"7 năm học sinh giỏi mà giờ trường tư người ta cũng không nhận"
Theo thông tin từ báo Lao Động, người mẹ tức giận khi con gái thiếu 8 điểm nên không được nhận vào trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Sau khi biết kết quả, người mẹ bắt con quỳ giữa sân trường và lớn tiếng la hét khi có người đến can ngăn: "Để yên cho tôi dạy con. 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày ch** thì thôi".
Trước vụ việc gây nhiều tranh cãi, TS. Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường) đã có chia sẻ với phóng viên báo Lao Động: Ông không có mặt tại trường trong ngày xảy ra vụ việc. Sau đó, ông mới nghe được báo cáo từ các thầy cô giáo.
TS. Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh: nbk.edu) |
Được biết, điểm chuẩn của trường năm nay là 40 điểm, trong khi đó nữ sinh chỉ được 32 điểm. Trước đó, phụ huynh của nữ sinh đã đóng phí đăng ký sớm (phí giữ chỗ vào trường) nhưng thầy Hòa cho biết, nhà trường cũng đã quy định thí sinh đủ điểm mới được vào trường, nếu không sẽ được ưu đãi thêm 2 điểm.
Theo thầy Hòa, việc người mẹ bắt con gái quỳ giữa trường nhằm gây áp lực để nhà trường nhận vào học: "Tôi cũng nghe nói cô ấy đánh con để gây áp lực mong nhà trường nhận học sinh. Nhưng sau khi cán bộ tuyển sinh khuyên giải, phòng tài vụ hoàn trả 100% số tiền cô ấy đóng trước đó thì vị phụ huynh này bảo thôi không học và đi về".
Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh: nbk.edu) |
Ngoài ra, thầy Hòa cũng thông tin thêm về gia cảnh của nữ sinh này và mong rằng gia đình em sẽ mạnh mẽ vượt qua biến cố: "Theo tìm hiểu, tôi được biết cả gia đình học sinh này vừa trải qua biến cố lớn. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cộng với sự đau thương do mất người thân đã khiến học sinh và phụ huynh chịu nhiều tổn thương".
Về phía nữ sinh, cô cho biết mình không hề trách móc mẹ sau khi bị bắt quỳ giữa sân trường do thiếu điểm vào trường dân lập. Hiện tại, mẹ của nữ sinh vẫn chưa biết đoạn clip bà tức giận với con gái đang trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Nữ sinh cũng mong muốn cộng đồng mạng đừng quá soi xét vì mẹ cô phải vất vả chăm 3 con nên có những lúc quá áp lực, nóng giận thiếu kiềm chế.
Không chỉ teen, phụ huynh cũng cần kiểm soát áp lực
Điểm thi không như kỳ vọng, phụ huynh thất vọng một thì con thất vọng mười bởi teen mình là người phải đối mặt trực tiếp với những thay đổi không mong muốn trong kế hoạch học tập.
Dẫu biết rằng, cha mẹ nào cũng muốn con cái khỏe mạnh, học hành tử tế, giỏi giang nhưng kỳ vọng quá lớn sẽ khiến phụ huynh hụt hẫng, thất vọng, thậm chí sốc khi biết kết quả học tập của các con không như mình muốn. Vậy là thay vì bình tĩnh tìm hướng đi phù hợp, nhiều bố mẹ lao đi khắp nơi rải hồ sơ, rồi than thở, rồi chì chiết về kết quả của con, so bì kết quả với “con nhà người ta”.
Áp lực đè nặng lên chính phụ huynh trong thời gian dài lo nghĩ, để rồi lại trút sang con.
Khi không được bố mẹ thấu hiểu, nâng đỡ, nỗi buồn điểm thi không mong muốn khiến các bạn học sinh rơi vào tuyệt vọng, nhụt chí gấp nhiều lần. Ở độ tuổi bồng bột, không kiểm soát được hành vi, có bạn rơi vào trạng thái trầm cảm, tìm đến những lựa chọn tiêu cực bởi suy nghĩ thi trượt là mắc tội lớn khiến gia đình khổ sở.
Với sự đa dạng của các loại hình học tập hiện nay, cánh cửa trường công lập khép lại cũng đồng nghĩa mở ra nhiều lối đi khác: trường dân lập, bổ túc văn hoá, các trường trung cấp vừa học văn hoá vừa đào tạo nghề…
Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải giúp con cái tìm ra được sở thích, đam mê và thế mạnh của bản thân để phát triển. Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình lớn lên thành đạt nên luôn đặt kỳ vọng vào con cái. Trong một số trường hợp, sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ đã vô tình tạo áp lực đẩy con vào bế tắc.