Muốn thành công, chúng ta cần luôn sẵn sàng cho hành trình cuộc sống

Muốn thành công, chúng ta cần luôn sẵn sàng cho hành trình cuộc sống
HHT - Thành công của mỗi hành trình đều phụ thuộc vào sự chuẩn bị kiên trì, thường xuyên của chúng ta.

Trong cuốn sách "Dạy tảng đá nói chuyện" (New York: Harper Collins), tác giả Annie Dillard đã kể lại một câu chuyện buồn, nhưng rất sâu sắc, thấm thía. Chuyện kể về cuộc hành trình thám hiểm Bắc Cực của nước Anh. Con tàu thám hiểm khởi hành vào năm 1845 để vẽ hải đồ Hành lang Tây Bắc quanh vùng Bắc Cực phía Canada, tới Thái Bình Dương. Hai con tàu lên đường nhưng không con tàu nào, và không ai trong số 138 người trên tàu, quay trở lại.

Dillard đưa ra lập luận rằng thuyền trưởng Sir John Franklin đã chuẩn bị như thể họ đi một chuyến du ngoạn chứ không phải là một hành trình gian khổ, qua một trong những vùng có môi trường, khí hậu khủng khiếp nhất trên Trái Đất. Sir John Franklin đã lập một thư viện trên tàu với 1.200 cuốn sách, rồi đàn, rồi bát đĩa sứ cho các sĩ quan và thủy thủ, rồi những ly rượu tinh tế và những dụng cụ bàn ăn bằng bạc nguyên chất. Tất cả đều được thiết kế công phu và mỹ miều. Nhiều năm sau, người ta vẫn tìm thấy một số món đồ này ở gần những cái xác bị đông cứng.

Chuyến đi thất bại khi hai con tàu đi vào những vùng nước lạnh lẽo và bị mắc kẹt giữa băng. Ban đầu, băng giá phủ kín các boong tàu, các cột buồm. Rồi nước bắt đầu đóng băng quanh những bánh lái, và hai con tàu bị kẹt giữa biển – lúc này là mặt băng – một cách vô vọng.

Tác giả Annie Dillard.

Các thủy thủ rời khỏi tàu để tìm kiếm sự giúp đỡ (họ lúc này có thể đã mê sảng do bị ngộ độc chì từ những chiếc hộp bảo quản thức ăn), nhưng sớm thua cuộc trước thời tiết khắc nghiệt của Bắc Cực và chết giữa những cơn gió dữ dội và nhiệt độ dưới mức đông giá. Trong suốt 20 năm sau đó, những gì còn lại của cuộc hải trình vẫn còn được tìm thấy trên khắp vùng đất đóng băng này.

Tác giả Dillard nói rằng, đoàn thám hiểm đã không chuẩn bị sẵn sàng cho cái lạnh, hay cho kết cục rằng những con tàu sẽ mắc kẹt trong băng. Trong một hành trình sẽ kéo dài 2-3 năm, họ lại chỉ đem theo những bộ đồng phục thủy quân và thuyền trưởng chỉ mang theo lượng than đủ dùng cho 12 ngày. Cuối cùng, người ta cũng tìm thấy cái xác đóng băng của một sĩ quan, cách xa con tàu hàng dặm, mặc bộ đồng phục may bằng loại vải chất lượng cao, viền bằng lụa, với chiếc áo khoác rất đẹp màu xanh hải quân, trên cổ quàng khăn lụa – những loại trang phục rất đẹp và quý phái, nhưng rõ ràng là không đủ cho một chuyến đi Bắc Cực.

Hình ảnh minh họa cho chuyến thám hiểm Bắc Cực của người Anh.

Các nhà sử học có thể nghi ngờ khả năng của những người đã tổ chức một chuyến đi được chuẩn bị kém như vậy. Nhưng với chúng ta, thì quan trọng hơn chính là câu hỏi: liệu chúng ta cũng có chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình quan trọng mà mình đang thực hiện? Hành trình mà chúng ta gọi là "cuộc sống"? Liệu chúng ta có sẵn sàng hết mức có thể cho bất kỳ điều gì ở phía trước?

