ảnh bão Katrina vào ngày 28/8/2005 (cơn bão này đổ bộ vào nước Mỹ, là một trong những cơn bão gây thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử). Có thể thấy mắt bão tròn xoay và rất rõ ràng. Ảnh: NASA. |
Về cơn bão số 2, dự báo nó sẽ đổ bộ tỉnh Quảng Ninh vào rạng sáng 23/7 với gió khoảng cấp 10 (100 km/h), gây mưa lớn ở nhiều tỉnh thành Đông Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm cả Thủ đô Hà Nội, và mưa sẽ kéo dài sang thứ Tư, 24/7.