Tôi muốn cố gắng chuẩn bị cho mình theo một số cách:

Sự thân thiết: Tôi luôn cần một số người thực sự quan tâm đến mình trong cuộc sống.

Công việc và tiền bạc: Tôi muốn chăm chỉ, có thể kiếm đủ tiền cho bản thân và giúp đỡ người khác khi cần thiết.

Sẵn sàng vì người khác: Một vùng nước mà không có lưu thông thì chỉ là ao tù. Con người cũng vậy. Nếu bạn không sống vì những người khác nữa, thì bạn sẽ chẳng có mối quan hệ nào cả.

Luôn chuẩn bị sẵn sàng bằng từng việc nhỏ mỗi ngày thì cuộc sống của bạn sẽ tốt đẹp hơn.

Cơ thể và tâm trí: Rèn luyện cả cơ thể lẫn tâm trí để cả hai đều hoạt động tốt hơn.

Thái độ sống: Mỗi người thực sự có thể điều chỉnh thái độ sống, để sống và nghĩ tích cực.

Cảm xúc: Mỗi chúng ta cũng có thể kiểm soát các phản ứng của mình, bao gồm cả sự giận dữ.

Mỗi chúng ta đều luôn luôn ở trong một hành trình. Và trong phần lớn các trường hợp, thì sự thành công của cuộc hành trình sẽ được quyết định bởi sự chuẩn bị đều đặn, thường xuyên của chúng ta.

Cá nhân tôi muốn mình luôn chuẩn bị sẵn sàng, bằng từng việc nhỏ mỗi ngày để củng cố những điều trên. Còn bạn thì sao?

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Đọc "Lam Bảo - Khởi nguyên tro tàn", mở ra thế giới phép thuật sử thi

Đọc "Lam Bảo - Khởi nguyên tro tàn", mở ra thế giới phép thuật sử thi

HHT - "Lam Bảo - Khởi nguyên tro tàn" thuộc thể loại Kì ảo Sử thi, một nhánh của truyện viễn tưởng nổi tiếng với những tác phẩm kinh điển như "Chúa tể những chiếc nhẫn" hay "Trò chơi vương quyền". Với bối cảnh rộng lớn và đầy mê hoặc, tác phẩm mở ra cánh cửa đến Cielune - thế giới huyền ảo của ma thuật, rồng, tiên, con người và nhiều chủng tộc kì lạ.
Một thời để nhớ: Thất bại giấc mơ diễn viên nhí và bài học đáng nhớ đầu đời

Một thời để nhớ: Thất bại giấc mơ diễn viên nhí và bài học đáng nhớ đầu đời

HHT - Trên đường đi, cha rủ rỉ bảo rằng thấy tui không phải đi đóng phim, cha lại mừng. Bởi vì cha muốn tui khiêm tốn và tập trung học hành. "Là người trưởng thành, mình phải biết chấp nhận thất bại. Thất bại cũng tốt không kém gì thành công, nếu con biết mình còn kém cỏi những gì để mà cố gắng!".
Yêu Với Một Trái Tim Rộng Mở: Cuốn sách đáng yêu từ Mayy, cựu tác giả nhà Hoa

Yêu Với Một Trái Tim Rộng Mở: Cuốn sách đáng yêu từ Mayy, cựu tác giả nhà Hoa

HHT - “Yêu với một trái tim rộng mở” là ấn phẩm của tác giả Mayy - cây bút quen thuộc với các độc giả thế hệ 8X và 9X trên báo Hoa Học Trò. Ấn phẩm lưu lại những mẩu truyện “đình đám” từng xuất hiện trên báo Hoa cùng lời gửi gắm của tác giả dành cho những bạn trẻ trong độ tuổi 20.